Việc đánh số và gắn biển số nhà trong đô thị TP.HCM đã được thực hiện theo quyết định số 1958 từ năm 1998 của UBND TP, của bộ trưởng Bộ Xây dựng và quyết định số 22 năm 2012 của UBND TP.
25 năm qua, số nhà nhiều nơi vẫn còn lộn xộn, rối rắm. Gần đây Bộ Công an đặt vấn đề cấp định danh bất động sản, việc đánh số nhà chính xác và khoa học trở nên rất cấp thiết.
25 năm chưa thể chỉnh sửa xong
Từ năm 2012, chúng tôi đã có ý kiến nêu nguyên nhân của tình trạng lộn xộn này. Việc cấp đổi và chỉnh sửa số nhà đến nay chưa thể đồng bộ. Cụ thể có nơi chỉ chỉnh sửa số nhà trên mặt tiền phố, không chỉnh sửa trong hẻm. Chưa thống nhất cách đặt tên đường và hẻm.
Có những con đường ở TP Thủ Đức được mang tên danh nhân nhưng chỉ rộng vài mét, dài vài chục mét. Trong khi đó khu dân cư Kiến Á ở Q.8 dùng cách đặt tên hẻm (theo số nhà đường phố chính) cho các con đường có lộ giới lớn từ 16m đến 20m.
-
'Phát khùng' với những số nhà nhiều 'xuyệt'
Cách đặt số nhà trong hẻm cũng chưa thống nhất, nơi thì theo cách đặt số chẵn bên phải số lẻ bên trái, nơi thì không. Việc thay đổi số nhà còn tùy ý người dân, nhiều nhà có số mới nhưng vẫn cứ gắn số cũ trước nhà, gây rối cho người đi tìm nhà gần đó khi số nhà nhảy nhót từ chẵn sang lẻ, từ số hàng chục lên hàng trăm (như thực tế ở phố ẩm thực Phan Xích Long, TP.HCM).
Thực ra nguyên nhân chính của tình trạng lộn xộn trong việc đánh số nhà không phải do thiếu quy chế… mà là thiếu quy định về trách nhiệm của người dân về số nhà.
Khi xem lại các quy chế do UBND TP và Bộ Xây dựng ban hành, không thấy quy chế nào quy định về việc cấm tự tiện đặt tên đường và số nhà, cũng như không quy định về việc bắt buộc phải chỉnh sửa số nhà theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Thiếu những điều cấm
Các quy chế hiện nay không quy định chiều dài giới hạn cho đường phố được đặt tên. Một số tuyến đường phố đi qua nhiều quận huyện như đường Võ Văn Kiệt ở TP.HCM qua Q.1, Q.5, Q.6, Q.11, huyện Bình Chánh.
Để tìm đến địa chỉ còn phải biết nó nằm ở quận huyện nào, phần lớn người dân và khách vãng lai không biết ranh giới các quận huyện. Đường quá dài vừa khó tìm đến địa chỉ, vừa khó thay đổi số nhà khi bất động sản dọc đường có biến đổi (tách nhập thửa).
Các quy định hiện có chưa bảo đảm nguyên tắc mọi bất động sản đều phải "có tên" theo địa chỉ đất. Số nhà, tên đường chỉ là tên của một địa điểm để tiện giao dịch, quản lý đất đai và con người cư ngụ trên đất.
Cũng giống tên người, dù là người tốt hay tội phạm đều phải có tên. Do đó cần xem lại quy định "không đánh số và gắn biển số nhà… các công trình xây dựng không phép trong khu vực cấm xây dựng". Các công trình loại này phải bị xử lý tháo dỡ, trong quyết định xử lý tháo dỡ phải có tên người vi phạm và địa chỉ nơi người đó vi phạm một cách rõ ràng. Địa chỉ này phải theo quy định của Nhà nước, do Nhà nước đặt tên và công bố công khai.
Quận 7 (TP.HCM) triển khai thí điểm cấp đổi số nhà
UBND quận 7 (TP.HCM) cho biết quận này đã lên kế hoạch tổ chức thí điểm cấp đổi số nhà trên một số tuyến đường, hẻm vào cuối tháng 8-2022.
Các khu dân cư hiện hữu nhưng số nhà không ổn định, trùng lắp và không đồng nhất cần sắp xếp lại cho khoa học, một số nhà trên các tuyến đường mới được đặt hoặc đổi tên đường.
Cụ thể, các tuyến đường, hẻm được tổ chức thí điểm cấp đổi số nhà tại quận 7 là đường Đào Trí (phường Phú Thuận) đoạn từ đường Nguyễn Văn Quỳ đến đường Hoàng Quốc Việt, và đoạn nối dài từ đường Nguyễn Văn Quỳ đến cầu D6 (phường Tân Thuận Đông). Đường Võ Thị Nhờ (cụm hẻm trên tuyến đường Võ Thị Nhờ) và một khu vực phân lô hộ lẻ tại phường Tân Phú.
Nguyên tắc đánh số được UBND quận 7 xác định mỗi căn nhà, căn hộ được đánh số và gắn một biển số nhà theo quy cách thống nhất trên toàn tuyến đường. Sau đó, quận sẽ mở rộng điều chỉnh, đánh số nhà ở nhiều điểm khác.
Là một trong những địa phương tiên phong ở TP.HCM về điều chỉnh số nhà, từ năm 2020 đến cuối năm 2023, quận 12 đã hoàn thành công tác lập bản đồ đánh số nhà 11/11 phường và đề án điều chỉnh, cấp mới chứng nhận số nhà của 4 phường Trung Mỹ Tây, Đông Hưng Thuận, Tân Hưng Thuận, Tân Thới Nhất.
Đại diện UBND quận 12 cho biết việc điều chỉnh số nhà và cấp chứng nhận số nhà tại ba phường Tân Chánh Hiệp, Hiệp Thành, Thới An dự kiến hoàn thành trong quý 1 (đối với các trường hợp đủ điều kiện).
Còn ba phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân và An Phú Đông, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực cũng đã có văn bản kèm bản vẽ gửi đến ba phường niêm yết lấy ý kiến người dân, dự kiến hoàn thành cấp chứng nhận số nhà các trường hợp đủ điều kiện trong quý 2 năm nay.
Cần có quy định cấm tự gắn số nhà theo ý mình
Khiếm khuyết quan trọng nhất của các quy chế đánh số và cấp số nhà là thiếu các điều cấm. Đó là cấm tự đánh số và lắp biển số tùy tiện không theo quy cách chung và cấm tự ý xóa bỏ biển số nhà do chính quyền cấp và đã gắn theo quy định.
Việc người dân tự tiện đặt tên hoặc tùy tiện xóa bỏ biển số nhà, có số mới nhưng vẫn để số cũ trước nhà, không chấp hành quy cách thống nhất của chính quyền đã dẫn đến sự lộn xộn trong hệ thống địa chỉ bất động sản và nơi cư trú của công dân trong nhiều năm qua, nếu không khắc phục thì tình trạng này sẽ còn tồn tại lâu.