Bắt tay chặn thực phẩm bẩn
Ước tính, mỗi ngày người dân TPHCM tiêu thụ khoảng 2.000 tấn gạo; trên 4.200 tấn rau, củ, quả; hơn 1.000 tấn thịt gồm heo, gà, bò; khoảng 2 triệu quả trứng… TPHCM chỉ có thể tự cung cấp 10% thịt các loại và gần 5% trứng, nguồn hàng còn lại đến từ các tỉnh thành trên cả nước (Lâm Đồng, Đồng Nai, khu vực ĐBSCL…) và nhập khẩu. Tuy vậy, chất lượng nguồn hàng về các chợ lẻ luôn làm các cơ quan chuyên trách “đau đầu”.
Xuất phát từ định hướng của Sở Công thương TPHCM cũng như một số sở ngành (Sở An toàn Thực phẩm, Sở NN-PTNT, Sở TT-TT…), từ đầu tháng 3-2024 đến nay, có 7 hệ thống thương mại gồm Saigonco.op, Satra, MM Mega Market, Central Retail, AEon Mall, Bách Hóa Xanh, WinCommerce cùng tham gia ký kết thỏa thuận thí điểm ngăn chặn sản phẩm không an toàn.
Nội dung thỏa thuận gồm 3 giai đoạn, trong đó ở giai đoạn 2, nếu một siêu thị phát hiện sản phẩm nào đó vi phạm an toàn thực phẩm sẽ thông báo đến các siêu thị còn lại. Trong vòng 24 giờ, các siêu thị này tạm dừng kinh doanh để rà soát lại toàn bộ quy trình. Trường hợp nhà cung cấp cố ý vi phạm nhiều lần có thể bị ngừng hợp đồng… Thỏa thuận áp dụng cho các mặt hàng thuộc nhóm trái cây (xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, thanh long trắng và dưa lưới); nhóm rau củ quả (xà lách lô lô xanh, cải thìa, bắp cải trắng, cà chua thường, dưa leo thường) và thịt heo, thịt gà… Dự tính, sắp tới sẽ mở rộng ra tất cả các mặt hàng.
Chia sẻ về khả năng cung ứng hàng hóa, một số nhà vườn, doanh nghiệp tự tin ký cam kết hợp tác nói trên, vì sản phẩm của họ đạt hàng loạt tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… Theo ông Phan Quốc Hoàng, Giám đốc Công ty Thảo Nguyên Xanh (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), sáng kiến hợp tác của các hệ thống bán lẻ cũng như ngành công thương TPHCM trong việc chung tay siết lại an toàn thực phẩm rất hay và ý nghĩa. Hiện tại doanh nghiệp đang cung cấp rau quả xanh, đặc sản Đà Lạt các loại cho 2 đơn vị gồm hệ thống Saigon Co.op và Satra Food.
Còn bà Đặng Thị Phương Ninh, Giám đốc điều hành thực phẩm Tập đoàn GreenFeed (Đồng Nai), nhìn nhận, câu chuyện liên kết, giám sát thực phẩm an toàn tại các siêu thị rất hay và nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang thực hiện. Theo bà Ninh, tập đoàn có con giống vượt trội, thức ăn, giải pháp chăn nuôi hiệu quả, cùng hệ thống chế biến, phân phối thực phẩm hiện đại, hoàn toàn đủ sức cung ứng cho các đối tác khó tính trong và ngoài nước nên rất tự tin khi tham gia chương trình.
Hướng đến sự bền vững
Phần lớn, các doanh nghiệp cung ứng các mặt hàng nông sản (rau củ, quả, thịt gia súc, gia cầm…) cho các hệ thống thương mại tại TPHCM cho hay đều có kinh nghiệm “dày” trong lĩnh vực mà họ phụ trách. Một số doanh nghiệp cho biết, đã làm đối tác thân thiết hàng chục năm cho những hệ thống như Saigon Co.op, Satra… Tuy vậy, doanh nghiệp mong muốn rằng, đây sẽ là “cuộc chơi” công bằng, hướng đến sự bền vững; tránh tình trạng hàng hóa sản xuất ra nhiều, đảm bảo chất lượng nhưng phải đem ra chợ bán giá rẻ.
Ông Phạm Quốc Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty VietFarm, cho biết các sản phẩm của doanh nghiệp đang đáp ứng tiêu chuẩn EU, VietGAP, GlobalGAP. Khi xuất khẩu sang EU hay Hàn Quốc công ty phải kiểm tra mẫu, với mức giá 5-6 triệu đồng/mẫu, tương đương 20 triệu đồng/tuần. Tùy phân khúc khách hàng, tiêu chuẩn của từng siêu thị, nếu siêu thị đưa ra tiêu chí thấp hơn so với các tiêu chuẩn mà nhà cung cấp đạt được sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả, dẫn đến nhà cung cấp bị thiệt thòi.
Chung nhận định, ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh (Lâm Đồng), thông tin, doanh nghiệp này trước dịch Covid-19 cung ứng cho thị trường TPHCM trên 600 tấn rau củ mỗi tháng nhưng nay sụt giảm chỉ còn hơn 200 tấn và thường xuyên phối hợp với siêu thị giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng.
“Biên độ lợi nhuận vốn dĩ đã thấp nay còn thấp hơn. Do vậy, tôi rất mong rằng việc tham gia thỏa thuận này sẽ mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp nâng cao sản lượng, đảm bảo đầu ra ổn định và nhận được mức giá tốt nhất từ hệ thống phân phối để chúng tôi đủ sức tái đầu tư, sản xuất…”, ông Bùi Trung Kiên đề xuất.
Vừa trở về TPHCM sau chuyến công tác 3 ngày khảo sát nguồn hàng tại các nhà vườn (Lâm Đồng, Đồng Nai,…), ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, chia sẻ với PV Báo SGGP rằng, nhiều hệ thống phân phối đã có sự triển khai tích cực, nhưng cũng có đơn vị triển khai còn chậm. Chuyến đi này chủ yếu xem lại trong quá trình chuyển đổi theo thỏa thuận, các đơn vị có gặp vướng mắc gì hay không, để qua đó ngành công thương có đánh giá, tính toán lại.
Ở góc độ cơ quan chuyên ngành, bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng, cho rằng, khoảng 60% lượng hàng rau quả của TP Đà Lạt nói riêng, các địa phương khác của Lâm Đồng nói chung, cung ứng cho các hệ thống phân phối TPHCM. Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác nhằm đảm bảo chất lượng hàng nông sản, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đạt chuẩn… Bà Cao Thị Thanh cũng nhấn mạnh, người tiêu dùng phải hiểu rằng, hàng chất lượng thì không thể rẻ và rau củ Đà Lạt có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cũng không có giá rẻ.