Liên tục lùi thời gian về đích
Thực tế, Metro số 1 đang gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc nếu không sớm tháo gỡ thì dự án có thể lại tiếp tục lùi thời gian về đích.
Là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TPHCM, Metro số 1 được phê duyệt năm 2007 tổng vốn hơn 17.000 tỉ đồng. Dự án khởi công tháng 8.2012, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018. Tuy nhiên, quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên Metro số 1 không về “đích” đúng hẹn.
Đến năm 2019, UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư tăng lên hơn 43.700 tỉ đồng và lùi tiến độ hoàn thành, khai thác thương mại vào quý IV/2021. Nhưng mục tiêu này không đạt được bởi gặp nhiều vướng mắc như dịch bệnh, thời gian chờ ký phụ lục số 19 - hợp đồng tư vấn chung.
Đến tháng 2.2023, dự án Metro số 1 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh. Trên cơ sở đó, TPHCM đã có phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó thời điểm hoàn thành thi công cuối quý IV/2023.
Tuy nhiên, một lần nữa Metro số 1 không thể hoàn thành thi công cuối năm 2023 do một số công việc thi công còn lại có lấn sang nửa đầu năm 2024.
UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép được điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án và đưa dự án vào vận hành thương mại trong năm 2024.
Theo MAUR, Metro số 1 hiện có khối lượng thực hiện của toàn dự án đến nay đạt khoảng 97,88%.
Còn nhiều việc phải làm
Theo báo cáo mới nhất của MAUR, hiện tư vấn độc lập đang đánh giá an toàn hệ thống để cấp chứng nhận cho dự án Metro số 1. Nếu tháng 7 tư vấn đánh giá xong thì tháng 8 cấp giấy chứng nhận. Cùng với việc hoàn thành đánh giá an toàn được triển khai nhanh thì dự án sẽ chính thức đưa vào khai thác thương mại tháng 9.2024.
Song tiến độ này vẫn phụ thuộc vào việc thống nhất cách hiểu, đồng thuận giải pháp trong việc sử dụng thiết bị, đoàn tàu giữa tư vấn chung NJPT - nhà thầu Hitachi và kết quả đánh giá an toàn hệ thống cuối cùng của tư vấn độc lập.
Việc thử nghiệm và đánh giá an toàn hệ thống Metro số được thực hiện bởi đơn vị tư vấn độc lập (Liên danh Tư vấn BVT của Pháp) theo các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu và Nhật Bản cùng quy định của luật Đường sắt Việt Nam. Do đó, việc đưa vào vận hành cuối cùng cũng sẽ phụ thuộc vào kết quả đánh giá an toàn cho của các kịch bản giả định.
Các nhà ga Metro số 1 trước khi nghiệm thu bàn giao sẽ phải được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) bởi Cục PCCC và CNCH của Bộ Công an. Tuy nhiên, hiện phương án tổ chức lối ra vào ga Ba Sơn phục vụ tiếp cận PCCC chưa được Sở GTVT TPHCM chấp thuận. Còn ga Văn Thánh thiếu một lối ra vào cho xe cứu hỏa nhưng lối đi này chưa quy hoạch và xây dựng.
Bên cạnh đó, việc đào tạo thực tế sử dụng thiết bị của dự án đang phụ thuộc nhiều vào tiến độ thực hiện của tư vấn chung NJPT và nhà thầu Hitachi. Hiện tư vấn và nhà thầu vẫn chưa thể thống nhất cách thức bàn giao các thiết bị và đoàn tàu sử dụng cho công tác đào tạo dẫn đến chậm trễ trong công tác này.
Đại diện MAUR cho biết, trong tháng 4 sẽ làm việc với nhà thầu Hitachi - phụ trách gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe...) để nhà thầu chuyển giao 2 đoàn tàu của dự án, phục vụ đào tạo thực hành trên tàu. Sau đó vào tháng 5 và tháng 6 sẽ bàn giao lần lượt toàn bộ các đoàn tàu thuộc dự án.
Theo kế hoạch, cuối tháng 6, nhân viên lái tàu Công ty TNHH Đường sắt đô thị số 1 sẽ tiến hành vận hành thử. Đây cũng là một bước quan trọng để phục vụ cho công tác đánh giá an toàn hệ thống.
UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ KHĐT xem xét, báo cáo cấp thẩm quyền bổ sung vốn trung hạn 2021 - 2025 cho dự án.
Bộ KHĐT cho rằng, việc UBND TP kiến nghị Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép TP điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án metro số 1 và đưa dự án vào vận hành thương mại trong năm 2024 là chưa rõ ràng. Đề nghị UBND TP rà soát, xác định rõ mốc thời gian cụ thể trong năm 2024 hoàn thành việc thi công dự án metro số 1. Thu Minh