Qua miền Tây bắc - chủ đề về nguồn của gần 100 cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản TP.HCM từ ngày 12-16/12/2023 do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức đã kết thúc tốt đẹp. Chuyến đi đã để lại nhiều cảm xúc sâu đọng cho thành viên trong đoàn.
Hành trình Qua miền Tây Bắc của đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản TP.HCM lần lượt đi qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Theo đó, đoàn tham quan Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến, toạ lạc tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La - nơi lưu giữ kỷ vật về Đoàn binh Tây Tiến tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Tiếp đó đoàn đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và những người Việt Nam yêu nước tại Nghĩa trang Liệt sĩ Nhà tù Sơn La, Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La...
Đoàn đến thăm Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (Đồi D1); dâng hương dâng hoa, dành một phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân; tham quan Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - công trình có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc xứng tầm với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc.
Bên cạnh đó, đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên; nghe thông tin về các hoạt động chuẩn bị Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Tại buổi làm việc, đoàn đã nghe bà Lò Thị Minh Phượng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được ở mọi lĩnh vực, Điện Biên vẫn có một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn. Điện Biên mong muốn cả nước cùng chia sẻ với tỉnh, chung tay góp sức để cùng tỉnh xây dựng và phát triển xứng tầm với truyền thống lịch sử hào hùng của tỉnh.
Đáp lời, ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cho rằng, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là hoạt động lớn không chỉ của tỉnh nhà mà của cả nước. Hội Nhà báo TP.HCM sẽ có trách nhiệm cùng với Điện Biên chuẩn bị cho lễ kỷ niệm lớn này về thông tin - truyền thông.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, đoàn còn phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên đi thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo xã biên giới Mường Lói và Đồn Biên phòng Mường Lói, huyện Điện Biên - nằm cách trung TP. Điện Biên Phủ hơn 80km. Tổng giá trị các phần quà gồm 160 triệu tiền mặt và hiện vật. Riêng với các em học sinh, phần quà còn có thêm áo ấm, tập vở, bánh kẹo...
Tại buổi trao qùa, ông Phong xúc động cho biết, đoàn cũng muốn mang nhiều hơn nữa những phần qùa dành cho bà con, các em học sinh cũng như chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lói nhằm góp phần chia sẻ những khó khăn, cổ vũ tinh thần các chiến sĩ, nhưng đường sá xa xôi nên chỉ mang tấm lòng với ít ỏi vật chất. Ông Phong cũng cho biết sẽ còn nhiều những chiến hành trình ý nữa của TP.HCM đến với bà con Điện Biện trong thời gian tới. Và ông Phong cũng đã gửi lời động viên sâu sắc đến các chiến sĩ biên phòng tại đây với tình cảm nồng nàn của người hậu phương Nam bộ.
Trong ngày cuối, tại tỉnh Phú Thọ đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Vua Hùng thuộc Khu Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ - nơi thờ các Vua Hùng có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Trước anh linh Quốc tổ, các thành viên trong đoàn hành trình đã kính cẩn dâng hương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, tự hào với truyền thống dân tộc, mãi khắc ghi công ơn của các bậc tiền nhân, quyết tâm ra sức học tập, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tiếp đó, đoàn đến tham quan, tìm hiểu bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại Ngã năm Đền Giếng.
Trong hành trình này, đoàn còn đến thăm các di tích lịch sử, cùng nhiều danh lam thắng cảnh tiêu biểu khác của Tây Bắc.
Khép lại hành trình, mỗi thành viên trong đoàn, mỗi cảm xúc khác nhau, nhưng tựu trung mang một sự tự hào, tự tôn dân tộc trước cảnh đẹp của đất nước, lịch sử đấu tranh hào hùng, quả cảm của cha ông. Nhà báo Quang Huy - Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết mình hạnh phúc khi được về đất tổ - Phú Thọ; sau chuyến đi được hiểu thêm về đời sống văn hóa - xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc. Anh cũng không dấu quyết tâm cho biết, mình sẽ có những bài viết về du lịch - văn hóa - những bản sắc của đồng bào Tây Bắc để góp phần thu hút khách du lịch, thúc đẩy kinh tế các tỉnh Tây Bắc, làm giàu cho đất nước.
Còn theo Nhà báo Đại tá Lê Phi Hùng - nguyên Trưởng cơ quan Đại diện phía Nam, Báo Quân Đội Nhân Dân, chuyến về nguồn này đã giúp các nhà báo, phóng viên, biên tập viên có ánh nhìn sâu hơn về địa danh, lịch sử của vùng đất Tây bắc anh hùng và hùng vĩ.
"Trên đại ngàn Tây Bắc, đó là cảnh núi non, sông nước hùng vĩ, gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Đó là lịch sử dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương. Đó là sự hình thành các bộ tộc tạo ra các xứ Mường, xứ Thái, xứ Mông. Đó là sự ra đời của Đoàn quân Tây Tiến, là những chiến công hiển hách trên chiến trường Điện Biên Phủ. Tây Bắc còn là sự khởi nguồn và phát triển cho những dự án công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước như: Thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Sơn La, Lai Châu... Về với Tây Bắc, chính là về với cội nguồn yêu thương, để ta tự hào, dâng lên niềm tự tôn dân tộc để xứng đáng với đất nước hàng ngàn năm văn hiến và anh hùng", nhà báo Hùng cảm xúc cho biết.
Nhà báo Song Minh - Tạp chí Giáo Dục TP.HCM cảm xúc chia sẻ: "Kết thúc hành trình, không thể phủ nhận là rất cực và rất mệt bởi di chuyển một chặn đường dài đèo dốc cheo leo. Nhưng, động lại trong tôi lòng tự hào dân tộc, bổ sung thêm nhiều kiến thực lịch sử, địa lý, văn hóa với những trải nghiệm thực tế. Cảm ơn ban tổ chức đã cho chúng tôi có một chuyến đi quá nhiều ý nghĩa như thế này. Cảm ơn nghề báo....".
Còn với phóng viên Quốc Ngọc - Báo Phụ Nữ TP.HCM, chuyến về nguồn này là một trải nghiệm tuyệt vời với anh. Hành trình thăm, khám phá những danh thắng, di tích, công trình kiến trúc, vết tích văn hóa… anh có cơ hội sống lại với những câu chuyện, bài học của những sự kiện, giai đoạn lịch sử của đất nước.
"Hành trình mang tên Qua miền Tây Bắc đã đưa đoàn trở về không gian hùng tráng của Đoàn quân "không mọc tóc", dừng lại khúc trầm mặc nơi Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, bồi hồi bên cột mốc biên giới hay tĩnh lặng dưới gốc bằng lăng tỏa bóng bên Đền thờ các Vua Hùng… Những nhịp điệu, cung bậc khó quên đó tạo nên những cảm nghiệm sâu sắc giúp tôi có thêm những góc nhìn phong phú, đầy đặn hơn cho nghề. Trên hành trình tìm về ý nghĩa, giá trị của nguồn gốc, bề dày lịch sử dân tộc, tôi - những người làm báo - được hiện diện cùng nhau để biết rằng chúng ta là một phần của dòng chảy vô tận khởi nguồi từ cha ông để tiếp tục nối bước”, anh nói.
Được biết, chuyến về nguồn nhằm tăng cường giáo dục, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, truyền thống lịch sử cho đội ngũ những người làm báo, tuyên giáo, xuất bản; đồng thời là dịp để động viên, khen thưởng các phóng viên, biên tập viên đoạt Giải Báo chí TP.HCM, Giải Búa liềm vàng, Giải báo chí Quốc gia năm 2022-2023.