Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận việc cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh được miễn trách nhiệm hình sự là công bằng, hợp lý và là sự động viên để các cán bộ dám nghĩ dám làm.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - Ảnh: HỮU HẠNH
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - Ảnh: HỮU HẠNH

Sáng 13-1, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về đầu tư công của TP.HCM, nhằm khơi dậy tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong đội ngũ cán bộ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã dành ít phút nói về việc cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh được miễn trách nhiệm hình sự trong vụ "đại án" liên quan kit xét nghiệm Việt Á.

Ông Nên đề cập đến vụ việc này như một dẫn chứng để cán bộ, công chức TP.HCM nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm trong hoạt động công vụ nói chung và giải ngân vốn đầu tư công nói riêng.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng hành vi của ông Danh có sai phạm nhưng vì động cơ cứu người trong bối cảnh cấp thiết, không vụ lợi.

Theo ông Nên, việc này cho thấy kết luận 14 của Bộ Chính trị đã bảo vệ được cán bộ dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung, không có động cơ vụ lợi.

"Các đồng chí cứ yên tâm trong những tình huống khó khăn, có những việc vượt thẩm quyền, pháp luật chưa có quy định thì mạnh dạn báo cáo nhanh để cấp có thẩm quyền cho ý kiến, không phải sợ. Chúng ta phải quan tâm chú ý và tôn vinh những giá trị đạo đức đó. Quan trọng nhất là từ chối nhận những khoản tiền sai quy định dù đó là những khoản tiền nhận sau", ông Nên nói.

Ông Nên cho rằng việc miễn trách nhiệm hình sự cho ông Danh được công chúng ủng hộ, có ý kiến cho rằng nên khen thưởng hành vi dám nghĩ dám làm của cựu giám đốc CDC Bình Dương.

Cũng tại hội nghị này, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã biểu dương thành tích của UBND TP, các cấp, ngành trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Ông Nên cũng chia sẻ với các đơn vị có tỉ lệ giải ngân thấp do khách quan.

Theo ông Nên, nếu sắp tới Ban Thường vụ Thành ủy có sơ kết, rút kinh nghiệm về giám sát đầu tư công thì ông tự nhận mình là người hoàn thành nhiệm vụ thấp nhất. Ông là người theo dõi, đôn đốc dự án chống ngập nhưng đến nay chưa giải ngân được.

"Tôi rất quyết tâm chọn đẩy nó lên nhưng không thể do vượt thẩm quyền cá nhân tôi. Ở đây nếu có đồng chí nào không hoàn thành nhiệm vụ do khách quan thì cũng không nên buồn lâu, sang năm phải làm tốt hơn", ông Nên nói.

Tuy nhiên, bí thư Thành ủy cũng nghiêm khắc phê bình những đơn vị có tỉ lệ giải ngân thấp do chủ quan. Cần thống kê sát, khen thì ra khen, nhắc nhở ra nhắc nhở, chê cho ra chê rõ ràng.

Năm 2024, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị UBND TP.HCM đề ra các giải pháp cụ thể, sát sườn, kỷ cương để điều hành công tác giải ngân đầu tư công hiệu quả hơn.

Ông Nên quán triệt tinh thần không để tiến độ giải ngân đầu tư công năm 2024 lặp lại như năm 2023. Từ quý 1-2024, toàn hệ thống phải đẩy ngay công tác giải ngân vốn đầu tư công. "Đừng như một trận đá bóng nửa trận rồi mà chưa có điểm nào, vòng cuối sẽ rất vất vả, đứng ngồi không yên", ông Nên ví von.

Trong những bài học kinh nghiệm rút ra, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị quan tâm công tác phối hợp giữa các đơn vị.

"Nếu phối hợp đã phân công, giao việc rạch ròi, có tiến độ cụ thể thì mới có giá trị. Nhưng phối hợp kiểu chung chung, có những việc 5-6 tháng mới có kết quả thì rất nguy hiểm, không thể chấp nhận được", ông Nên nói.

Theo ông Nên, đầu tư công chính là một trong ba động lực, quyết định thắng bại trong tăng trưởng của TP. Ông đề nghị từng cấp, từng ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công.

Ông đề nghị Ban cán sự Đảng UBND TP sớm ban hành chương trình hành động để thúc đẩy, giao nhiệm vụ, tiến độ cụ thể cho từng đơn vị. Trong đó cần xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị, người đứng đầu.

Đồng thời có quy chế phối hợp giữa các đơn vị, xác định được "tư lệnh" và "tổng tư lệnh" trong phối hợp. Bên cạnh cần có bộ phận tăng cường kiểm tra, giám sát để thúc đẩy.

Cựu giám đốc CDC Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự vì không vụ lợi

Sau gần 2 tuần xét xử và nghị án, chiều 12-1, hội đồng xét xử vụ Việt Á tuyên án 2 cựu bộ trưởng và 36 bị cáo. Trong đó, đáng chú ý viện kiểm sát bất ngờ đề nghị tòa tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Thành Danh (cựu giám đốc CDC Bình Dương) và Trần Thanh Phong (cựu phó phòng tài chính kế toán CDC Bình Dương) vì cả hai người này đều không có yếu tố vụ lợi trong vụ án Việt Á.

Khi công bố bản án, hội đồng xét xử áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Danh, còn ông Phong bị tuyên phạt 24 tháng tù cho hưởng án treo.

Theo bản án, ông Danh nhận thức rõ hành động của mình khi đó có thể dẫn tới việc bị xử lý, xong vẫn "dám nghĩ dám làm" và không ngại vất vả "vì sức khỏe đồng bào".

Trong vụ án này, ông Danh được ghi nhận là "trường hợp khác biệt" đã "không tư lợi" khi nhiều lần kiên quyết từ chối nhận tiền của Công ty Việt Á. Ông cũng nhiều lần cảnh báo cấp dưới tránh sai phạm trong quá trình chống dịch...