Trao giải Báo chí TPHCM lần thứ 42: Báo chí TPHCM phản ánh dòng chảy chính của xã hội, đất nước

Ngày 21-6, nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2024), Hội Nhà báo TPHCM tổ chức lễ trao giải Báo chí TPHCM lần thứ 42 - năm 2024.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các tác giả Báo SGGP đoạt giải Báo chí TPHCM lần thứ 42 năm 2024. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các tác giả Báo SGGP đoạt giải Báo chí TPHCM lần thứ 42 năm 2024. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đến dự lễ trao giải có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trung tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM; Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam; Nguyễn Huy Ngọc, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại miền Nam; Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM; Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM; Hàng Thị Thu Nga, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân – Chính - Đảng TPHCM.

Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

Phát biểu ôn lại truyền thống 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong nhấn mạnh, báo chí thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc về kỹ thuật - công nghệ, mức độ uy tín, sự lan tỏa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng không chỉ của thành phố mà còn cả nước.

0013682f-6da1-48b8-b735-cf6a0deb0e5a.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhất, Giải Báo chí TPHCM lần thứ 42 - năm 2024. Ảnh: VIỆT DŨNG

Người làm báo của TPHCM không ngừng nâng cao trình độ tác nghiệp, luôn thể hiện trách nhiệm cao, không quản ngại khó khăn, gian khổ để thâm nhập thực tế, đắm mình trong hơi thở của cuộc sống mới để có được chất liệu chân thực và sống động. Từ đó có nhiều tác phẩm báo chí mang tinh thần đổi mới, khích lệ, cổ vũ, động viên những nhân tố mới, lan tỏa những điều hay lẽ phải trong đời sống xã hội, trong cuộc sống bình dị của người dân, cũng như mạnh mẽ đấu tranh, phê phán với các biểu hiện thiếu lành mạnh, tiêu cực trong đời sống xã hội, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

“Với tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, tâm huyết, đội ngũ người làm báo thành phố đã không ngừng nỗ lực để tạo ra nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận xã hội. Một nét son nổi bật là những người làm báo đã làm tốt cầu nối gắn kết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, phản ánh được “dòng chảy chính” của xã hội, của đất nước một cách thực chất và nhân văn”, nhà báo Nguyễn Tấn Phong bày tỏ.

8f714dfc-78da-49a4-b038-f6f8dc9453a4.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải: Báo chí luôn khẳng định là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, chính trị; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã gửi lời chúc mừng, cảm ơn đội ngũ những người làm báo đã dành nhiều tình cảm tốt đẹp và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Đồng chí khẳng định, thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả; quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động báo chí, nhất là trong giai đoạn thành phố đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; ban hành các quy định, chỉ thị nhằm phát huy vai trò của báo chí.

Năm 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, tạo tiền đề để tổ chức tốt Đại hội XII Đảng bộ TPHCM; hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Để thực hiện được những nhiệm vụ này, cần phải có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các cơ quan báo chí - đồng chí Nguyễn Hồ Hải

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị các cơ quan báo chí phải luôn khẳng định là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, chính trị; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống; chú trọng nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của thành phố, nhất là những chủ trương liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

cfccdc56-3370-497e-bde8-30a18ecae5b4.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Nên và đồng chí Nguyễn Hồ Hải trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhất, Giải Báo chí TPHCM lần thứ 42. Ảnh: VIỆT DŨNG

Qua đó, để người dân hiểu rõ, chia sẻ, thấu cảm, từ đó đồng thuận ủng hộ các chủ trương, chính sách; tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền thành phố. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng để định hướng xử lý và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm.

Các cơ quan báo chí thành phố cũng cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và công tác phát triển đảng viên; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ ngày càng cao, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, làm chủ công nghệ báo chí hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đồng thời, hướng đến xây dựng nền báo chí, truyền thông “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; quan tâm tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

download.jpg
Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong ôn lại truyền thống 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và đặt ra những yêu cầu mới cho báo chí hiện đại. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cũng lưu ý các cơ quan chức năng thành phố nghiên cứu, chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố về những vấn đề liên quan đến hoạt động của báo chí. Trong đó, tập trung các vấn đề về đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ mới vào hoạt động báo chí một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; về tổ chức bộ máy, sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí; về đặt hàng, giao nhiệm vụ phù hợp với đặc thù tính chất hoạt động của từng loại hình báo chí và xu thế phát triển của kinh tế báo chí…

Giải Báo chí TPHCM lần thứ 42 đã nhận được 271 tác phẩm báo chí từ 18 đơn vị báo chí của thành phố, qua đó đưa 150 tác phẩm tiêu biểu vào vòng chung khảo. Kết quả, Hội đồng Chung khảo đã quyết định trao 61 giải thưởng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc nhất, trong đó có 5 giải Nhất, 11 giải Nhì, 19 giải Ba và 26 giải Khuyến khích.

a285605d-dd45-4a2c-908f-b14a418a07c9.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhất, Giải Báo chí TPHCM năm 2024. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cách thể hiện mới với những đề tài khó

Vinh dự, tự hào khi nhận giải Nhất với tác phẩm Chúng tôi là công nhân Vành đai 3, tác giả Hoàng Giang, phóng viên Báo Pháp luật TPHCM, đã chia sẻ hành trình hơn nửa tháng đi theo công nhân làm việc trên công trường thi công đường Vành đai 3. Theo phóng viên Hoàng Giang, ở các công trường, mỗi ngày có hàng trăm kỹ sư, công nhân thi công miệt mài, không quản ngại cái nắng rát da hay đêm khuya sương lạnh, khắc phục mọi khó khăn, thi công 3 ca 4 kíp để đảm bảo tiến độ đề ra đúng như kỳ vọng… Đó là điều mà những người thực hiện tuyến bài cảm thấy ấn tượng nhất.

35d8eb4f-c7a1-4daf-925a-00247da1b82c.jpg
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam Trần Trọng Dũng trao cờ Tập thể hội xuất sắc cho Hội Nhà báo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Để có hình ảnh, video chân thực, sinh động, chúng tôi đến và sinh hoạt, làm việc cùng các công nhân Vành đai 3. Trên công trường, những ngày cuối tháng 4 nắng nóng, có lúc lên đến gần 40 độ C, anh em công nhân phải bịt kín tay chân, mặt mũi, để tránh bỏng nắng, bỏng tia hàn... Ai cũng đỏ hoe hai mắt, mồ hôi nhễ nhại, nhưng khi được hỏi thì ai cũng tự hào khi được đóng góp sức nhỏ của mình cho công trình trọng điểm của thành phố”, phóng viên Hoàng Giang chia sẻ.

9ea0b441-3d1a-4eec-ab52-9cfe50209009.jpg
Nhà báo Võ Minh Phong (Báo SGGP) chia sẻ về quá trình triển khai thực hiện vệt tuyên truyền về Nghị quyết 98 - tác phẩm đoạt giải Nhì, Giải Báo chí TPHCM lần 42. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhận giải Nhì công trình tập thể về đeo bám, nỗ lực của TPHCM trong đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù mới cùng sự chuẩn bị, quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội, nhà báo Võ Minh Phong, Phó trưởng Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP đã có những chia sẻ về quá trình triển khai thực hiện vệt tuyên truyền về Nghị quyết 98. Nhà báo Võ Minh Phong cho biết, khi nắm được thời điểm Quốc hội thảo luận, xem xét về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội, từ yêu cầu của Đảng ủy - Ban Biên tập Báo SGGP, Ban Chính trị - Xã hội đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các bài viết liên quan theo từng giai đoạn.

Yêu cầu đặt ra là phải tìm hiểu kỹ lưỡng và nắm chắc nội dung dự thảo để có cái nhìn tổng quan, chi tiết để khi các bài viết phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn cũng như mục tiêu phát triển. Các phóng viên cũng tương tác với các bên liên quan, qua việc phỏng vấn chuyên gia, đối tượng thụ hưởng để hiểu rõ hơn về tác động của các cơ chế, chính sách đặc thù. Điều này giúp các phóng viên có góc nhìn đa chiều và phản ánh đúng tình hình, tạo sự đồng thuận cao trong tuyên truyền. Ngoài hình thức tuyên truyền thông qua các bài viết, clip sinh động, Báo SGGP còn tổ chức các hình thức tuyên truyền tăng sức lan tỏa như toạ đàm.

b6a65e51-3218-4d22-aca5-8edb9d8889d0.jpg
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê và đồng chí Phạm Thành Kiên trao giải cho các tác giải đoạt giải Nhì, Giải Báo chí TPHCM lần thứ 42. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Điều chúng tôi tâm đắc là có sự tham gia tích cực mang tính cạnh tranh của những người làm báo trong đào sâu, triển khai các bài viết liên quan đến nghị quyết. Điều đó cũng phản ánh rõ nét sự quan tâm lớn của xã hội, với mong muốn, kỳ vọng những nội dung mới mẻ của nghị quyết sẽ tháo gỡ điểm nghẽn và tạo động lực lớn hơn, mạnh hơn để thành phố phát triển xứng tầm, đóng góp nhiều hơn cho cả nước”, nhà báo Minh Phong bày tỏ. Đồng thời, mong muốn lực lượng báo chí tiếp tục được tạo điều kiện để có các bài viết tuyên truyền về nghị quyết hấp dẫn hơn, sát với thực tiễn hơn, góp phần triển khai nghị quyết đạt được kết quả như mong muốn.

b680ca37-557c-49da-b620-b432ee19d562.jpg
Đồng chí Lâm Đình Thắng và nhà báo Nguyễn Tấn Phong trao giải cho các tác giả đoạt giải Ba. Ảnh: VIỆT DŨNG
708f5c80-4c99-470c-932a-cd0ca2fc395e.jpg
Trung tướng Lê Hồng Nam và đồng chí Trần Thị Diệu Thúy trao giải cho các tác giả đoạt giải Khuyến khích, Giải Báo chí TPHCM lần thứ 42. Ảnh: VIỆT DŨNG

Báo SGGP đoạt 7 giải Báo chí TPHCM lần thứ 42 - năm 2024

- Giải Nhì công trình tập thể về đeo bám, nỗ lực của TPHCM trong đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù mới cùng sự chuẩn bị, quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội.

- Loạt bài Dễ như thuê, mua chứng chỉ hành nghề y dược của tác giả Phạm Thành Sơn - Nguyễn Quốc Khánh – Phạm Trần Giao Linh – Nguyễn Thị Bích Huyền đoạt giải Nhì.

- Loạt bài Xây dựng chính sách an sinh xã hội đa tầng - thực tiễn từ TPHCM của tác giả Ngô Sỹ Bình – Thái Thị Phương Thuý – Bùi Thị Thu Hường đoạt giải Ba.

- Loạt bài Ngành du lịch kêu cứu vì…thiếu “nhạc trưởng” của tác giả Thi Hồng – Thu Hà - Quốc Bình - Nguyễn Tiến Thắng – Mai Thị Xuân Quỳnh, đoạt giải Ba.

- Loạt bài Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng của tác giả Nguyễn Chiến Dũng – Võ Quốc Hùng - Nguyễn Thị Cẩm Nhung – Mai Thị Hoa đoạt giải Ba.

- Vệt bài Đa dạng phương cách nâng chất cán bộ của tác giả Bùi Thị Thu Hường – Ngô Sỹ Bình – Thái Thị Phương Thuý – Vân Minh Kiệt đoạt giải Khuyến khích.

- Loạt bài Phát huy thành tựu 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo của tác giả Võ Thanh Hùng - Nguyễn Tấn Thu Tâm - Phạm Thị Thảo – Mai Thị Xuân Quỳnh – Lê Quang Huy giành giải Khuyến khích.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Vinh danh 122 tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII

 

122 tác phẩm gồm 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C và 41 giải Khuyến khích được vinh danh tại Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023Vinh danh 122 tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII- Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm và ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trao giải A cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: Quang Vinh

Tối 21-6, tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) đã diễn ra Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm dự và có bài phát biểu quan trọng tại buổi lễ.

Cùng dự buổi lễ có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; các ủy viên Trung ương Đảng; ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII.

Vinh danh 122 tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII- Ảnh 2.

Các tác giả, nhóm tác giả nhận Giải C - Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII

Vinh danh 122 tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao giải B cho nhà báo Phan Anh - thay mặt nhóm tác giả của Báo Người Lao Động nhận giải B - Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII với Tác phẩm "Hiện thực hóa nghị quyết mới càng sớm càng tốt"

Theo báo cáo của Ban Tổ chức, Giải Báo chí quốc gia năm nay có số lượng tác phẩm tham dự ở mức cao nhất trong những năm gần đây với 1.905 tác phẩm; là minh chứng cho thấy sức hút mạnh mẽ, cũng như sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.

Hội đồng Chung khảo đã chấm 165 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng Sơ khảo và quyết định trao 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C, 41 giải Khuyến khích, theo 11 loại giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất, có tính phát hiện đề tài, nội dung tư tưởng tốt, mang tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thức thể hiện. Đặc biệt, có nhiều tác phẩm không chỉ ở các cơ quan báo chí Trung ương mà các cơ quan báo chí địa phương đã ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại, thu hút và tạo ra trải nghiệm mới, hấp dẫn công chúng báo chí.

Trong số 165 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng Giải báo chí quốc gia đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C và 41 giải Khuyến khích để trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII.

Báo Người Lao Động đoạt giải B với Tác phẩm "Hiện thực hóa nghị quyết mới càng sớm càng tốt" của các tác giả: TS Nguyễn Thanh Sơn - NCS Nguyễn Khánh Linh, TS Phạm Đào Thịnh, TS Trương Đức Thuận, Phan Anh (Nguyễn Thị Thừa), Thái Phương (Khuất Thị Thái).

Vinh danh 122 tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII- Ảnh 4.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII, phát biểu

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh 99 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chăm lo, dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự tin yêu, đùm bọc của nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành với sự nghiệp cách mạng dân tộc. Các thế hệ nhà báo cách mạng xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao vai trò, những thành tựu và sự đóng góp to lớn của báo chí trong suốt những năm qua.

Tiếp nối truyền thống đó, đội ngũ người làm báo hơn 25 ngàn hội viên, với đầy đủ các loại hình báo chí, chúng ta tự hào đã có một nền báo chí phát triển, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và nhân dân.

Trong bối cảnh khó khăn thách thức chung của thế giới, khu vực và đất nước, có những thách thức chưa từng có tiền lệ, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.

Vinh danh 122 tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII- Ảnh 5.

Các tác giả, nhóm tác giả nhận Giải C - Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả của báo chí và đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 99 năm qua. Chủ tịch nước cũng chúc mừng 122 tác giả, nhóm tác giả được trao giải. Các tác phẩm đoạt giải phản ánh bức tranh lao động sôi động của báo giới cả nước trong năm qua, đồng thời đại diện cho thành tựu to lớn của đội ngũ những người làm báo Việt Nam.

Vinh danh 122 tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII- Ảnh 6.

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao Giải báo chí quốc gia

Theo Chủ tịch nước, năm 2025 sẽ kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước hoàn thành thắng lợi mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, cũng hết sức vẻ vang đối với báo chí và đội ngũ những người làm báo trong tuyên truyền, tạo sự đồng tâm, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị tập trung xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có "tâm sáng, lòng trong, bút sắc", "vừa hồng, vừa chuyên"; kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung.

Để trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, là "thư ký của thời đại", trở thành "người gác cổng của nhân dân", Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng người làm báo cách mạng phải đáp ứng được những đòi hỏi cao về trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân, cần không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập về lý luận, nghiệp vụ báo chí và công nghệ báo chí truyền thông hiện đại.