Ngày 28/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) và Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam (VRG) tổ chức Hội nghị giới thiệu và lấy ý kiến Sàn giao dịch cao-su. Tham dự Hội nghị, có hơn 100 khách mời là đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành cao-su Việt Nam.
Các đại biểu chủ tọa chia sẻ các thông tin về Sàn giao dịch cao-su.
Các đại biểu chủ tọa chia sẻ các thông tin về Sàn giao dịch cao-su.
28.6-a3-ong-duc-quang-ceo-mxv.jpg
Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) Dương Đức Quang thông tin tại hội nghị. 

Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cao-su lớn thứ ba toàn cầu. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, nước ta xuất đi hơn 84.000 tấn cao-su, với kim ngạch đạt hơn 134 triệu USD, tăng 14,8% về lượng và tăng 14,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cao-su Việt Nam thu về gần 860 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Với vị thế và quy mô thị trường lớn như vậy, Việt Nam vẫn chưa thật sự làm chủ được giá cao-su thế giới. Thị trường cao-su Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, do chưa chủ động trong việc niêm yết giá cao-su trên thị trường tập trung.

Cụ thể, sản phẩm không đồng bộ về chất lượng, quy cách, tiêu chuẩn; phương thức kinh doanh truyền thống, đơn giản; thương lái chi phối thị trường, giá cả, dẫn đến người nông dân thường hay bị yếu thế. Ngoài ra, các thông tin thị trường thiếu minh bạch nên công tác định hướng, phát triển ngành công nghiệp cao-su Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc VRG cho biết: “Việc niêm yết giao dịch các sản phẩm cao-su của Việt Nam trên Sàn giao dịch sẽ giải quyết các hạn chế của phương thức kinh doanh cao-su truyền thống, khi chúng ta có một thị trường giao dịch tập trung, công khai và minh bạch”.

Để triển khai hiệu quả việc niêm yết giao dịch sản phẩm đặc thù như cao-su, MXV đã hợp tác chặt chẽ với VRG. Các sản phẩm cao-su sẽ được niêm yết giao dịch dựa trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại của MXV, trong khi VRG đảm nhận vai trò quan trọng trong việc tư vấn, kiểm định, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm.

Đưa sản phẩm cao-su lên sàn giao dịch ảnh 1

Quang cảnh Hội nghị.

Phó Tổng Giám đốc MXV Dương Đức Quang cho biết, với kinh nghiệm đang tổ chức một thị trường có hơn 30.000 tài khoản giao dịch, hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, cùng với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, MXV tin tưởng có thể hợp tác cùng VRG tổ chức niêm yết giao dịch sản phẩm cao su Việt Nam hiệu quả.

Cũng theo ông Dương Đức Quang, sàn giao dịch hoạt động theo phương thức giao dịch chào giá và giao dịch thỏa thuận, dưới hình thức hợp đồng giao ngay và hợp đồng kỳ hạn. Các sản phẩm cao su sẽ được mã hóa theo chủng loại và doanh nghiệp sản xuất.

“Điểm khác biệt khi niêm yết giao dịch cao su so với các phương thức kinh doanh truyền thống nằm ở mô hình tổ chức, cách vận hành và áp dụng hạ tầng công nghệ tiên tiến trong giao dịch. Đây là những kinh nghiệm đã được MXV đúc rút từ các thị trường cao su lớn nhất trên thế giới”, ông Dương Đức Quang cho biết thêm.

Dự kiến, trong quý III/2024, MXV và VRG sẽ phối hợp hoàn thiện các quy trình, quy định phục vụ việc giao dịch sản phẩm cao-su Việt Nam, đồng thời triển khai vận hành thử nghiệm việc niêm yết, giao dịch sản phẩm.

Dự kiến quý IV/2024, mặt hàng này sẽ chính thức được niêm yết và giao dịch.