Hơn 2 giờ chiều ngày 25.4.1954, cậu bé người Thái Lò Văn Hặc, khi đó 14 tuổi chơi cù với đám bạn dưới sàn nhà. Đã nhiều tháng, kể từ khi quân Pháp dồn người dân từ dưới Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn lên lập trại tập trung tại Noong Nhai, Lò Văn Hặc có thêm nhiều người bạn mới. Hôm nay, trong bản có đám tang, người lớn tập trung ra đồng, còn đám trẻ quanh quẩn chơi ở nhà.
Bỗng ầm một tiếng. Mọi thứ tối sầm lại. Đất, đá, gianh tre bay xuống ầm ầm. Đến khi mắt của Lò Văn Hặc mở được thì thấy nhà mình đang bốc cháy, tiếng máy bay của quân Pháp ù ù trên đầu. Cậu bé 14 tuổi chẳng biết làm gì, cắm đầu chạy lên nhà bê chiếc ninh đồng và cái chõ xôi cơm chạy ra ngoài xa. Quay lại lần thứ hai thì lửa đã bốc lên ngùn ngụt không cách gì lên nhà được nữa. Chạy ra đầu bản, ở khu trại tập trung mới thấy nhà cửa cháy rụi cả, người chết la liệt, xác ngổn ngang.
Tới lúc này, Lò Văn Hặc mới biết quân Pháp ném bom xuống trại tập trung Noong Nhai.
Bản Noong Nhai 1 nơi diễn ra vụ thảm sát nay đã đã trở nên phát triển, giàu đẹp, cuộc sống người dân no đủ.
TUẤN MINH
Cuối 1953, sau khi xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, vì muốn cách ly người dân với bộ đội và lấy tre, gỗ từ nhà người dân để làm hầm trú ẩn, quân Pháp dồn người dân địa phương vào 4 trại tập trung, đặt dưới sự cai quản của các đồn binh. Trại Pá Luống dồn dân từ xã Thanh Minh, thị trấn do Đồn A1 cai quản. Trại Co Mỵ do đồn Mường Thanh cai quản, dồn dân các xã Thanh Yên, Thanh Chăn. Trại Ta Po dồn dân các xã Thanh Luông, Thanh Nưa do đồn Bản Kéo cai quản. Còn trại Noong Nhai do đồn Hồng Cúm cai quản, dồn dân từ các xã Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn lên.
Trại tập trung Noong Nhai là các lán trại bằng tre, nứa, được làm thành từng dãy cách nhau chỉ chừng 4 - 5 m, kéo dài từ bản Pom La đến bản Noong Nhai là nơi ở của khoảng 3.000 người. Mất nhà cửa, ruộng nương, cuộc sống của người dân trong trại tập trung rất thiếu thốn, khổ cực.
Đến cuối tháng 4, sau nhiều đợt tấn công của quân đội Việt Minh, quân Pháp buộc phải rút chạy khỏi nhiều cứ điểm quan trọng. Sự thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ chỉ còn đếm bằng ngày. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, chiều ngày 25.4.1954, quân Pháp cho 4 máy bay từ phía nam Mường Thanh bay đến, nhằm thẳng vào khu trại tập trung Noong Nhai dội bom sát thương, bom napalm. 444 người dân, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, nhiều gia đình cả nhà gần 10 người bị bom Pháp giết hại…
Ông Lò Văn Hặc, 84 tuổi đã chứng kiến đầy đủ những thăng trầm và sự phát triển của Noong Nhai ngày nay
TUẤN MINH
"Đến tối hôm đó, những người dân may mắn thoát chết, dưới sự giúp đỡ của bộ đội mới lần ra thu dọn, chôn cất những người đã chết". Đã 70 năm trôi qua kể từ buổi chiều xảy ra vụ thảm sát ở trại tập trung Noong Nhai, cậu bé Lò Văn Hặc co ro hoảng sợ vì bom Pháp năm đó nay đã 84 tuổi, song những hình ảnh về buổi chiều kinh hoàng năm ấy dường như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông lão người dân tộc Thái. Đôi mắt ông Lò Văn Hặc vẫn sáng lên khi kể về những người bạn chơi cùng ông dưới sàn nhà năm đó, về người em trai trúng bom Pháp nhưng may mắn thoát chết với vết thương ở cánh tay, và về những gì ông và đã trải qua ngay trên mảnh đất Noong Nhai này.
Cả đời gắn bó với Noong Nhai, hơn ai hết, ông Hặc là người chứng kiến những thăng trầm, đổi thay của mảnh đất này. Điều ông Hặc vui nhất là bản Noong Nhai không vì vụ thảm sát mà tàn lụi, ngược lại, Noong Nhai đang ngày một thay da đổi thịt, cuộc sống của ngày một khấm khá. "Cuộc sống người dân cũng trải qua thời gian khó khăn lắm. Nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước đời sống dần dần được nâng lên. Đến nay so với trước thì gấp trăm, gấp nghìn lần rồi. Ngày xưa nhà cửa lụp xụp, bây giờ nhà cửa khang trang. Thôn bản có đường, có điện. Đàn bà, con gái không phải đi lấy củi, gánh nước. Nhà nào cũng có vài cái xe máy, ô tô. Đời sống sướng lắm rồi. So với trước thì sướng nhiều", ông Lò Văn Hặc nói.
Những điều ông Lò Văn Hặc nói có thể được thấy ngay trên những con đường thảm nhựa đến tận cửa từng gia đình. Sau vụ thảm sát, quân Pháp thua trận, tướng De Castries phải ra hàng. Người dân Noong Nhai dưới sự giúp đỡ của bộ đội Việt Minh, bắt tay vào dựng lại nhà cửa, bắt đầu cuộc sống mới. Đến năm 1976, theo chủ trương di giãn dân của nhà nước, 12 hộ gia đình ở bản Noong Nhai chuyển vào bằng phẳng hơn ở phía bên kia quốc lộ, lập nên bản mới, gọi là Noong Nhai 2. Sáu hộ gia đình của bản Noong Nhai cũ ở lại bản cũ, nay gọi là Noong Nhai 1. Từ 18 hộ ban đầu, tới nay hai bản Noong Nhai 1 và 2 đã có trên 200 hộ gia đình. Cuộc sống của người dân ở cả hai bản Noong Nhai đều đủ đầy, không còn hộ nghèo.
Trại tập trung Noong Nhai, nơi xảy ra vụ thảm sát năm xưa, nay trở thành trung tâm xã Thanh Xương, nằm ngay cạnh quốc lộ 279 dẫn lên cửa khẩu Tây Trang sang nước bạn Lào. Đối diện cánh đồng Mường Thanh xanh ngát, khuất sau những tán cây cao là bức tượng người người phụ nữ Thái bế trên tay đứa con đã bị bom của quân Pháp giết chết. Trong ánh tà dương, bức tượng đứng lặng im như là chứng tích cho tội ác của thực dân Pháp và nỗi đau mà những người dân ở Noong Nhai và Điện Biên đã phải gánh chịu vào buổi chiều cách đây 70 năm. Cho tới nay, người dân ở lòng chảo Mường Thanh vẫn gọi khu tưởng niệm với cái tên dân dã: "Hận thù Noong Nhai".
Trên con đường bê tông sạch sẽ dẫn vào bản Noong Nhai 1, ông Lò Văn Pâng, Trưởng thôn Noong Nhai 1, giới thiệu về cây cầu bắc qua suối mới được xây dựng để sang nhà văn hóa của thôn. Ông Pâng cho biết, kể từ năm 2019 tới nay, bản Noong Nhai 1 đã không còn hộ nghèo nữa. Năm 2022, Noong Nhai 1 được huyện công nhận là bản văn hóa kiểu mẫu. Thu nhập bình quân mỗi nhân khẩu đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm.
"Các cháu đều được đi học hết, từ trẻ nhỏ tới cấp 2, cấp 3. Các cháu tốt nghiệp THPT cũng nhiều. Những người học đại học tính ra trong thôn cũng 12 - 13 người. Hiện tại, các cháu đang theo học các trường đại học khoảng 6 người", ông Pâng nói và cho biết, hầu hết người dân ở Noong Nhai vẫn sống dựa vào trồng lúa, làm nương, nhưng phần lớn thanh niên hiện nay đều đi làm dưới xuôi hoặc làm cho doanh nghiệp ở tỉnh, nhờ thế thu nhập ổn định hơn, đời sống người dân ngày càng phát triển hơn.
Con đường nhựa phẳng phiu dẫn từ quốc lộ 12 vào bản Cò Chạy 1, xã Mường Pồn, H.Điện Biên, sát sát hai bên là những căn nhà khang trang vững chãi, nhà sàn kiểu truyền thông xen lẫn nhưng căn nhà xây, lợp tôn kiên cố. Căn nhà của gia đình chị Lò Thị Tiến (26 tuổi, dân tộc Khơ Mú) và anh Lò Văn Thích (32 tuổi, dân tộc Thái) nằm ở giữa làng, nhìn thẳng ra dãy núi xanh mát, được xây dựng theo kiểu nhà sàn Thái 4 gian nổi bật so với những căn nhà khác trong bản với màu vàng ruộm của gỗ. Đây là một trong những căn nhà đại đoàn kết thuộc Đề án vận động hỗ trợ làm 5.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo Điện Biên, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (Đề án 09) được hỗ trợ xây dựng trong năm 2023.
Được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Đề án 09, gia đình Lò Thị Tiến quyết định vay thêm 2 suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tổng cộng 70 triệu đồng. "Tiền mặt ở nhà lúc làm nhà chỉ có 15 triệu đồng thôi. Vay thêm anh em họ hàng được 20 triệu. Gỗ thì gia đình tự có từ ngày xưa. Chỉ mua sắt với tôn, ván thưng (làm vách) thì làm bằng gạch. Làm nhà này không phải thuê, anh em, họ hàng, bà con trong bản đến dựng nhà, làm nền, kéo cột, lợp mái. Ai cũng đến giúp nên không mất tiền công", Lò Thị Tiến kể. Căn nhà của gia đình Tiến có tổng chi phí lên tới hơn 150 triệu, rộng rãi, khang trang và mát mẻ.
"Chồng đi làm phụ xây trong thành phố, mỗi tháng thu nhập được khoảng 8 triệu. Cho các con đi học, ăn uống, sinh hoạt, mỗi tháng ít nhất để ra 2 triệu để trả nợ cho ngân hàng. Tháng nào nhiều thì để ra 3 - 4 triệu", Lò Thị Tiến nói thêm. Hai vợ chồng Lò Thị Tiến dự kiến nếu cứ "đều việc", con cái không ốm đau, chỉ trong 1 - 2 năm sẽ trả hết số tiền xây dựng nhà. "Giờ thì thoải mái rồi, nhà nước hỗ trợ cho giờ cũng có cái nhà để ở, không lo lắng cái gì nữa. Giờ chỉ lo lắng kiếm tiền để trả nợ thôi. Cảm ơn Đảng, Nhà nước", Lò Thị Tiến nói.
Căn nhà đại đoàn kết của gia đình Lò Thị Tiến và Lò Văn Thích ở bản Cò Chạy 1, xã Mường Pồn, H.Điện Biên
TUẤN MINH
Căn nhà của vợ chồng Lò Thị Tiến chỉ là một trong số 5.000 căn nhà đại đoàn kết thuộc Đề án 09 được Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động triển khai trong năm 2023, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau 9 tháng triển khai, 5.000 căn nhà đều được bàn giao cho người dân trước tháng 12.2023 và đưa vào sử dụng trước tết Nguyên đán năm 2024. Các căn nhà diện tích ít nhất từ 36 m2 trở lên, đảm bảo chất lượng. Sau khi được hỗ trợ làm nhà từ đề án, đã có 1.132 hộ thoát nghèo, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường nói, trong 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Điện Biên đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế Điện Biên tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới. Các mặt văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng được nâng lên. Chương trình giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình hàng năm trên 4%.
"Đặc biệt, triển khai Đề án 09, đã có 8.000 hộ nghèo tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc, trong đó 5.000 hộ nghèo, gia đình chính sách tỉnh Điện Biên được hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết. Cũng trong năm 2024 này, Bộ VH-TT-DL phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia Điện Biên 2024 với chủ đề "Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận", mở đầu gần 170 chương trình, sự kiện văn hóa, kinh tế, xã hội tiêu biểu, có quy mô quốc gia và tầm quốc tế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc", ông Cường nói.
Nhà của vợ chồng anh Quàng Văn Nhọt ở bản Huẩy Chan B, xã Mường Pồn, H.Điện Biên, chỉ vừa chỗ kê 2 chiếc giường cho 2 vợ chồng và 2 con gái. Căn nhà được dựng bằng vách nứa cao chỉ qua đầu Nhọt một chút, mái lợp bằng những tấm fibro xi măng đã cũ thủng lỗ chỗ khiến ngồi bên trong vẫn chói mắt vì ánh mặt trời chiếu qua. Phía trên 2 chiếc giường che 2 tấm áo mưa. Đó là chỗ khô ráo duy nhất trong căn nhà của vợ chồng Nhọt.
Ngồi chờ một lúc thì Nhọt từ trên nương về khi nhận được điện thoại của vợ. Người thanh niên dân tộc Khơ Mú mới qua tuổi 30 mươi, da cháy nắng, trên trán còn mướt mồ hôi, nói may hôm nay chỉ đi nương vì hôm qua vừa mới đưa con ra viện, vợ lại đang ốm nên chưa vào thành phố làm công việc phụ xây hàng ngày. Đứa con gái thứ 2 của vợ chồng Nhọt có cái tên rất đẹp, Quàng Thị Hồng Nga, năm nay mới học lớp 2. Nhưng không may Hồng Nga bị thiếu máu bẩm sinh nên từ khi 3 tháng tuổi, cứ mỗi tháng vợ chồng Quàng Văn Nhọt lại phải đưa con xuống bệnh viện tỉnh để "chạy máu" một lần. Ròng rã suốt 8 năm nay.
"Mỗi lần truyền là hết 3 triệu. Lắm lúc bệnh viện không có máu thì bố mẹ hiến. Lúc nào ốm đau, phải nghỉ làm, thiếu thốn chỉ biết vay mượn anh em, họ hàng và người dân trong bản để lo cho con rồi mới tính đi làm trả sau", Quàng Văn Nhọt nói. Số tiền chữa trị cho con gái hàng tháng đã mất non nửa số tiền phụ xây hàng tháng của Nhọt - thu nhập chính của gia đình, song tương lai của con gái vẫn mờ mịt, được ngày nào hay ngày ấy. "Bác sĩ bảo sống được ngày nào hay ngày đấy, cứ phải đi truyền cho con, còn không biết ngày nào con sẽ mất. Con 8 - 9 tuổi rồi nhưng bé tí, không cao, không lớn được, chỉ bằng đứa trẻ 4 - 5 tuổi", Quàng Thị Phương, vợ Nhọt, kém chồng 3 tuổi, rơm rớm nước mắt khi nói về bệnh tình con gái.
Vợ chồng Quàng Văn Nhọt, Lò Thị Phương trong căn nhà cũ
TUẤN MINH
Gia đình vợ chồng Quàng Văn Nhọt, Quàng Thị Phương là một trong các gia đình hộ nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết trong Đề án 09 được triển khai từ năm ngoái. "Đúng đợt Nhà nước hỗ trợ để xây dựng nhà thì gia đình phải khất lại vì phải đưa con xuống Hà Nội chữa bệnh. Bác sĩ nói phải đưa xuống Hà Nội kiểm tra để phẫu thuật cắt lá lách vì gan, lá lách của cháu ngày một sưng to. Nhưng sau khi xuống kiểm tra, bác sĩ nói chưa đến nỗi để cắt, đợi cháu được 9 - 10 tuổi thì mới đưa xuống cắt", Quàng Văn Nhọt kể.
Ông Lường Văn Tâm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc H.Điện Biên, xác nhận gia đình Quàng Văn Nhọt thuộc danh sách gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết theo Đề án 09 nhưng vì vướng lúc gia đình đưa con xuống Hà Nội chữa bệnh, không làm kịp, nên đành để lại. "Đợt tới này nếu có nguồn chúng tôi sẽ phân bổ luôn", ông Tâm nói.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Lường Văn Tâm nói những gia đình khó khăn như vợ chồng Quàng Văn Nhọt trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều. Qua rà soát bước đầu để triển khai Đề án 09, trên địa bàn H.Điện Biên có khoảng 800 hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ xây dựng nhà. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chủ yếu từ phía các hộ gia đình, huyện được phê duyệt và triển khai xây dựng 715 căn nhà đại đoàn kết.
***
Chiến sĩ Điện Biên Dương Chí Kỳ từ TP.HCM trở lại Điện Biên Phủ sau 70 năm, đã xúc động nói: "Sau 70 năm, nay Điện Biên Phủ đã thay da đổi thịt, nhân dân có ấm no hạnh phúc, ánh sáng xuống tận bản làng, đêm khuya điệu xòe vang vọng". Đó là điều ai cũng có thể thấy được một cách trực quan khi bước chân trên đường Võ Nguyên Giáp chạy dọc lòng chảo Điện Biên Phủ. Khó ai có thể mường tượng rằng, cách đây 70 năm, nơi đây từng là chiến địa khốc liệt kết thúc số phận quân Pháp Đông Dương.
Tại hội nghị tổng kết Đề án 09 cuối tháng 3 vừa qua, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cuộc vận động làm 5.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo Điện Biên thể hiện sự tri ân thiết thực, tinh thần nhân văn sâu sắc, hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc nơi mà cách đây 70 năm là tâm điểm của chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà Mai nhấn mạnh, sau 70 năm, Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc phải được nhìn thấy sự phát triển tốt hơn, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc mỗi ngày phải tốt đẹp hơn. Sự tốt đẹp đó phải gắn chặt với các mục tiêu phát triển đất nước.
Đây cũng là điều Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại cuộc gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hôm 17.4, đã nói "vẫn băn khoăn, lo lắng, day dứt, trăn trở và cảm thấy có lỗi" khi đời sống của một bộ phận thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vẫn còn khó khăn. Trên cơ sở thành công của Đề án 09, ngày 14.4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.
Trong cái nắng chang chang của núi rừng Tây Bắc những ngày cuối tháng 4, hai vợ chồng Quàng Văn Nhọt đứng trước cửa căn nhà lụp xụp đã nhiều năm, chào các cán bộ Mặt trận Tổ quốc của thôn, xã, huyện ra về. "Đợt này nếu được Đảng, Nhà nước quan tâm đến thì gia đình cũng sẽ cố gắng để làm một căn nhà mới", Quàng Văn Nhọt nói khi kết thúc cuộc trò chuyện, trước khi chuẩn bị lên nương làm nốt công việc còn dang dở, để ngày mai lại vào thành phố tiếp tục công việc phụ xây, kiếm tiền trang trải cho gia đình, chữa bệnh cho con. Mong mỏi lớn nhất của Quàng Văn Nhọt lúc này là sớm có một căn nhà kiên cố cho cả gia đình để yên tâm làm ăn, chữa bệnh cho con.