Sáng nay (27-6), Báo SGGP tổ chức hội thảo “Thương hiệu - Nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt”. Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp, cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương… tập trung thảo luận các giải pháp phát triển nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh thương mại xanh.
Báo SGGP tổ chức hội thảo “Thương hiệu - Nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt”. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Báo SGGP tổ chức hội thảo “Thương hiệu - Nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt”. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ trì hội thảo gồm: PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM; ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA); nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến ở nhiều điểm cầu trên cả nước.

Từ điểm cầu Hà Nội có các đại biểu: ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT; bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương; ông Phạm Minh Tuân, Trưởng phòng nghiệp vụ 3, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường.

Tại điểm cầu TPHCM và các tỉnh thành có các đại biểu: ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC); Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op); lãnh đạo sở ngành các tỉnh Cà Mau, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Nai.

Đại diện đơn vị đồng hành có: ông Lê Duy Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn; ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketting Công ty Cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn.

PT.jpg
Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Từ thực tế này, có thể thấy việc xây dựng thương hiệu càng trở nên cấp thiết, giúp gia tăng nội lực nội sinh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển vững mạnh, từng bước vươn xa hơn trên thị trường trong nước và thế giới. Báo SGGP tổ chức hội thảo lần này cũng nhằm đóng góp các giải pháp để phát triển thương hiệu cho hàng Việt trong bối cảnh thương mại xanh, hướng đến kiến tạo hệ sinh thái doanh nghiệp Việt có thương hiệu mạnh và bền vững.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường nhấn mạnh, thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc xây dựng thương hiệu Việt không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trên phạm vi toàn cầu. Cao hơn, sự phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp sẽ là mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia, góp phần đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế.

968ed864-0a11-4edd-8654-bfe51872116e.jpg
Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường tặng hoa cho đơn vị đồng hành. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Việt Nam đã vươn lên tốp 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Với sự phát triển nội tại của từng doanh nghiệp, cùng với lợi thế từ nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong nhiều năm, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia có thương mại hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng tích cực trên thì vẫn còn một thực tế rất buồn đang diễn ra từ nhiều năm nay. Đó là hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản đang phải “vay thương hiệu” để xuất khẩu. Thống kê từ Bộ Công thương chỉ rõ, có đến 70 - 80% là xuất thô, giá trị gia tăng thấp.

Minh chứng rõ nét như ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng. Hay như nhóm hàng hóa nông sản, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu... Hiện đã có rất nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ở dạng thô, hoặc đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Việt Nam, sau đó sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị sản xuất, rồi bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần…

Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình. Điều này xuất phát từ nguyên do thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và yếu. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, cho doanh nghiệp Việt nói chung trên thị trường, nhất là tại thị trường quốc tế.