Đó là một trong những nhận định của Hội đồng Sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023. Giải Báo chí Quốc gia năm nay tiếp tục thu hút lượng lớn tác phẩm tham dự. Không chỉ ở số lượng, các tác phẩm tham dự có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, thể hiện rõ sự đổi mới sáng tạo trong hoạt động báo chí.
Đưa ra nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa
Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023 tiếp tục ghi nhận số lượng các tác phẩm gửi tham dự ở mức cao. Thu hút sự tham dự của 18/21 Liên chi hội và 30/223 Chi hội trực thuộc, 63/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố đều có tác phẩm gửi về tham dự Giải.
Nhìn chung, các tác phẩm dự Giải năm nay đã bám sát với tình hình thời sự, theo sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, nhiều tác phẩm nói về các điểm sáng trong sự phát triển kinh tế. Những đổi mới trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm đi sâu vào những mảng đấu tranh phòng chống tiêu cực. Phản ánh những góc khuất, đề xuất những giải pháp về cơ chế chính sách để tháo gỡ các vấn đề lớn. Nhiều thành viên ở các Tiểu ban đánh giá, năm nay nhiều tác phẩm có cách nhìn sáng tạo mới ở những vấn đề tồn tại trong xã hội. Chất lượng tác phẩm năm nay được đánh giá tốt, khá đồng đều, nhiều tác phẩm có tính phát hiện, sáng tạo.
Nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, Trưởng ban thư ký tổng hợp Giải cho biết, năm nay nhiều tác phẩm đầu tư công phu, thể hiện sự nhiệt huyết của người làm báo, các tác phẩm còn phản biện các chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước, đưa ra nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa, nhiều tác phẩm được đầu tư nghiêm túc, bố cục chặt chẽ, cách thức thể hiện gần gũi, sinh động.
“Như loại hình báo in có chất lượng rất tốt ở các nhóm thể loại, tốt cả về số lượng và chất lượng, báo điện tử cũng có nhiều tiến bộ, các tác phẩm được lựa chọn vào Chung khảo đều được cân nhắc kỹ, chênh lệch về điểm của các tác phẩm rất ít”- nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng thông tin thêm.
Đi vào chi tiết một số thể loại, nhà báo Nguyễn Thị Sự - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, thành viên Hội đồng Sơ khảo thì cho rằng: Năm nay tác phẩm báo in có được cả số lượng và chất lượng. Các tác phẩm nói về mọi mặt của đời sống, xã hội, văn hóa, nhiều tác phẩm làm mới lại những vấn đề cũ được xã hội, được dư luận quan tâm, đi vào những vấn đề cụ thể. Có những cách triển khai đề tài thú vị, chỉ cần đọc lên chúng ta thấy việc đầu tư công phu của các tác giả.
“Nhiều tác phẩm có cách thể hiện với ngôn ngữ điều tra với sự dấn thân, sự dũng cảm của các nhà báo ở các Chi hội, Liên chi hội từ Trung ương đến địa phương. Chúng tôi luôn cố gắng tìm ra những tác phẩm tốt nhất của người làm báo, trong đó có những tác phẩm của các cơ quan báo chí địa phương, mặc dù điều kiện tác nghiệp, sự đầu tư ở các cơ quan báo chí địa phương còn nhiều khó khăn hơn so với Trung ương nhưng họ đã có những nỗ lực rõ nét. Chất lượng tác phẩm có sự nâng lên ở một thể loại mũi nhọn là báo in” - nhà báo Nguyễn Thị Sự chia sẻ.
Các cơ quan báo chí có sự đầu tư nghiêm túc
Năm nay, các tác phẩm gửi về dự thi cho thấy sự quan tâm của các Liên chi hội, các Chi hội trong cả nước. Nhiều cơ quan báo chí, nhà báo đã tìm tòi, tận dụng phát huy được các thế mạnh của cơ quan, đơn vị mình để phát hiện đề tài phù hợp, xây dựng các tác phẩm có chất lượng cao tham dự Giải.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây đã có những tác phẩm báo chí được đầu tư về thời gian, công sức trên cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai bài bản, phạm vi khai thác thông tin rộng hơn. Thậm chí có những tác phẩm nói về các vấn đề vượt ra ngoài phạm vi một quốc gia, đi vào những vấn đề nóng từ đó gióng lên những hồi chuông cảnh báo về những vấn đề không chỉ mang tính chất cho một quốc gia mà cả khu vực và toàn cầu.
Trong số 1827 tác phẩm thuộc 11 loại Giải, Hội đồng Sơ khảo thống nhất lựa chọn 165 tác phẩm vào vòng chung khảo. Để có kết quả này, các tiểu ban giúp việc của Hội đồng Sơ khảo Giải đã nỗ lực triển khai công tác chấm đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu của quy trình tổ chức Giải. Từ khi tổ chức khai mạc vòng chấm sơ khảo đến quá trình chấm, thành viên các tiểu ban của Hội đồng Sơ khảo đã làm việc công tâm, minh bạch, nêu cao tinh thần trách nhiệm, kết quả sơ khảo đã được tổng hợp đầy đủ và được gửi tới các thành viên Hội đồng Chung khảo sớm, tạo điều kiện tốt hơn cho Hội đồng Chung khảo nghiên cứu, thẩm định tác phẩm. |
Nói về chất lượng tác phẩm ở thể loại bình luận, giao lưu, tọa đàm truyền hình, nhà báo Tạ Bích Loan - Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá: Chất lượng tác phẩm được đầu tư công phu cả về nội dung và hình thức thể hiện, đề tài và kết cấu có sự đầu tư kỹ, đưa ra những luận điểm có tính thuyết phục cao, có những cuộc đối thoại trực diện vào các vấn đề nóng. Hầu hết tác phẩm vẫn giữ được tính nghiệp vụ cao, vẫn mang tính chất phân tích, trao đổi, đối thoại, bình luận để tìm ra những điều mới, vừa đưa ra những điểm khái quát, vừa đưa ra được những bài học sâu sắc.
Còn theo nhà báo Hồ Sỹ Minh - Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống: “Năm nay ở thể loại ảnh báo chí đã có nhiều chuyển biến, có nhiều bộ ảnh đã có sự đầu tư, đã có những bộ ảnh tác giả đầu tư nhiều tháng trời, bám sát vấn đề sự kiện. Các tác phẩm có chất lượng và nói về nhiều vấn đề trong xã hội, nhiều tác phẩm thể hiện tính nhân văn cao cả trong phóng sự. Tôi nhận thấy nhiều cơ quan báo chí đã đầu tư cho các phóng viên ảnh để họ có thể tạo nên những tác phẩm ảnh báo chí hấp dẫn”.
Ghi nhận những cố gắng nỗ lực của các thành viên trong từng Tiểu ban tại vòng sơ khảo, nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo đánh giá: “Năm nay chất lượng các tác phẩm tham dự giải đều được các thành viên đánh giá cao, chất lượng tác phẩm tốt hơn cả về nội dung, các chủ đề bao quát ở mọi mặt trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước trong năm. Đáng chú ý chất lượng tác phẩm giữa các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương ngày càng thu hẹp. Điều này cho thấy nghiệp vụ đội ngũ người làm báo ở địa phương và cả việc đầu tư về công nghệ làm báo ở địa phương đã có nhiều bước phát triển”.