Trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, một trong những nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là Đảng ta không chỉ là đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, mà còn là đảng của dân tộc Việt Nam.
Trong nhiều tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên khẳng định về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, nhận thức rõ chân lý thời đại, nắm bắt quy luật cách mạng là muốn cứu nước, giải phóng dân tộc thoát khỏi áp bức, bóc lột thì phải đi theo con đường cách mạng vô sản, phải có chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân lãnh đạo.
" /> |
Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là mốc son của lịch sử cách mạng Việt Nam, trong bối cảnh giai cấp công nhân Việt Nam và cả dân tộc sống trong cảnh bị áp bức, lầm than, cơ cực. Khi Đảng ta ra đời đảm đương nhiệm vụ lịch sử là giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống tự do và hạnh phúc cho nhân dân theo con đường cách mạng vô sản.
Sự ra đời của Đảng là sản phẩm kết tinh, hòa quyện 3 yếu tố là Chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đó là sự vận dụng sáng tạo thiên tài của Hồ Chí Minh từ quy luật chung hình thành đảng cộng sản mà Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra vào một nước thuộc địa nửa phong kiến, bổ sung thêm thành tố thứ 3 là “phong trào yêu nước” trong điều kiện số lượng giai cấp công nhân chưa phát triển và phong trào yêu nước diễn ra sâu rộng là đúng đắn.
Sự kết hợp giữa 3 thành tố đó đã trở thành quy luật, hình mẫu đặc thù và phản ánh tính đặc sắc nguồn gốc ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam-sự hội tụ của những con người tiêu biểu trong một tổ chức tiêu biểu về giác ngộ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tiêu biểu trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào yêu nước (giá trị cốt lõi, đậm sắc thái của dân tộc Việt Nam).
Đảng ta ra đời trong lòng quốc gia dân tộc có nhiều tộc người khác nhau nhưng có truyền thống đoàn kết, trong bối cảnh bị áp bức, bóc lột, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Điều đó cũng có nghĩa là Đảng ta vừa là "con nòi" mác-xít, vừa là "con nòi" của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam được toàn thể nhân dân Việt Nam thường gọi với tên trìu mến là “Đảng ta”.
Đảng ta là "con nòi" của dân tộc Việt Nam thể hiện trong cương lĩnh và tập trung ở mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH). Mục tiêu của Đảng xác định đã phản ánh hai vế trong mối quan hệ biện chứng, đó là độc lập dân tộc làm trụ cột bệ đỡ và điều kiện quyết định để lựa chọn con đường đi lên CNXH; ngược lại chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm cho nền độc lập dân tộc thực sự.
Bàn về sức mạnh nội sinh của Đảng ta và dân tộc ta, nhân dân ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sâu sắc trong phần 1, phần 2 của bài viết với nội dung tập trung làm rõ: Sự ra đời của Đảng ta trong hoàn cảnh không thuận lợi với 15 tuổi nhưng đã lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thành công, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nhà nước công nông để bảo vệ chính quyền của nhân dân và nền độc lập dân tộc.
Ở giai đoạn kế tiếp 1954-1975, Đảng lãnh đạo tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh. Từ năm 1986, Đảng ta lãnh đạo công cuộc đổi mới và mở rộng hội nhập quốc tế; xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn để "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Ở phần 3 của bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mục tiêu, quyết tâm của Đảng và cũng là lời hiệu triệu đối với toàn Đảng, toàn dân tộc ta, nhân dân ta phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”. Điều đó là hoàn toàn có khả năng thực tế vì Đảng ta có bản lĩnh chính trị kiên cường, trí tuệ, kinh nghiệm và dân tộc ta, nhân dân ta anh hùng, có truyền thống hàng nghìn năm văn hiến.
Kiên định với mục tiêu vì sự trường tồn của dân tộc, vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân
Thời cuộc dù còn biến đổi khó lường, đan xen cả thời cơ và thách thức đối với con đường phát triển của dân tộc ta trong những chặng đường tới, nhưng không làm thay đổi mục tiêu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.
Trong mọi hoàn cảnh, Đảng ta nhất quán nguyên tắc đổi mới không đổi màu và kiên định với con đường đã lựa chọn, với lập trường nhất quán mà Đại hội XIII đã đề ra: “Kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đấu tranh kiên quyết với tiêu cực, tham nhũng với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, tổ chức thắng lợi đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước, gần dân, trọng dân và thân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại. Chủ động tham gia hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập tự chủ trong quan hệ quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy giá trị văn hiến, truyền thống anh hùng, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của nhân dân ta.
Khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, phân hóa giàu nghèo giữa các giai cấp, tầng lớp, sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các thành phần dân tộc. Thực hiện nhất quán đường lối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nòng cốt để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH.
Cùng với đó, Đảng ta tiếp tục giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và thực hiện tốt chính sách xã hội, chính sách dân tộc. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đến đâu tăng cường nguồn lực bảo đảm cho chính sách xã hội và chính sách dân tộc đến đó; phát triển kinh tế đến đâu thì chăm lo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống cho nhân dân đến đó, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực tế chứng minh kết quả thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước ta những năm qua đã trở thành điểm sáng được cộng đồng thế giới ghi nhận.
Tin tưởng rằng, với đường lối lãnh đạo đúng đắn, quyết tâm chính trị cao của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta sẽ có đủ khả năng phát huy sự đồng thuận của toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.