Giá thực phẩm, khẩu trang và nhiều hàng tiêu dùng giảm khá mạnh so với đợt dịch Covid-19 lần đầu. Người Sài Gòn đa số đều hạn chế đi chợ, nhưng cũng không còn tâm lý trữ mì ăn liền.
Hình ảnh ồ ạt mua hàng hoàn toàn không gặp trong đợt dịch hiện tại
ẢNH: NG.NG
Mua nhanh, về nhanh, không trữ hàng
Sáng 14.8, tại cửa hàng tiện lợi VinMart trên đường Tân Phước (Q.Tân Bình, TP.HCM), đang đứng chọn hàng trước quầy rau củ quả, bà Nguyễn Thị Mai (ngụ P.15, Q.11) cho biết chỉ đi mua tại cửa hàng tiện lợi này theo kiểu cách nhật, ngày đi ngày nghỉ. Cách này giúp bà Mai không trữ thực phẩm nhiều và cũng không bỏ thói quen đi chợ trước đây.
Bà cho biết: “Tôi có thói quen đi chợ Tân Phước (Âu Cơ, Q.Tân Bình) vào mỗi buổi sáng, sau khi đi bộ thể dục về, ghé mua luôn. Thường mua đủ thức ăn nấu trong ngày cho gia đình 5 người lớn và 1 trẻ nhỏ. Hầu như ngày nào cũng có “lượn” qua chợ thăm bà bán rau, bán cá như thói quen. Nhưng nay thì thôi, giảm đi chợ, con cái dặn lớn tuổi rồi, hạn chế đến chỗ đông người, tôi sang đây (cửa hàng tiện lợi VinMart - PV) để mua rau củ, hành lá, chai nước tương rồi về”.
Bà Mai vừa nói, vừa nhớ lại lần cách ly toàn xã hội hồi đầu tháng 4. “Lần đó tôi giục mấy đứa vào siêu thị BigC Tô Hiến Thành hốt 3 thùng mì, 30 kg gạo, chục lít dầu ăn, xà phòng, đồ hộp và giấy vệ sinh. Mì gói cho đến nay còn hơn 1 thùng, gạo còn hơn 20 kg, còn giấy vệ sinh cuộn có hai đứa mua thành 6 lốc, nay mới xài... chưa hết 2 lốc”, người phụ nữ 72 tuổi vừa kể vừa cười bẽn lẽn, trước khi chia tay bà nói thêm: “Tâm lý của người dân hồi đó hoang mang quá, dịch chưa biết thế nào, bệnh không sợ, lại sợ chết đói. Nghĩ lại thấy mình cũng tào lao, nay là không có chuyện mua trữ nữa”.
Ngay từ đầu tháng 8, chuỗi cửa hàng tiện lợi của VinMart và VinMart+ khu vực TP.HCM cho biết đã kích hoạt chương trình “Hàng tốt - giá hời” với khẳng định đảm bảo cung ứng đủ số lượng hàng thiết yếu từ thực phẩm tiêu dùng đến các sản phẩm phòng chống dịch Covid-19 với hàng trăm mặt hàng được giảm giá lên đến 35%. Chai nước mắm hương cá hồi Chinsu tại cửa hàng này giảm 29% từ 37.900 đồng còn 26.900 đồng, xúc xích heo cao bồi giảm từ 10.800 đồng còn 8.500 đồng/hộp 3 cây, hoặc chai dầu ăn hướng dương 1 lít từ 56.200 đồng còn 38.800 đồng... Thậm chí, chuỗi cửa hàng này còn tặng kèm chai nước rửa tay cho các hóa đơn 199.000 đồng.
Nhân viên bán hàng tại cửa hàng VinMart trên đường Trần Văn Hoàng (Q.Tân Bình) cho biết, lượng khách đến mua hàng nhiều hơn, nhưng mua kiểu “vét” dự trữ với số lượng lớn như đợt trước thì không có.
Nằm trong chương trình hỗ trợ người tiêu dùng do tác động tái dịch Covid-19, từ nay đến hết tháng 8 này, siêu thị BigC khởi động chương trình bán thịt heo không lợi nhuận, áp dụng với tất cả các sản phẩm thịt heo tươi, không bao gồm sản phẩm của Meat Deli. Cụ thể, giá thịt đùi heo giảm về 119.000 đồng/kg, nạc thăn 152.000 đồng/kg, nạc dăm 164.500 đồng/kg, ba rọi 179.000 đồng/kg, bắp giò 100.000 đồng/kg, nạc xay 152.000 đồng/kg...
Tối 13.8, bà Đoàn Thanh Hương (ngụ đường Ni Sư Huỳnh Liên, Q.Tân Bình) đi mua hàng tại siêu thị BigC Âu Cơ cho biết ngay tối 30.7, sau khi hay tin TP.HCM sẽ giãn cách từ 0 giờ ngày 31.7, bà đã kịp đi siêu thị mua 2 kg thịt và một số đồ khô để trong nhà.
“Lượng thực phẩm mua hôm đó chưa bằng một góc đợt trước, bởi lo ngại sau giãn cách có thể cách ly như Đà Nẵng, nhưng rồi thấy yên ắng, mọi sinh hoạt bình thường. Nên hôm nay (ngày 13.8) đi siêu thị như mọi dịp, đi nhanh về nhanh và không còn có suy nghĩ mua trữ thực phẩm nữa. Giá cả tại siêu thị không tăng từ đầu tháng đến nay”, bà Hương nói.
“Ôm” khẩu trang lỗ nặng
Khác với hàng nhu yếu phẩm, các mặt hàng khẩu trang như thường lệ, lại bị “kích” giá ngay lên từ đầu mùa dịch lần 2 này. Thực tế, đã có không ít trường hợp người bán “ôm” hàng, tăng giá bán và... bị lỗ nặng.
Sáng 14.8, tại cửa hàng dược phẩm trên đường Lạc Long Quân, hộp khẩu trang y tế 4 lớp được bán giá 80.000 đồng/hộp, trong khi đầu tuần cùng loại này, tại cửa hàng này bán giá 110.000 đồng/hộp, mua lẻ 30.000 đồng/10 cái. Nhân viên ở đây cho biết giá đã giảm 2 ngày.
Tương tự, tại cửa hàng H.B (P.Tân Kiểng, Q.7, TP.HCM) cũng bán khẩu trang y tế từ 80.000 đồng xuống 70.000 đồng/hộp 50 cái. Trước khi dịch bùng phát vào ngày 24.7, loại khẩu trang y tế này có giá 56.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát từ Đà Nẵng và lây sang một số địa phương, giá khẩu trang đã tăng vọt do nhu cầu người mua tăng gấp nhiều lần so với trước.
Theo đó, giá bán lẻ hộp khẩu trang từ 56.000 đồng tăng liên tục lên 60.000 đồng, rồi 70.000 đồng/hộp và cao nhất lên 80.000 đồng/hộp, thậm chí, một số nhà thuốc bán giá 100.000 - 150.000 đồng/hộp. T.L là nhân viên bán thuốc tại cửa hàng thuốc trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM) cho biết, chủ của cô trong đợt tái dịch Covid-19 này “ôm trái đắng”. T.L kể: “Cuối tháng 7, sau khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, công ty mua trữ gần trăm thùng khẩu trang giá 80.000 đồng/hộp, bán ra 130.000 đồng/hộp. Nhưng được đâu vài ngày, giá bán giảm về 100.000 đồng/hộp cũng ít người mua. Nay hàng tồn trong kho hơn 50 thùng”.
Tương tự, chủ tài khoản Facebook P.L (Q.5, TP.HCM) cũng cho biết chị nhập khẩu trang y tế về cuối tháng 7 với giá hơn 6 triệu đồng/thùng, nay giá thị trường về 3,5 triệu đồng/thùng nên coi như... “lỗ sặc gạch”.
Ông Dương Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm dược phẩm và thiết bị y tế Q.10 (TP.HCM), thông tin rằng khác với tình hình dịch bùng phát hồi tháng 2, thị trường khẩu trang y tế lần này khá ổn định, giá các hộp khẩu trang ở mức 55.000 - 65.000 đồng/hộp 50 cái và cũng không có tình trạng người dân chạy xếp hàng để mua. Ông nói lần trước khi dịch bùng phát, nguồn cung bị động trong khi nhu cầu tăng cao nên giá bị đẩy lên vài trăm ngàn một hộp. Đợt này, các công ty sản xuất khẩu trang đã có sự chuẩn bị sẵn, nhu cầu người dân cần bao nhiêu cũng có nên giá chỉ bị đẩy lên vài ngày đầu với mức cao 80.000 đồng/hộp rồi giảm xuống ngay.
Người mua “điều chỉnh” giá thị trường
Đại diện các siêu thị BigC, Co.opMart tại TP.HCM trong đợt tái dịch này cũng khẳng định hàng hóa đủ cung ứng ra thị trường và không có hiện tượng tăng giá. Thậm chí, nhiều mặt hàng thiết yếu đã được các doanh nghiệp đồng hành cùng hệ thống bán lẻ, giảm giá mạnh để hỗ trợ người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho hay ngay khi dịch bùng phát trở lại, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đã xuất kho tung ra thị trường hơn 12 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn đạt chuẩn để bán không tăng giá. Với giá bán trung bình 22.000 đồng/túi 3 cái, tương đương khoảng 7.000 đồng/cái, hiện tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang bán ra thị trường trung bình hơn 100.000 khẩu trang vải kháng khuẩn mỗi ngày. Sản lượng bán ra mì gói, hàng đông lạnh, hóa mỹ phẩm có tăng nhẹ so với tuần trước nhưng không đáng kể.
Thực tế, để không gây sốt giá, tại TP.HCM, ngay từ đầu đợt tái dịch Covid-19 vào cuối tháng 7, nhiều vụ kinh doanh khẩu trang giả, kém chất lượng đã bị phát hiện và bắt giữ ngay trên địa bàn thành phố. Ngay chiều 14.8, Công an Q.4 cũng đã tạm giữ lô hàng 900.000 khẩu trang y tế của cá nhân chở về kho hàng thiết bị y tế trên địa bàn không có hóa đơn. Trước đó, cuối tháng 7, lực lượng chức năng kiểm tra một công ty thiết bị tại Q.Tân Phú phát hiện và thu giữ khoảng 151.000 chiếc khẩu trang 3M giả nhãn hiệu khẩu trang 3M Company của Mỹ.
Thực tế, chính thái độ tiêu dùng của người dân đã điều chỉnh thị trường, giúp tạo nên điều lạc quan mà người dân thành phố đã và đang hành xử mỗi ngày, ngay trong đại dịch.
Người dân cũng được trang bị kiến thức về việc không mua được khẩu trang y tế thì dùng khẩu trang vải, có thể tái sử dụng nhiều lần khi giặt, ngoài việc bảo vệ môi trường còn lợi ích kinh tế nên “cơn sốt” khẩu trang không có dịp bùng phát. Nước rửa tay cũng vậy, đi đâu cũng thấy những bình trang bị nước rửa tay bên ngoài nên không có cơn sốt mua nước rửa tay như trước, giá vì vậy cũng ổn định. Những người mua khẩu trang y tế dự trữ để đầu cơ chờ tăng giá, đợt này bị hớ nặng.
Ông Dương Văn Nhân