Ông Võ Văn Hoan khuyến khích Q.Gò Vấp mạnh dạn đề xuất một số mô hình làm điểm về xã hội hóa đầu tư các hạng mục xã hội. Cụ thể, sắp tới TP.HCM sẽ xin ý kiến Chính phủ cho chủ trương giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trực tiếp dự án khu nhà ở, khu đô thị đầu tư các khu đất công trình công cộng, công viên cây xanh nằm trong quy hoạch dự án khu nhà ở, khu đô thị.
Việc này nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, công viên tại dự án khu đô thị, khu nhà ở. Bởi nếu chờ ngân sách hoặc đấu thầu, đấu giá thì tiến độ sẽ lâu hơn."Quyền sử dụng đất vẫn là đất công của nhà nước nhưng giao cho tư nhân làm", ông Hoan nói, và lý giải thêm việc này sẽ giúp TP.HCM thu được thuế, tiền sử dụng đất mà không tốn chi phí vận hành, duy tu.
Liên quan đến việc sử dụng tài sản công, ông Võ Văn Hoan đề nghị dựa trên đề án thí điểm sử dụng tài sản công trong trường học đã được UBND TP.HCM chấp thuận, Q.Gò Vấp cần triển khai nhanh đến các đơn vị.
Lãnh đạo TP.HCM cũng cho biết sắp tới sẽ phân cấp cho quận, huyện chủ động quản lý tài sản công trong trường học, bệnh viện. "Căn tin trường học bán cho học viên, học sinh cũng không được, làm bãi đậu xe cũng không xong. Thậm chí ngoài giờ chiều, trường học đóng cửa trong khi con em ra học bên ngoài trong nhiều cơ sở ọp ẹp. Đó là những cái bất hợp lý", ông Hoan nêu bất cập.
Gợi mở lời giải cho vấn đề này, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng phải quản lý thật tốt, hướng dẫn nhà trường những việc được làm, tổ chức đấu giá, xác định rõ khoản thu nào nộp về ngân sách, khoản nào giữ lại nhà trường và sử dụng vào mục đích gì, công khai cho cán bộ, viên chức biết. Như vậy, hiệu quả sử dụng tài sản công sẽ cao hơn, vừa giải quyết được vấn đề xã hội đang cần.
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nhìn nhận các trung tâm y tế, văn hóa, thể dục thể thao hiện gặp nhiều khó khăn nhất vì mặt bằng không được cho thuê. Thực tế thời gian qua, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập đã linh động sử dụng mặt bằng để liên kết, mang lại hiệu quả nhưng phải dừng lại vì quy định không cho phép.
"Như trường học, làm sân bóng đá ban ngày cho các em tập luyện, tối cho người ta cho thuê khai thác cũng không được, phải rút ra. Cuối cùng nhà trường chẳng có gì để tổ chức hoạt động thể chất", ông Hoan nêu ví dụ.
Gò Vấp được Chủ tịch UBND TP.HCM 2 lần gửi thư khen
Trong năm 2023, Q.Gò Vấp có 17/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó thu ngân sách 2.862 tỉ đồng, vượt 3,7% chỉ tiêu pháp lệnh giao. Địa phương tập trung triển khai các công trình trọng điểm như mở rộng đường Dương Quảng Hàm, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cải tạo rạch Xuyên Tâm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 100%, được Chủ tịch UBND TP.HCM 2 lần gửi thư khen.
Năm 2024, Q.Gò Vấp đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó giá trị sản xuất bình quân tăng 10,5%, thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch, giải ngân đầu tư công trên 95%, diện tích nhà ở bình quân 22,5 m2/người, diện tích cây xanh 0,98 m2/người, giới thiệu việc làm cho 18.500 người, phấn đấu 234 phòng học/10.000 dân, kéo giảm trên 10% số vụ tai nạn giao thông, tỷ lệ hài lòng của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính trên 95%...
Đánh giá năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, địa phương phấn đấu có tăng trưởng cao hơn trung bình của nhiệm kỳ để bù đắp cho các năm dịch bệnh Covid-19 và tăng trưởng thấp.
Lãnh đạo TP.HCM đề nghị Q.Gò Vấp quan tâm là xây dựng đề án nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của quận. Theo ông Hoan, kinh tế của quận có cơ cấu hiện đại, trong đó dịch vụ chiếm phần lớn, công nghiệp ở mức vừa phải và nông nghiệp gần như bằng không.
Thế nhưng, các ngành dịch vụ của Q.Gò Vấp hiện nhỏ lẻ, hộ gia đình, phục vụ ăn uống bình thường nên muốn tăng trưởng, tăng thu phải có ngành dịch vụ cao cấp hơn, chú trọng các ngành làm đẹp, chăm sóc sức khỏe.
Về chuyển đổi số, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan đề nghị địa phương xây dựng, tạo lập dữ liệu đồng bộ, kết nối, tạo dữ liệu lớn; công chức sử dụng chữ ký số trong quy trình nội bộ. Bên cạnh đó, Q.Gò Vấp cần tập trung giải quyết nhanh hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp, rà soát quy trình nội bộ, cắt giảm các khâu trung gian.