Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, sáng 4-3 công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất cho phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát đã cơ bản hoàn tất.
TAND TP.HCM liên thông 2 phòng xử lớn nhất để xét xử vụ án này. Bên trong phòng xử B1 bố trí chỗ ngồi cho hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, các bị cáo, luật sư và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Hội đồng xét xử gồm thẩm phán Phạm Lương Toản - chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM - làm chủ tọa, thẩm phán Lê Công Huân và 3 hội thẩm nhân dân.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM tham gia phiên tòa gồm: ông Cao Anh Đức, ông Đặng Như Vĩnh, ông Vũ Mạnh Long, ông Vũ Tất Ba, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, bà Đặng Thị Hồng Thủy, ông Lưu Hoàng Tuấn, ông Nguyễn Đức Long, ông Ngô Phạm Việt, ông Nguyễn Hồng Hiệp.
Tòa triệu tập hơn 2.400 người liên quan gồm: các cá nhân thuộc nhóm cán bộ Ngân hàng SCB (316 người), nhóm người liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp, rút tiền (1.153 người), nhóm người liên quan là các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB (692 người), nhóm người liên quan là các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước (42 người) và nhóm người liên quan khác (201 người).
Ngoài ra tòa cũng triệu tập một số người phiên dịch do bị cáo Chu Nap Kee Eric (chồng bà Lan) có quốc tịch Trung Quốc.
Bị hại trong vụ án là Ngân hàng thương mại cổ phần SCB và bị cáo Trương Mỹ Lan. Trong đó bà Lan là bị hại liên quan đến hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khi bà bị đại gia Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt số tiền 1.000 tỉ đồng.
Phiên tòa có sự tham dự của gần 200 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ cho bị hại. Bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 luật sư bào chữa gồm: luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Phan Minh Hoàng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, luật sư Giang Hồng Thanh và luật sư Trương Thanh Đức.
Chuỗi sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm
Từ năm 2012 đến tháng 10-2022, bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã thâu tóm, nắm giữ từ 85% đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB, trở thành cổ đông có "quyền lực" để chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB.
Bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm:
Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB;
Thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà Lan;
Thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.
Trong thời gian này, SCB giải ngân cho nhóm bà Lan vay tiền, chiếm 93% số tiền cho vay, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường. Các khoản nợ này đều nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Nhằm hợp thức việc rút tiền và tránh truy vết, bà Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty ma, sau đó thực hiện rút tiền.
Tại thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của SCB thể hiện ngân hàng này đã huy động hơn 673.000 tỉ, trong đó riêng tiền gửi của khách hàng là hơn 511.000 tỉ.
Thời điểm đó, tổng nguồn vốn của SCB theo sổ sách kế toán là 713.000 tỉ. Tuy nhiên, thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định kiểm soát đặc biệt, thuê đơn vị kiểm toán độc lập rà soát, đánh giá thực trạng tài chính của SCB.
Kết quả kiểm toán xác định nhà băng này âm vốn chủ sở hữu 443.700 tỉ, lỗ lũy kế 464.500 tỉ.