Ông Hứa Quốc Hưng, trưởng Ban quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM (Hepza), khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông Hưng nói:
- Thời gian tới TP.HCM sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường... Các dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động... sẽ bị hạn chế.
Chủ động lựa chọn nhà đầu tư
* Như vậy, TP.HCM đã bắt đầu chủ động chọn lựa nhà đầu tư phù hợp với mục tiêu mới, quan tâm đến chất lượng nhiều hơn thay vì chạy theo số lượng dự án?
- Sau hơn 30 năm phát triển, TP.HCM có 3 khu chế xuất (KCX) và 14 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.900ha, tỉ lệ lấp đầy đạt 81%, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế TP. Các KCX-KCN đã đóng góp hơn 30.000 tỉ đồng cho ngân sách, giải quyết việc làm cho hơn 280.000 lao động.
Tuy nhiên trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các yếu tố lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào... không còn là lợi thế cạnh tranh.
Đến năm 2041 và một số năm tiếp theo sẽ có một số KCX, KCN bắt đầu hết thời hạn 50 năm thuê đất của Nhà nước, bản thân vùng không gian xung quanh một số KCX, KCN đã rất đông dân cư và là các đô thị phát triển.
Vì vậy tái cấu trúc các KCX-KCN để hạn chế những ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động, chuyển đổi sang ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, có năng suất lao động và hàm lượng tri thức cao... là yêu cầu tất yếu.
* Vì sao TP.HCM đẩy mạnh việc chuyển hướng thu hút đầu tư vào thời điểm hiện nay, thưa ông?
- Quỹ đất dành cho phát triển các KCN của TP được Thủ tướng phê duyệt chỉ có 23 KCX-KCN với tổng diện tích 5.921ha, đến nay vẫn không tăng. Do đó, TP định hướng tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai...
Đối với các KCN có diện tích nhỏ, nằm xen cài trong các khu dân cư, TP định hướng sẽ thực hiện chuyển đổi mô hình, giữ lại một phần các trường hợp phù hợp theo quy hoạch, diện tích còn lại sẽ chuyển đổi và phát triển theo hướng dịch vụ phục vụ công nghiệp như ưu tiên logistics, thương mại... Tuy nhiên sẽ không chuyển diện tích đất công nghiệp thành đất ở đô thị.
* Nhưng liệu TP.HCM đủ sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ hay các ngành kỹ thuật cao?
- Thực tế là một số KCX, KCN cũng đang tự chuyển đổi mô hình phát triển. Chẳng hạn trong giai đoạn đầu phát triển, KCX Tân Thuận (được hoạt động đến năm 2041) đã thu hút nhiều dự án thuộc ngành nghề truyền thống, thâm dụng lao động. Nhưng trong những năm trở lại đây, KCX này đã thu hút nhiều dự án đầu tư phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin như công ty VNG, FPT, CMC, Sao Bắc Đẩu...
Đến nay đã có 6 doanh nghiệp FDI trong KCX-KCN được chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, hơn 20 doanh nghiệp khác đầu tư vào những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao. Đặc biệt, một số nhà đầu tư bắt đầu đi vào công nghệ của nền kinh tế tri thức như sản xuất con chip, thiết kế vi mạch như công ty Mtex, Renesas... Do đó, tôi khẳng định TP.HCM đủ sức thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ hay các ngành kỹ thuật cao nhưng cần ít đất.
Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
* HEPZA đã chuẩn bị gì cho việc thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực như mục tiêu đề ra?
- Trong năm 2023, suất đầu tư bình quân vào các KCX-KCN đã đạt 8,1 triệu USD/ha, tăng mạnh so với 7,2 triệu USD/ha vào năm 2022 và 6 triệu USD/ha trong giai đoạn 2016-2021. Đây là kết quả tích cực sau khi Hepza thực hiện hàng loạt các giải pháp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết đối với nhiều thủ tục.
Đặc biệt có những thủ tục đã giảm 30% thời gian hay có những thủ tục giải quyết chỉ trong một ngày làm việc hoặc tiếp nhận ngay trên hệ thống của TP với tỉ lệ giải quyết trước hạn đạt 92%, 8% đúng hạn, đặc biệt không có hồ sơ trễ hạn.
Chúng tôi cũng tăng cường tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ và các dự án có vốn đầu tư lớn thuộc các ngành công nghiệp sạch có hàm lượng công nghệ cao, các sản phẩm thân thiện với môi trường...
* Ông Nguyễn Anh Thi (trưởng BQL Khu công nghệ cao TP.HCM):
Nhân lực là lợi thế thu hút đầu tư
Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những lợi thế thu hút đầu tư vào TP.HCM, bởi các dự án công nghệ cao luôn đòi hỏi nhân lực trình độ cao. Khi đã sẵn sàng các nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng, TP sẽ thu hút được các nhà đầu tư mục tiêu và tạo giá trị lan tỏa.
Vừa qua, Khu công nghệ cao TP.HCM đã phối hợp với Cadence tổ chức khóa đào tạo về thiết kế vi mạch, góp phần đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành điện tử và vi mạch bán dẫn trong tương lai cũng như thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút và giữ chân các "đại bàng", trong đó thủ tục hành chính phải nhanh. Với các nhà đầu tư lớn, chi phí cơ hội rất lớn nên chúng ta phải hỗ trợ doanh nghiệp tối đa và đặc biệt là các chính sách cần sự ổn định.