Năm qua có thể nhìn thấy những nỗ lực không nhỏ của Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác kiểm tra, giám sát để khắc phục hiện tượng hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo…
Đây là việc làm đúng như tinh thần từ Văn kiện Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kì 2020 – 2025: “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ hội viên các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, phát huy vai trò Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí”.
Tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp tập trung chủ yếu ở khối tạp chí
Một trong những vấn đề mà lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam trăn trở chính là bài toán giáo dục, rèn giũa đạo đức cho người làm báo khi mà tình trạng một bộ phận nhà báo, hội viên, cộng tác viên có những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đang trở nên đáng báo động. Điều này đã tạo ra sức ép rất lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam. Thậm chí, từ vi phạm đạo đức đã dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Ranh giới này rất gần, nói đúng hơn là hành vi vi phạm pháp luật cũng bắt đầu từ những vi phạm về đạo đức của người làm báo.
Theo báo cáo từ Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, hiện tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí vẫn chưa có dấu hiệu giảm, tập trung chủ yếu ở khối tạp chí. Số vụ nhà báo – hội viên bị cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bắt tạm giam về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt, cưỡng đoạt tài sản, vu khống, tống tiền, trốn thuế, đánh bạc…vẫn xảy ra. Nhiều tạp chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, vi phạm phải thu hồi giấy phép và bị xử phạt. Nhiều trường hợp vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, bị xử lý bằng các hình thức từ phê bình nhắc nhở đến khai trừ, thu thẻ hội viên; nhiều nhà báo vi phạm bị khởi tố, phải xử lý hình sự,…làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín báo chí, gây bức xúc dư luận xã hội.
Đặc biệt, theo báo cáo từ Ban kiểm tra, từ đầu năm 2023 đến nay, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý và kiến nghị xử lý 6 vụ việc liên quan đến 7 trường hợp là phóng viên, hội viên vi phạm pháp luật, trong đó đã tạm đình chỉ sinh hoạt Hội 2 trường hợp, chờ kết luận của cơ quan chức năng, các trường hợp khác là cộng tác viên, phóng viên chưa phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, 02 trường hợp bị xử lý kỉ luật bằng hình thức phê bình…Đa phần các vụ việc xảy ra, phóng viên đều chưa là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, tỷ lệ hội viên chiếm 30%. Ngoài ra, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ban hành 3 quyết định khai trừ, thu hồi thẻ 3 hội viên vi phạm pháp luật năm 2022 đến nay đã có bản án thi hành có hiệu lực pháp luật.
Một trong những điểm nhấn năm qua chính là hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên năm 2023, Thường vụ Hội đã thành lập các Đoàn giám sát độc lập các đơn vị Hội cơ sở, kết quả tính đến thời điểm hiện tại đã thực hiện tại 23 đơn vị gồm 7 Hội Nhà báo tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Thành phố Hải Phòng; 4 Liên Chi hội là: LCHNB Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; LCHNB ngành Tài chính, LCHNB Báo Công thương, LCHNB Báo Biên phòng, 15 Chi hội báo và tạp chí.
Báo cáo của Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2023 cho biết: Qua các đợt kiểm tra, giám sát thường xuyên và phản ánh của hội viên Ban Kiểm tra đã có văn bản báo cáo trình Thường trực Hội, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của các tổ chức Hội để lãnh đạo Hội có những chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Đáng chú ý, có một số đơn vị đã ban hành kế hoạch riêng về việc thực hiện Kế hoạch số 156/KH-BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay, qua đó định hướng, giáo dục hội viên trực thuộc Hội quản lý và phóng viên thường trú trên địa bàn nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người làm báo, học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền Báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và Nhân dân như Hội Nhà báo Thành phố Hải Phòng, Báo Pháp luật Việt Nam, LCHNB Báo Công thương, Tạp chí Việt Nam hội nhập,…
Kiểm tra, giám sát để khắc phục hiện tượng hội viên vi phạm
Ở góc độ cơ quan quản lý, một trong những giải pháp mà lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đặt ra trong tình hình hiện nay chính là công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc răn đe, xử lý vi phạm.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Trong sự phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm, Hội đồng xử lý vi phạm (HĐXLVP) là một thiết chế cần thiết. Nhưng điều quan trọng hơn cả xử lý là ngăn chặn hành vi vi phạm…Thời gian qua, HĐXLVP đã có nhiều hoạt động tích cực nhưng để hoạt động tốt hơn thì cần phải cải thiện hơn nữa về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp Hội, sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia, chuyên viên ở các cơ quan ban ngành, đặc biệt có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa “kiềng ba chân” - Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam…”.
Trong vấn đề này, từ thực tế tại các cơ sở Hội, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm đạo đức nghề nghiệp tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó có một bộ phận hội viên – người làm báo chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, coi thường kỉ luật, kỉ cương, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp; Vai trò kiểm tra của Liên Chi hội, Hội Nhà báo địa phương và Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp còn khá mờ nhạt, thụ động, lúng túng; Việc thực hiện các quy định của Trung ương Hội còn thiếu nghiêm túc; Công tác phối hợp chỉ đạo, quản lý báo chí ở các địa phương giữa Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo nhiều nơi còn chưa chặt chẽ…
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Trưởng ban Kiểm tra chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới. Một là cần có quy chế làm việc, chương trình hoạt động toàn khoá, kế hoạch công tác hằng năm. Xác định rõ nội dung, hình thức, đối tượng, thời gian, địa điểm tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát. Nên coi trọng việc tự kiểm tra của chi hội cơ sở, bởi đây là nơi xem xét, đề nghị khen thưởng, kỉ luật hội viên.
Hằng năm, mỗi chi hội có thể tổ chức một vài cuộc tự kiểm tra theo từng chuyên đề. Tổ chức tốt việc tự kiểm tra có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, ngăn ngừa vi phạm từ sớm, từ xa, không để “cái sảy nảy cái ung” trong nội bộ.
Hai là, mỗi khi vụ việc phát sinh cần bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tổ chức Hội với cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí để giải quyết, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, có lý có tình, đến nơi đến chốn, không qua loa chiếu lệ.
Ba là, Ban Kiểm tra Trung ương Hội cần có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp. Hướng dẫn đầy đủ quy trình, thủ tục kiểm tra, xử lý vụ việc một cách bài bản để áp dụng thống nhất trong toàn hội.
Bốn là, quy định rõ chế độ cung cấp, trao đổi thông tin giữa Ban Kiểm tra Trung ương Hội với các Uỷ viên phụ trách địa bàn, giữa Uỷ viên phụ trách địa bàn với Ban Kiểm tra Hội Nhà báo địa phương, cơ sở.
Năm là, đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ pháp luật trong công tác giám sát, xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của hội viên, đặc biệt là công tác giám sát hoạt động của hội viên là phóng viên thường trú theo Quyết định số 979/QĐ-HNBVN.
“Đây là việc khó, đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ, khách quan, trung thực; cần có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa Liên Chi hội, Chi hội với tổ chức hội địa phương nơi phóng viên thường trú…” – Ông Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh.