Trong số 12 bị can, đáng chú ý là Lê Bảo Ngọc (33 tuổi) là người duy nhất bị Viện KSND tỉnh Đồng Nai cáo buộc với hai tội danh "môi giới hối lộ" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo buộc của Viện KSND, Lê Bảo Ngọc có thời gian làm phóng viên của tạp chí Quê Hương Ngày Nay (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Phân bón Việt Nam), cộng tác viên của tạp chí Nhân Đạo (cơ quan ngôn luận của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam).
Ngoài ra Ngọc từng làm lái xe của ông Lê Danh Tạo (nguyên trưởng văn phòng đại diện báo Truyền Hình Pháp Luật khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đã bị Công an Hà Tĩnh bắt giam vào tháng 11-2023) nên có quen biết với nhiều cảnh sát giao thông trên các tuyến đường miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Từ mối quan hệ trên, Ngọc nảy sinh ý định thành lập Công ty TNHH thương mại Bảo Ngọc Transport (tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) với ngành nghề kinh doanh vận tải.
Ngọc đứng tên làm giám đốc, còn Hoàng Thị Việt Hà làm phó giám đốc.
Trên thực tế công ty do Ngọc lập ra chỉ có trên giấy tờ, không có trụ sở, nhân viên.
Ngọc đứng ra bán logo mang tên "công ty Bảo Ngọc" để thu tiền hằng tháng của các chủ xe, lái xe ô tô tải chạy trên các quốc lộ qua địa bàn 17 tỉnh thành, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông.
Các chủ xe, lái xe dán trên kính các xe ô tô logo "công ty Bảo Ngọc".
Ngọc cam kết xe chở hàng vượt quá tải trọng, quá khổ, quá tốc độ mà bị cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra thì gọi điện thoại cho Ngọc can thiệp cho đi mà không bị xử lý hoặc nếu bị lập biên bản xử với lỗi nhẹ.
Theo cáo buộc của Viện KSND tỉnh Đồng Nai, cơ quan điều tra xác định sau khi Ngọc ký hợp đồng với chủ xe, lái xe để "bảo kê", "mua đường" không thực hiện được hoặc bị hủy hợp đồng.
Tuy nhiên có những vụ xe vi phạm bị cảnh sát giao thông chặn, lái xe báo cho Ngọc thì vài phút sau xe vi phạm vẫn được đi.
Một tài xế ở tỉnh Kon Tum khai sau nhiều tháng chuyển tiền "bảo kê" cho Ngọc, xe của ông bị bắt ở trạm cân Sao Mai (tỉnh Kon Tum).
Sau khi ông gọi cho Ngọc, khoảng 15 phút sau cảnh sát giao thông cho đi mà không bị cân xe.
Tương tự, một tài xế cũng khai từng bị cảnh sát giao thông trạm Cây Gạo (tỉnh Gia Lai) bắt vào tháng 1-2023. Một cảnh sát giao thông yêu cầu ông gọi cho Ngọc thì 5 phút sau xe ông được cho đi mà "không bị kiểm tra hoặc lập biên bản"…
Lê Bảo Ngọc còn có hành vi môi giới hối lộ, giới thiệu Trương Công Quang cho một nhà xe nhằm "bảo kê" xe đi qua tỉnh Đồng Nai không bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt.
Cáo buộc của Viện KSND tỉnh Đồng Nai nêu rõ: Do tin tưởng Lê Bảo Ngọc là nhà báo và sự hứa hẹn của Ngọc nên từ tháng 11-2021 đến tháng 11-2022 có 21 chủ xe, lái xe đã bị Lê Bảo Ngọc và Hoàng Thị Việt Hà chiếm đoạt với tổng số tiền gần 990 triệu đồng.
Không ai bị truy tố hành vi nhận hối lộ ở Suối Tre
Trong vụ lấy tiền tỉ để bảo kê cho xe quá tải qua trạm cảnh sát giao thông Suối Tre, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã truy tố các bị can Trương Công Quang, Trần Quang Tân (tài xế riêng của cựu trưởng trạm cảnh sát giao thông Suối Tre), Nguyễn Đăng Khoa, Đặng Văn Út, Trần Thị Diệu Hoa, Nguyễn Văn Hậu, Ngô Văn Đạm, Lê Bảo Ngọc về tội môi giới hối lộ.
Trương Công Quang đã đưa cho Trần Quang Tân gần 1,6 tỉ đồng "để hối lộ cảnh sát giao thông".
Lê Bảo Ngọc, Hoàng Thị Việt Hà, Hoàng Hiệp, Hoàng Thanh Sỹ, Tạ Thị Thu Trà bị Viện KSND tỉnh Đồng Nai truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cáo trạng có đề cập đến lời khai của các bị can về việc cựu trưởng trạm Suối Tre gợi ý đưa tiền cho tài xế Tân nhưng cựu trưởng trạm phủ nhận các lời khai. Vì vậy cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục điều tra.