Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, trở thành dấu mốc lịch sử trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đây là thắng lợi đầu tiên và vô cùng quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam, tạo tiền đề, cơ sở pháp lý cho cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân ta. Trải qua 7 thập kỷ, những bài học từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954 tạo điều kiện cho các bên tham dự Hội nghị Geneva bàn về vấn đề Đông Dương.
Bước sang năm 1953, tình hình thế giới phát triển ngày càng thuận lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Lực lượng của phe hòa bình - dân chủ thế giới ngày càng lớn mạnh. Liên Xô, Trung Quốc liên tiếp thu được nhiều thành tích vĩ đại trong xây dựng và phát triển đất nước. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên khắp thế giới ngày càng phát triển…
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 góp phần quyết định thành công của Hội nghị Geneva về Đông Dương. Ảnh tư liệu |
Song song với chủ trương đẩy mạnh các hoạt động quân sự của cuộc kháng chiến, Đảng và Chính phủ quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao với địch. Ngày 26-11-1953, trả lời phỏng vấn của Báo Expressen Thụy Điển về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó” (1), “Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam” (2), “…Việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp” (3).
Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Báo Expressen đã gây tiếng vang lớn tại Pháp và trên thế giới. Các đoàn thể nhân dân và nhiều nhà chính trị Pháp đòi Chính phủ Laniel tiến hành đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh. Dưới sức ép của dư luận, ngày 3-12-1953, Chính phủ Pháp phải tuyên bố muốn biết lập trường của Việt Minh bằng con đường chính thức và tỏ ý sẵn sàng xem xét việc lập lại hòa bình, bảo đảm độc lập cho các quốc gia liên kết.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đại biểu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến dự Hội nghị Geneva. Ảnh tư liệu |
Pháp đồng ý triệu tập Hội nghị quốc tế tại Geneva vì lúc đó ta chưa mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ; tướng Navarre còn đang tự hào về tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và tin tưởng ở viện trợ mà Mỹ đang rót vào Đông Dương để Pháp đi vào đàm phán trên thế mạnh.
Ngày 5-3-1954, Quốc hội Pháp mở phiên họp đặc biệt về vấn đề Đông Dương, thông qua nghị quyết hoan nghênh việc triệu tập Hội nghị quốc tế Geneva, bảo đảm hòa bình và an ninh của các quốc gia liên kết trong khối Liên hiệp Pháp.
Nắm vững diễn biến tình hình thế giới và trong nước, nhận lời mời của Trung Quốc và Liên Xô, Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ cho Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng và một số cán bộ chuẩn bị tham dự Hội nghị Geneva. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đi dự một hội nghị quốc tế lớn, mà ta thì chưa có kinh nghiệm, tình hình quốc tế cũng chưa nắm vững.
Vì thế, Đoàn nhận chỉ thị của Bác Hồ về nguyên tắc và chủ trương lớn, biện pháp lớn: Giữ vững các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta, hòa bình trên ba nước Đông Dương, phối hợp chặt chẽ với các Đoàn Liên Xô và Trung Quốc, tranh thủ dư luận quốc tế và nhân dân Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh của Đoàn ta trên bàn đàm phán và đặc biệt là vận dụng thật tốt phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Theo lời kể của Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ban đầu Chính phủ định cử đồng chí Hoàng Minh Giám, nhưng sau có ý kiến của Bác Hồ, Bác quyết định cử Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục Tác chiến Hà Văn Lâu, đồng chí Tạ Kính và nhiều chuyên viên.
“Đây đều là những người biết ngoại ngữ và giỏi tiếng Pháp, có thể nói chuyện trực tiếp không qua phiên dịch”, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương nhấn mạnh thêm.
Thiếu tướng Tạ Quang Chính, con trai của nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu. Ảnh: PHƯƠNG LINH |
Thiếu tướng Tạ Quang Chính, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, là con trai của nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, thành viên chính thức của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Geneva năm 1954.
Thiếu tướng Tạ Quang Chính thuật lại câu chuyện mà cha mình thường kể khi còn sống: “Cuối tháng 3, phái đoàn ngoại giao của ta bắt đầu sang Trung Quốc để chuẩn bị. Đến ngày 17-4-1954, phái đoàn ta từ Trung Quốc đã tới Moscow (Liên Xô). Ngày 1-5, phái đoàn Chính phủ ta tham dự lễ Quốc tế Lao động ở Moscow, nhưng vẫn phải bí mật vì vẫn chưa nhận được lời mời chính thức dự Hội nghị Geneva. Ngày 4-5, tuy vẫn chưa được mời nhưng phái đoàn ta vẫn được Liên Xô bố trí sang Berlin bằng máy bay của Liên Xô do phi công Liên Xô lái.
Vẫn chưa có lời mời, vậy mà khi đến Geneva thì điều đặc biệt là phái đoàn ta lại được Chính phủ Thụy Sĩ tiếp đón theo nghi lễ đầy đủ đối với một đoàn chính thức, trong khi các phái đoàn bù nhìn không được tiếp đón như vậy. Cả các đại biểu Liên Xô và Trung Quốc cũng ra tận sân bay đón phái đoàn ta. Trong phái đoàn ta còn có thêm cả một đại biểu của Cao Miên (Campuchia) và một đại biểu Pathet Lào…”.
Trước khi Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Thụy Sĩ, Hội nghị Geneva đã khai mạc ngày 26-4-1954 tại Palais des Nations, trụ sở của Liên hợp quốc tại châu Âu để bàn về một giải pháp chính trị ở Triều Tiên. Cùng thời điểm này, ở lòng chảo Điện Biên Phủ, quân viễn chinh Pháp đang ở tình thế khốn đốn trước sức tiến công mạnh mẽ của các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi các cứ điểm Him Lam, Độc Lập bị tiêu diệt, quân viễn chinh Pháp ở Bản Kéo buộc phải đầu hàng, đồng thời hàng loạt cứ điểm ở khu phía Đông Mường Thanh bị tiêu diệt. Quân viễn chinh Pháp lâm vào thế bị động, lúng túng. Tuy nhiên, do chiến sự ở Điện Biên Phủ chưa ngã ngũ nên Pháp vẫn nuôi hy vọng giành được một thắng lợi về mặt quân sự, tạo ưu thế trên bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh tại Việt Nam trong danh dự.
Trong Nhật ký của mình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Phan Anh, thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Geneva, kể rằng: “Qua ngày đầu, các Ngoại trưởng đã bàn đến sự triệu tập Hội nghị bàn về vấn đề Đông Dương. Ai cũng mong đợi hội nghị này, các báo đều đồng thanh về điểm đó. Vấn đề thành phần: Mỹ, Pháp “làm bộ” về vấn đề mời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thực sự không có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì thương lượng với ai? Ai cũng thấy thế và các báo đều nói thế” (4).
Tuy nhiên, Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã đưa vấn đề Đông Dương trở thành tâm điểm của Hội nghị Geneva, đồng thời làm thay đổi tình hình phía Pháp, với việc Thủ tướng mới của Pháp Pierre Mendès France nhậm chức tháng 6-1954 cùng quyết tâm thúc đẩy giải quyết xung đột ở Đông Dương, trước ngày 20-7-1954.
Hội nghị Geneva về lập lại hòa bình ở Đông Dương diễn ra đúng vào thời điểm người Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ. Đối với Thụy Sĩ, đây là cơ hội đăng cai một hội nghị quốc tế quan trọng trên lãnh thổ của mình. Do đó, nước chủ nhà đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lễ tân, nơi ở, an ninh, truyền thông, logistic, ngôn ngữ, thị thực và hàng nghìn chi tiết quan trọng khác để hội nghị với hàng trăm đại biểu tham dự diễn ra suôn sẻ. Thành công của Hội nghị Geneva năm 1954 đã có nhiều tác động quan trọng đối với Thụy Sĩ. Genevalà nơi đăng cai nhiều hội nghị, đàm phán và hội nghị của các nguyên thủ quốc gia như: Hội nghị Tứ cường năm 1955 giữa Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp; cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Reagan và người đồng cấp Liên Xô Gorbachev ngày 19-11-1985 hay giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 6-2021… |
(1), (2), (3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.8, tr.340-341.
(4) Luật sư Phan Anh, Nxb Công an Nhân dân, tr.413
----------------------------------------------------------
Kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Geneva (1954-2024)-Mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam
Bài 2: Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam
Trải qua 75 ngày (từ ngày 8-5 đến 21-7-1954) đàm phán căng thẳng và phức tạp với 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, Hiệp định Geneva đã được ký kết. Đây là quá trình đấu trí, đấu lực thể hiện trí tuệ và bản lĩnh của ngoại giao Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Geneva, ngày 8-5-1954. Ảnh tư liệu |
Là hội nghị bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, nhưng các nước dự hội nghị đều có lợi ích, chiến lược và mục tiêu khác nhau. Đối với đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lập trường cơ bản là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ; thực hiện dựa theo “phương châm đấu tranh là vừa đánh, vừa nói chuyện; chủ động cả quân sự lẫn ngoại giao”.
Quá trình diễn ra hội nghị qua 3 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1 (từ ngày 8-5 đến 19-6-1954): Đây là giai đoạn các bên trình bày lập trường của mình về cách giải quyết vấn đề Việt Nam và vấn đề Đông Dương, tranh luận các vấn đề lớn liên quan đến mục tiêu của hội nghị. Trong phiên họp đầu tiên (ngày 8-5), đoàn Pháp trình bày lập trường của mình trên cơ sở chỉ giải quyết vấn đề quân sự, không đề cập đến giải pháp chính trị và tách vấn đề Lào, Campuchia ra khỏi Việt Nam. Đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn yêu cầu phải có sự tham dự của đại diện Chính phủ kháng chiến Lào và Campuchia.
Trong phiên họp ngày 10-5, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát biểu, đưa ra lập trường gồm 8 điểm với nội dung chủ yếu là: Yêu cầu đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Lập trường 8 điểm của Việt Nam được Liên Xô, Trung Quốc ủng hộ là giải quyết đồng thời cả hai vấn đề chính trị và quân sự, giải quyết đồng thời cả 3 vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia.
Phiên họp thứ ba, Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai trình bày lập trường tổng quát của Trung Quốc, ủng hộ 8 điểm của Việt Nam Dân chủ cộng hòa; đồng thời nêu hai điều kiện để lập lại hòa bình ở Đông Dương: Pháp chấm dứt chiến tranh thực dân, Mỹ chấm dứt can thiệp vào cuộc xung đột ở Đông Dương. Đáng chú ý, trong phiên họp thứ tư, Trưởng đoàn Liên Xô Vyacheslav Molotov ủng hộ kế hoạch của Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng và đề nghị lấy hai phương án của Pháp và của Việt Nam Dân chủ cộng hòa làm cơ sở thảo luận. Tuy nhiên, cho tới ngày 19-5, hội nghị vẫn chưa đi tới thỏa thuận về chương trình nghị sự.
Sau 4 phiên mở rộng, Chủ tịch hội nghị Anthony Eden yêu cầu họp hẹp. Trưởng đoàn Liên Xô đề nghị vấn đề quân sự, chính trị và vấn đề 3 nước sẽ bàn song song. Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Liên Xô, Trung Quốc đồng ý. Anh và Pháp tán thành, Mỹ đành phải chấp nhận. Ngày 25-5, trong phiên họp hẹp, đồng chí Phạm Văn Đồng đưa ra hai nguyên tắc cho vấn đề đình chiến: Ngừng bắn hoàn toàn trên toàn cõi Đông Dương; điều chỉnh vùng trong mỗi nước, trong từng chiến trường trên cơ sở đất đổi đất để mỗi bên có những vùng hoàn chỉnh tương đối rộng lớn, thuận lợi cho quản lý hành chính và hoạt động kinh tế. Đại diện các bộ tư lệnh có liên quan nghiên cứu tại chỗ những biện pháp ngừng bắn để chuyển tới hội nghị xem xét và thông qua.
Đến phiên họp thứ bảy (ngày 27-5), đoàn Pháp đồng ý lấy đề nghị của Việt Nam Dân chủ cộng hòa làm cơ sở thảo luận, đề nghị đại diện của hai bên gặp nhau ở Geneva để bàn việc chia ranh giới khu vực tập trung quân ở Đông Dương. Cùng ngày, đoàn Trung Quốc đưa ra 6 điểm về vấn đề quân sự như: Ngừng bắn hoàn toàn và cùng một lúc ở 3 nước Đông Dương, thành lập Ủy ban kiểm soát quốc tế gồm các nước trung lập nhưng chưa đề cập tới giải pháp về mặt chính trị.
Ngày 29-5, sau các phiên họp toàn thể và cấp trưởng đoàn, Hội nghị Geneva ra quyết định: Ngừng bắn toàn diện và đồng thời đại diện hai bên gặp nhau ở Geneva để bàn về bố trí lực lượng theo thỏa thuận đình chiến, bắt đầu bằng việc phân vùng tập kết quân đội ở Việt Nam.
Nhìn chung, do lập trường giữa các đoàn có khoảng cách khá lớn, chủ yếu do lập trường hiếu chiến của các nước phương Tây, làm cho cuộc đàm phán tiến triển chậm. Đến ngày 19-6, Pierre Mendès France lên cầm quyền đã hứa với Quốc hội Pháp trong vòng một tháng sẽ giải quyết xong vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, nếu không sẽ từ chức. Đây là sự kiện quan trọng góp phần phá vỡ thế bế tắc, thúc đẩy đàm phán tiến triển.
Giai đoạn 2 (từ ngày 20-6 đến 10-7): Trong giai đoạn này, hầu hết các trưởng đoàn về nước báo cáo, chỉ có Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở lại. Các quyền trưởng đoàn tổ chức những cuộc họp hẹp và họp Tiểu ban Quân sự Việt-Pháp bàn vấn đề tập kết, chuyển quân, thả tù binh và việc đi lại giữa hai miền. Trong giai đoạn này, bên ngoài hội nghị đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, đáng chú ý là những hoạt động tiếp xúc của các trưởng đoàn, những cuộc gặp gỡ tại các thủ đô liên quan. Nhìn chung, các cuộc họp hẹp ở Geneva trong giai đoạn này không có tiến triển gì đặc biệt.
Giai đoạn 3 (từ ngày 11 đến 21-7): Trong giai đoạn này, hội nghị diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên giữa các trưởng đoàn. Các phiên họp chủ yếu đàm phán, thỏa thuận về phân chia vĩ tuyến làm ranh giới tạm thời; thông qua các văn kiện, kể cả các điều khoản thi hành hiệp định. Cuối cùng là phiên họp toàn thể bế mạc hội nghị.
Ngày 11-7, các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng đã được nối lại để giải quyết một loạt vấn đề, căng thẳng nhất vẫn là vấn đề giới tuyến. Pháp giữ lập trường vĩ tuyến 18; Việt Nam kiên quyết vĩ tuyến 16. Phải đến phiên họp chiều tối 20-7, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng mới chấp nhận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Thời hạn hai năm tổng tuyển cử cũng như các hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào, Campuchia và các vấn đề khác đều là sự giằng co giữa các bên. Ngày 21-7, các bên ra bản tuyên bố cuối cùng và kết thúc Hội nghị Geneva.
Hiệp định Geneva được ký kết đã trở thành văn bản mang tính quốc tế cho một giải pháp kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam một cách toàn diện trên các mặt: Quân sự, chính trị, xã hội, ngoại giao và pháp lý, mở ra thời kỳ mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.