Chiều 24-12, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, diễn ra Hội thảo khoa học “Đồng chí Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của TPHCM”. Dự hội thảo có GS-TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM. Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh đồng chí Phan Văn Khải (25-12-1933 - 25-12-2023).

Sớm giác ngộ cách mạng

Đề dẫn hội thảo, GS-TS Lê Văn Lợi, khẳng định, hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm tri ân và tôn vinh cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của đồng chí Phan Văn Khải, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam, người con ưu tú của TPHCM, đã phấn đấu, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

anh-1-8958.jpg
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: QUANG PHÚC

Sinh ra trong một gia đình nông dân yêu nước, có truyền thống cách mạng, đồng chí Phan Văn Khải đã sớm tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1947, khi mới 14 tuổi, đồng chí tham gia Đội thiếu nhi cứu quốc xã, sau đó trở thành Ủy viên Ban Chấp hành thiếu nhi huyện Hóc Môn (1948), làm công tác văn thư Tỉnh đoàn thanh niên tỉnh Gia Định (1950), làm công tác văn phòng của Mặt trận Liên Việt tỉnh Gia Định Ninh (1952), sau đó công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định Ninh cho tới năm 1954.

Tháng 10-1954, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng một số cán bộ miền Nam, đồng chí Phan Văn Khải được phân công tập kết ra miền Bắc. Đồng chí được cử tham gia công tác giảm tô ở Hà Nam, cải cách ruộng đất ở Sơn Tây, Bắc Hưng Yên (1955 - 1957). Đồng chí đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, tham gia công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh của nhân dân miền Bắc.

anh-3-5080.jpg
Đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo, chiều 24-12. Ảnh: QUANG PHÚC

Để đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đảng đã chủ trương mở nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ các lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng chí Phan Văn Khải được cử đi học Trường bổ túc công nông Trung ương (1957 - 1959). Với những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, rèn luyện, học tập, ngày 15-7-1959, đồng chí đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và sau đó tiếp tục được cử đi đào tạo tại Trường Ngoại ngữ Trung ương, rồi Đại học Kinh tế quốc dân Mát-xcơ-va, Liên Xô, nhằm tạo nguồn cán bộ cho công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Sau khóa học trở về nước, đồng chí được điều về công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, rồi được đề bạt giữ các chức vụ Phó phòng, Trưởng phòng Vụ Tổng hợp của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đồng chí đã vận dụng sáng tạo những kiến thức về quản lý kinh tế được học tại Liên Xô vào thực tiễn đất nước, góp phần rất lớn xây dựng hậu phương miền Bắc vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Năm 1973, theo sự phân công của tổ chức, đồng chí vào chiến trường B2. Năm 1974, đồng chí được điều ra Hà Nội, công tác tại Ủy ban thống nhất Trung ương và đã tích cực góp phần vào công cuộc thống nhất Tổ quốc.

Đất nước thống nhất, đồng chí Phan Văn Khải được phân công trở lại TPHCM, trên các cương vị, trọng trách được giao, đồng chí Phan Văn Khải đã cùng tập thể lãnh đạo TPHCM đề ra nhiều chủ trương, chính sách, cách làm hiệu quả năng động, sáng tạo góp phần tháo gỡ ách tắc, cởi trói các rào cản, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

“Đồng chí đã thể hiện một tư duy đột phá, năng động, không ngừng tổng kết, đúc rút từ thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước và nhân dân. Cách làm năng động, sáng tạo của TPHCM đã gợi mở cho Trung ương những quyết sách đúng đắn, phù hợp để đổi mới và phát triển toàn diện đất nước”, GS-TS Lê Văn Lợi khẳng định.

Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam

GS-TS Lê Văn Lợi cho biết, với những đóng góp to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội TPHCM, tại Đại hội lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí Phan Văn Khải được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V (năm 1984), đồng chí được bầu vào Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đến Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 4-1989, đồng chí Phan Văn Khải được điều động ra Trung ương đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng với ngành kế hoạch và đầu tư của đất nước. Công tác kế hoạch dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phan Văn Khải đã chuyển từ vai trò chia vốn, phân phối vật tư sang xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng và phân bổ nguồn lực, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn kế hoạch với thị trường. Đặc biệt, đồng chí đã chủ trì xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1991 - 1995) và Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000.

anh-2-1702.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: QUANG PHÚC

Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Trên các cương vị được giao, đồng chí Phan Văn Khải cùng tập thể Bộ Chính trị, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế; đề ra các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần đổi mới mạnh mẽ và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực như: tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ; mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chú trọng vấn đề kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường; xây dựng nền hành chính dân chủ, có năng lực và phục vụ nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Chính phủ đã điều hành đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức của tình hình quốc tế phức tạp, đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Tấm gương người cộng sản kiên trung, hết lòng vì nước, vì dân

GS-TS Lê Văn Lợi khẳng định, cuộc đời đồng chí Phan Văn Khải là tấm gương cao đẹp của người cộng sản kiên trung, tấm gương đạo đức trong sáng. Đồng chí luôn tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của người đảng viên cộng sản, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Là người cán bộ của nhân dân, từ nhân dân mà ra, đồng chí Phan Văn Khải luôn gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, quan tâm, sâu sát với đời sống nhân dân, từ đó có những những quyết sách vì hạnh phúc của nhân dân. Đạo đức và lối sống cao đẹp của đồng chí Phan Văn Khải được đồng chí, đồng bào tin cậy, quý mến, bạn bè quốc tế trân trọng.

Kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đồng chí Phan Văn Khải đã trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người con ưu tú đã làm rạng danh cho mảnh đất Thành đồng Tổ quốc. Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí luôn dành tình cảm sâu nặng, nghĩa tình với TPHCM.

“Đảng bộ và nhân dân thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn trân trọng và rất đỗi tự hào có người con trung hiếu, một người cán bộ lãnh đạo tâm huyết, tài năng như đồng chí Phan Văn Khải. Học tập và noi theo tấm gương đồng chí, Đảng bộ và nhân dân TPHCM đang phát huy mạnh mẽ truyền thống “bản lĩnh, kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình”, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, GS-TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh.

PGS-TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Đồng chí Phan Văn Khải có tư duy chiến lược về nhân tố chủ yếu đưa đất nước sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển trên một số nội dung.

pgs-phong-103.jpg
PGS, TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo, chiều 24-12. Ảnh: QUANG PHÚC

Thứ nhất, phát huy nhân tố con người. Thứ hai, dám nhìn thẳng vào sự thật. Tầm tư duy chiến lược thường được hiểu là “tài sản không nhìn thấy được”, nhưng đó lại là một kho tàng đầy của báu, chứa đựng biết bao giá trị, một tài sản vô giá.