Sau làn sóng giảm lãi suất trong tháng 4 và đầu tháng 5-2024, hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm dao động từ 0,5%-1%, thậm chí có ngân hàng tăng đến 1,6%. Lãi suất huy động rục rịch tăng khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại.

Cụ thể, LPBank tăng lãi suất từ 0,7% đến 1,6% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng gửi tại quầy và tăng từ 0,2% đến 0,9% đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Ngoài ra, hàng loạt NHTM khác như: OceanBank, HDBank, MSB, Eximbank, BVBank, PVComBank, CBBank, TPBank, GPBank, BacABank… cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong hơn một tháng qua. Như vậy, sau một thời gian dài mức lãi suất tiền gửi 6% tại nhóm ngân hàng tư nhân không còn trên thị trường thì nay đã quay trở lại ở một số ngân hàng, ví dụ như OceanBank đang niêm yết mức lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Động thái tăng lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng được nhiều chuyên gia lý giải: Trong tháng 3-2024, lãi suất tiền gửi đã chạm đáy và bắt đầu nhích dần lên. Trong khi đó, giá vàng, chứng khoán… tăng mạnh khiến người dân chuyển một phần tiền sang các kênh đầu tư này nên các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm để hút dòng tiền trở lại. TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá, việc lãi suất tiền gửi nhích lên để thực dương là phù hợp nhằm ngăn chặn việc người dân bỏ qua kênh tiền gửi ngân hàng để tìm đến các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, đó là điều đáng lo trong bối cảnh tín dụng đang phục hồi.

Lãi suất đầu vào tăng khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ bắt nhịp tăng trở lại, làm tăng chi phí vốn, tăng áp lực tài chính trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, đơn hàng phục hồi chậm. Về việc này, lãnh đạo một NHTM tại TPHCM cho rằng: “Mặc dù lãi suất huy động có nhích lên nhưng lãi suất cho vay chưa thể tăng được vì dù tín dụng đã cải thiện nhưng vẫn còn yếu. Nếu tăng lãi suất cho vay sẽ khó tăng trưởng tín dụng”.

Báo cáo từ Công ty Chứng khoán Quân Đội (MBS) cho biết, mặc dù nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất nhưng chủ yếu tại các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, hiện chưa có sự tham gia của các ngân hàng lớn. MBS dự báo lãi suất huy động tại các ngân hàng lớn sẽ tăng khoảng 0,5%-0,7% từ nay đến cuối năm. Dù vậy, lãi suất cho vay sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngành ngân hàng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, quan điểm chỉ đạo điều hành của NHNN là trên tinh thần tạo điều kiện hạ lãi suất, nhưng phải phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô và vẫn phải kiểm soát được lạm phát. Do đó, NHNN sẽ chưa điều chỉnh lãi suất điều hành mà duy trì ở mức hiện tại. Tuy nhiên, NHNN cũng khuyến khích và chỉ đạo các NHTM tiếp tục cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay thực tế thông qua các gói ưu đãi hoặc gói tín dụng có tính chất chuyên ngành.

-6541-1711618660.jpg