Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, mọi hành động sử dụng vũ lực không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền, cũng như không thể làm thay đổi sự thật chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.
Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa năm 1974- Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

"Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được xác lập ít nhất từ thế kỷ 17, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai", bà Hằng khẳng định.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, mọi hành động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trong quan hệ giữa các quốc gia là hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền cũng như không thể làm thay đổi sự thật chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.

Ngày 19.1.1974, Trung Quốc đơn phương dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngày nay, Trung Quốc đã xây dựng trái phép nhiều công trình ở quần đảo. Hành động này đi ngược với luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao đã nhiều lần tuyên bố Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.