Ảnh: nhandan.vn. |
Khi nghiên cứu văn hóa các dân tộc trên nhiều vùng miền của Tổ quốc, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, tính đa dạng văn hóa của văn hóa các tộc người làm nên bức tranh đa sắc của văn hóa dân tộc. Cần nhận thức rõ điều này để có sự tôn trọng, bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong xây dựng chính sách và thực hiện chính sách ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển bền vững văn hóa, làm đặc sắc bức tranh văn hóa chung của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Sự đa dạng văn hóa có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước. Phát triển kinh tế vùng muốn bền vững cần dựa trên cơ sở đáp ứng bảo vệ môi trường và khai thác thế mạnh của đa dạng văn hóa.
Đại hội XIII của Đảng định hướng: Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cụ thể hơn: “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”. Đó là những định hướng dẫn đường cho việc bảo vệ đa dạng văn hóa hôm nay.
Xu hướng toàn cầu hóa có thể ảnh hưởng xấu tới tính sáng tạo và đa dạng văn hóa, gây ra sự đồng nhất văn hóa. Toàn cầu hóa đặt các nền văn hóa dân tộc trước nguy cơ không còn sự khác biệt văn hóa giữa các vùng miền, làm đơn giản hóa các sắc màu và đường nét của “bức tranh văn hóa” ở mỗi quốc gia cũng như của toàn nhân loại. Nền văn hóa quốc gia sẽ nhạt nhòa, nghèo nàn, thiếu bản sắc và không thể phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, trong một thời gian dài, quan điểm “bảo tồn có chọn lọc” vô hình trung tạo ra nhiều rào cản trong việc bảo tồn các di sản văn hóa. Chỉ một số di sản và những hoạt động thực hành văn hóa được đánh giá là tốt mới được lựa chọn để bảo tồn, còn những gì bị coi là “lạc hậu”, “rườm rà” được khuyến khích xóa bỏ. Quan điểm “tiến hóa văn hóa” còn tạo ra sự suy diễn mang tính phân biệt, sai lệch và tiêu cực, rằng các dân tộc thiểu số thường lạc hậu, không văn minh bằng dân tộc đa số. Với quan điểm các dân tộc đều bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, trong văn hóa không thể phân chia “cao-thấp” mà cần tôn trọng “sự khác nhau”. Khi không còn những lễ hội, lễ thức, phong tục cổ truyền, những tri thức bản địa đặc trưng và đặc sắc... cũng chính là lúc văn hóa của vùng đó, của dân tộc đó mất đi sức hấp dẫn.
Sự đa dạng văn hóa có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước. Phát triển kinh tế vùng muốn bền vững cần dựa trên cơ sở đáp ứng bảo vệ môi trường và khai thác thế mạnh của đa dạng văn hóa. Có thể phát triển có hiệu quả và bền vững các vùng nông nghiệp, vùng lâm nghiệp, vùng du lịch dựa trên đặc trưng của những vùng thiên nhiên, vùng văn hóa, vùng dân tộc để thu được lợi ích nhiều mặt: vừa tăng nguồn thu cho địa phương, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giáo dục, y tế... vừa bảo vệ được sự đa dạng văn hóa, giữ gìn môi trường và không lãng phí tài nguyên.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng, không có hình mẫu phát triển chung cho mọi cộng đồng dân tộc thiểu số. Sự đầu tư của Nhà nước với vùng dân tộc thiểu số như các dự án phát triển sinh kế, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa cần chú ý tới đặc thù sinh thái của mỗi vùng, đặc thù văn hóa của mỗi tộc người. Các dự án phát triển cần phải dựa trên kết quả điều tra, nghiên cứu khoa học về sự phù hợp của những đối tượng sẽ chịu tác động, tôn trọng sự đa dạng, lắng nghe tiếng nói của người trong cuộc và đề cao tính chủ động, phát huy nội lực của các cộng đồng.