Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa ký ban hành kế hoạch triển khai khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên TP.HCM năm 2024.
Theo đó, thống nhất từ năm 2024 sẽ triển khai khám sức khỏe đồng loạt cho tất cả người từ 60 tuổi trở lên.
Đây là bước chuyển tiếp sau kế hoạch của UBND TP.HCM và từ chương trình thí điểm khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi mà ngành y tế TP.HCM thực hiện năm 2023.
Người cao tuổi ở TP.HCM mắc bệnh gì nhiều nhất?
Theo số liệu (thí điểm) được Sở Y tế công bố gần đây, đã có 13.773 người trong tổng số 20.079 người cao tuổi thuộc 49 phường, xã được khám sức khỏe và tầm soát bệnh.
Kết quả cho thấy bệnh lý người cao tuổi đang sinh sống tại TP.HCM mắc phải nhiều nhất vẫn là cao huyết áp với 7.199 người (chiếm 52,27%); kế đến đái tháo đường với 2.070 người (chiếm 15,03%); hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính với 367 người (chiếm 2,66%) và tiền sử ung thư với 170 người (chiếm 1,23%).
Theo ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - điều đáng ghi nhận, qua khám sức khỏe còn ghi nhận số trường hợp mới được phát hiện tăng, gồm 1.025 người cao huyết áp, 2.060 người có chỉ số đường huyết cao, 168 trường hợp nghi hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 360 người có dấu hiệu nghi ngờ ung thư được giới thiệu bệnh viện tuyến trên chẩn đoán xác định.
Mỗi phường, xã, thị trấn phải có ít nhất một điểm khám sức khỏe
Từ kết quả đạt được, Sở Y tế thống nhất từ năm 2024 sẽ triển khai khám sức khỏe đồng loạt cho tất cả người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) trên địa bàn. Mỗi phường, xã, thị trấn phải tổ chức ít nhất một điểm khám sức khỏe cho người cao tuổi.
Sở Y tế cho phép các địa phương tổ chức khám sức khỏe theo các ngày trong tuần, hoặc tập trung theo chiến dịch nhưng phải đảm bảo chất lượng và quy định của pháp luật.
Tất cả người cao tuổi trên địa bàn khi khám sức khỏe phải được khám, đánh giá đầy đủ các chuyên khoa, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế.
Trong trường hợp không thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng phải giải thích rõ cho người cao tuổi, ghi rõ lý do và người cao tuổi ký xác nhận.
Cơ sở khám sức khỏe phải thông tin kết quả khám sức khỏe cho người cao tuổi trong vòng 24 - 48 giờ sau khi khám.
Tổ chức tư vấn khi phát hiện người cao tuổi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý và giới thiệu đến bệnh viện để thực hiện xét nghiệm chuyên sâu trong trường hợp trạm y tế không có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), giai đoạn 2024 - 2025 được Sở Y tế trình UBND TP.HCM ban hành vào tháng 7-2023.
Theo đó, TP.HCM dự kiến sẽ chi gần 150 tỉ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi nhằm "đánh chặn" bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi.
Đây là bước đi được dư luận, chuyên gia đánh giá là hoàn toàn phù hợp khi TP.HCM có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp.