Hai hình thức mua bán điện trực tiếp
Theo Nghị định 80, việc mua bán điện được thực hiện theo 2 hình thức là qua đường dây kết nối riêng và qua lưới điện quốc gia. Cụ thể, với hình thức qua đường dây kết nối riêng là hoạt động ký hợp đồng và giao nhận điện năng qua đường dây kết nối riêng giữa đơn vị phát điện NLTT và khách hàng sử dụng điện lớn. Hợp đồng mua bán điện sẽ được hai bên tự thỏa thuận theo các quy định của Luật Điện lực, bao gồm các điều khoản về chủ thể hợp đồng, mục đích sử dụng, tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ, giá điện, phương thức thanh toán và các nội dung khác. Giá bán điện sẽ do hai bên thỏa thuận, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Đơn vị phát điện NLTT có thể đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị được ủy quyền. Đơn vị phát điện NLTT bao gồm nhà máy điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Khách hàng sử dụng điện lớn là tổ chức hoặc cá nhân mua điện với sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000kWh/tháng trở lên.
Với hình thức mua bán điện qua lưới điện quốc gia, hoạt động mua bán điện thông qua hợp đồng kỳ hạn giữa đơn vị phát điện NLTT và khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các khu, cụm được ủy quyền. Đơn vị phát điện NLTT sẽ bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường buôn bán điện cạnh tranh.
Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các khu, cụm được ủy quyền sẽ ký hợp đồng mua bán điện với EVN để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu. Giá thị trường điện giao ngay được hình thành từ tổng giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường, xác định theo quy định của Bộ Công thương. Các doanh nghiệp (DN) lớn có thể thỏa thuận giá điện trực tiếp, giúp tối ưu hóa chi phí năng lượng.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm khẳng định, Nghị định 80 được phê duyệt là bước rất quan trọng để thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh. Hiện EVN đã tổ chức rà soát các quy trình nội bộ và trong tháng 7 này sẽ hoàn thiện các cơ chế đúng với các quy định của nghị định cũng như các quy định liên quan. Trên cơ sở đó, EVN và các đơn vị thành viên, các tổng công ty mua bán điện có thể triển khai được ngay.
“Cỏi trói” cho thị trường năng lượng tái tạo
Qua ghi nhận từ cộng đồng DN, việc ban hành Nghị định 80 đã “cởi trói” cho thị trường NLTT. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa, việc đẩy nhanh cơ chế DPPA giúp DN làm hàng xuất khẩu có thể tiếp cận, sử dụng điện tái tạo đạt chứng chỉ xanh gắn cho hàng hóa sớm hơn là điều tốt. Việc sử dụng NLTT trong các sản phẩm của mình sẽ giúp DN có lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty CP Bincon Phạm Phước Bình cho biết, việc Chính phủ ban hành Nghị định 80 giúp các DN có thể dễ dàng giới thiệu tới khách hàng về hệ thống lưới điện và cũng giúp các đơn vị mua được điện tái tạo. Việc tham gia mua bán điện trực tiếp giúp các DN chủ động tìm kiếm khách hàng có nhu cầu mua điện và điều hòa lưới điện thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, ông Bình cũng lưu ý, cần đưa ra các quy định cụ thể, có giới hạn về các chi phí như: điều độ hệ thống điện, tỷ lệ tổn thất điện năng, điều hành hệ thống, bảo trì... để các DN có thể tính toán chi phí đầu tư. Nếu có thể làm rõ về vấn đề này thì các DN sẽ nhanh chóng đầu tư vì hiện nay thị trường mua điện khá lớn.
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị định 80 để cơ chế DPPA được triển khai nhanh chóng tạo thêm “người mua” trong thị trường điện cạnh tranh, thay vì chỉ có EVN và các tổng công ty phân phối điện thuộc EVN hiện nay, đưa thị trường tiến gần tới cấp độ “bán buôn” và “bán lẻ” cạnh tranh. Mặt khác, cơ chế DPPA sẽ tạo cơ hội cho đầu tư phát triển mạnh nguồn NLTT, thúc đẩy sản xuất xanh, cấp chứng chỉ giảm phát thải carbon để tăng sức cạnh tranh hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo là dù trực tiếp (qua đường dây kết nối riêng) hay ảo (qua lưới điện quốc gia), thì các hợp đồng mua bán điện trực tiếp cũng tạo ra áp lực lớn cho lưới điện, buộc phải cân bằng với lượng điện NLTT đang ngày càng tăng.
Do đó, cần phải có các chính sách điều độ thích hợp với khả năng chịu tải của lưới điện. Mặt khác, nhằm ngăn trục lợi khi NLTT được mua bán trực tiếp, ông Nguyễn Thanh Hoài, một kỹ sư trong lĩnh vực năng lượng cho biết, các cơ quan chức năng cần tính toán đến giải pháp tối ưu là xây dựng cơ chế giá mua bán điện từ hệ thống lưu trữ.
Điều này sẽ đảm bảo được tính ổn định của hệ thống điện quốc gia, do dung lượng pin lưu trữ là nguồn điện linh động tốt nhất để bù vào phần công suất thiếu hụt của hệ thống điện lúc gió giảm (đối với điện gió), lúc mây, mưa, dông bão và vào ban đêm (đối với hệ thống điện mặt trời). Từ đó sẽ góp phần giảm bớt đầu tư nguồn điện linh hoạt bằng vốn ngân sách, khuyến khích và huy động được các nguồn vốn bên ngoài để đầu tư cho NLTT…
Tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế DPPA vừa diễn ra ở Hà Nội, Bộ Công thương cho biết, những cơ sở sử dụng điện có mức sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000kWh/tháng trở lên và có mong muốn sử dụng NLTT sẽ được mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất NLTT với 2 chính sách: thông qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, với trường hợp truyền tải qua hệ thống điện quốc gia thì điều kiện để mua bán điện trực tiếp là đơn vị phát điện NLTT (điện gió hoặc điện mặt trời) phải đảm bảo có công suất từ 10MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Còn trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng thì sẽ không có giới hạn về công suất và loại hình NLTT như năng lượng mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ, điện sinh khối, địa nhiệt… và các dạng NLTT khác...
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn EVN và các đơn vị trực thuộc khẩn trương tính toán các chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện trong cơ chế DPPA, xây dựng quy trình kinh doanh, quản lý và tính toán thanh toán, hóa đơn cho khách hàng khi tham gia cơ chế này.