Nghe tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhiều người dân ở tỉnh Cà Mau, nơi tận cùng Tổ quốc, bàng hoàng xúc động, tiếc thương.
Là người con xứ rừng U Minh Hạ, ông Nguyễn Văn Ánh (79 tuổi) cho biết ông xúc động và hụt hẫng, buồn không ngủ được suốt đêm qua khi nghe tin Tổng bí thư đã ra đi mãi mãi.
"Mới hôm kia tôi nghe thông tin bác bệnh, tôi buồn và lo cho sức khỏe của Tổng bí thư. Nay nghe thông tin bác ra đi mà lòng buồn khôn xiết. Là người con Cà Mau, chưa một lần gặp bác ngoài đời nhưng thông qua những hình ảnh trên báo đài, tôi biết đến bác là người quá phúc hậu.
Những việc làm của bác đối với dân, với nước quá sức lớn lao. Phải chi ở gần, tôi cũng đi ra đó một chuyến để có thể tiễn bác một đoạn. Ở xa quá, tôi sẽ thắp 3 nén hương lên bàn thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thêm một nén hương cho Tổng bí thư, hy vọng bác được an nghỉ", ông Ánh nói trong xúc động.
"Tôi nhớ như in cách nay 15 năm, ngày 8-12-2009, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, trong chuyến về thăm và làm việc tại Cà Mau, dù đường sá xa xôi, đi lại còn nhiều vất vả nhưng bác Nguyễn Phú Trọng đã không quản ngại khó khăn, cách trở vùng sông nước để đặt chân đến mũi Cà Mau trồng cây lưu niệm.
Tám năm sau đó, trên cương vị Tổng bí thư, ngày 20-2-2017, bác Nguyễn Phú Trọng đã đi trên đường Hồ Chí Minh về tận mũi Cà Mau, ánh mắt rạng ngời ngắm nhìn dáng hình đất nước với những tán rừng mới trồng.
Giờ đây Tổng bí thư đã ra đi, chúng tôi không có cơ hội ra miền Bắc tiễn nên lập bàn thờ để sớm hôm thờ cúng, nhang khói", đại tá Võ Hà Đô - nguyên trưởng Ban Tuyên giáo, Hội Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau - chia sẻ.
Ông Trần Hợp Nhị - chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 9, TP Cà Mau - cũng cho biết ông rất đau lòng khi nghe tin Tổng bí thư ra đi.
"Đến sáng nay dù trời mưa lớn nhưng nghe nói nhà anh Đô lập bàn thờ Tổng bí thư, tôi cũng đội mưa đến để thắp nén hương lên bàn thờ tưởng nhớ công lao của bác Nguyễn Phú Trọng đối với nước, với dân", ông Nhị bày tỏ.