TTO - Mức giá bán lẻ điện phải hài hòa được lợi ích giữa người bán và người mua, nhưng nếu điện một giá mà cao hơn 1,4-1,5 lần so với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay, cần phải làm rõ căn cứ pháp lý, minh bạch cách tính giá.
Các phương án biểu giá điện mới chưa giải quyết được bức xúc tiền điện tăng cao mùa nóng của người dân - Ảnh: N.KH.
Theo dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công thương đưa ra 2 phương án với 3 kịch bản 5 bậc thang và 2 kịch bản một giá điện.
Trong đó, một giá được đề xuất ở mức 145% và 155% so với giá bình quân, còn với các bậc thang cơ bản 4 bậc đầu là đồng nhất và chỉ điều chỉnh ở bậc cuối, tương ứng là 168% (3.123 đồng/kWh), 274% (5.109 đồng/kWh) và 185% (3.455 đồng/kWh).
Người dùng giảm hay tăng tiền?
Trả lời Tuổi Trẻ về tác động của các phương án này tới việc chi trả tiền điện của người dân, ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) - cho rằng đa số các khách hàng sử dụng dưới 600kWh, chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 - 12.800 đồng).
Chẳng hạn, nếu sử dụng 100kWh, chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng/tháng, sử dụng 400kWh sẽ được giảm khoảng 12.800 đồng/tháng và 500kWh sẽ giảm được khoảng 7.200 đồng/tháng...
Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý thêm là với riêng khách hàng sử dụng 300kWh chi phí sẽ tăng do ghép bậc (201-400kWh) là 7.100 đồng. Đối với phương án một giá điện, những người sử dụng điện ở mức cao sẽ hạn chế được tình trạng tiền điện tăng bất thường vào mùa nắng nóng.
Cụ thể, nếu khách hàng sử dụng trên 800kWh chọn phương án một giá bằng 145% giá điện bình quân và sử dụng trên 1.110kWh chọn một giá bằng 155% giá bình quân sẽ có lợi hơn.
Đánh giá tác động trong văn bản lấy ý kiến về dự thảo được Bộ Công thương đưa ra, những người sử dụng điện từ 400kWh trở lên lại đều cho biết sẽ bị tăng tiền điện. Cụ thể, với phương án 1, chỉ có khoảng 20,1 triệu khách hàng sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng và 301-400 kWh/tháng được giữ nguyên hoặc giảm đến 12.000 đồng/khách hàng/tháng.
Với khách hàng có mức sử dụng điện trong khoảng từ 201-300 kWh/tháng (3,6 triệu khách hàng), cùng các khách hàng có mức sử dụng điện từ 401 kWh/tháng trở lên (khoảng 1,71 triệu khách hàng) phải trả thêm khoảng 4.000 - 99.000 đồng/khách hàng/tháng.
Đáng chú ý là với phương án 2, biểu giá 5 bậc thang, khách hàng sử dụng từ 701kWh trở lên sẽ phải trả tiền điện nhiều hơn do mức giá bậc 5 rất cao, bằng tới 274% (5.109 đồng/kWh) và 185% (3.455 đồng/kWh) giá bán lẻ bình quân.
Câu hỏi đặt ra là tại sao cùng một đề xuất nhưng việc đánh giá tác động về việc người dân sẽ phải chi trả tăng/giảm tiền điện từ các phương án mới lại không thống nhất? Vậy thực chất với những phương án này, người dùng sẽ phải chi trả giảm đi hay nhiều hơn?
Chọn sao để không bị thiệt?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế quản lý (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng với hộ sử dụng dưới 938 kWh/tháng, nên chọn phương án 1 là có lợi nhất. Ngược lại, hộ nào dùng nhiều hơn thì chọn phương án một giá kịch bản 2A.
Trường hợp lựa chọn phương án 2, với hộ dùng 742kWh trở xuống, nên chọn biểu giá 5 bậc thang kịch bản 2A. Trường hợp chọn phương án 2B, chỉ những hộ sử dụng dưới 1.115kWh. Tuy nhiên, theo ông Bình, các phương án này đều không phù hợp và khó giải quyết được bức xúc tiền điện tăng cao vào mùa nóng.
Bởi về bản chất, các phương án bậc thang đưa ra là giá lũy tiến, càng dùng nhiều phải trả tiền cao. Trong khi đó, phương án một giá điện với 2.700 - 2.900 đồng/kWh theo ông Bình là "rất cao", nên với những hộ thu nhập thấp buộc phải chọn biểu lũy tiến.
"Nếu muốn thay đổi căn cơ về giá điện, cần sớm áp dụng biểu giá hai thành phần, bao gồm giá điện năng và giá công suất.
Tức là người dùng đăng ký công suất sử dụng và trả giá theo công suất, dùng bao nhiêu điện thì trả tiền điện theo kWh sử dụng. Việc áp dụng tính giá điện bằng giá hai thành phần cũng sẽ có tác dụng là dùng càng nhiều, giá càng thấp theo đúng quy luật thị trường" - ông Bình kiến nghị.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị nên sớm áp dụng biểu giá hai thành phần, nên Bộ Công thương cùng với ngành điện cần sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, đưa ra cơ sở điều chỉnh biểu giá mang tính khoa học.
Đó là đảm bảo doanh thu cho ngành điện, chi phí sản xuất cho mỗi kWh điện là bao nhiêu tiền, suất đầu tư tăng ra sao để làm căn cứ tính giá điện. "Thực tế mức giá mà Bộ Công thương đưa ra đang cao hơn hẳn so với các nhà khoa học đã đưa ra, nên các cân đối bị phá vỡ và là phương án không phù hợp" - một chuyên gia nói.
Ông Trần Viết Ngãi (chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN): Phải đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng Việc xác định giá bán lẻ điện phải trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa người bán và người mua, tức là giữa ngành điện và người sử dụng. Mức giá đó phải đảm bảo để cho ngành điện đủ bù đắp các chi phí sản xuất, kinh doanh, có lời nhằm tái đầu tư, vì mỗi năm nhu cầu đầu tư sản xuất nguồn điện cần từ 7-10 tỉ USD. Nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi người dùng điện. Đề xuất một giá điện được đưa ra là từ 2.703-2.890 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) nhưng với các biểu giá 5 bậc thang, có phương án ở bậc 5 được đẩy lên mức rất cao (hơn 5.000 đồng/kWh), nên với những người dùng nhiều điện (hàng nghìn kWh) sẽ lựa chọn một giá. Khi đó, mục tiêu đảm bảo lợi ích các bên, tiết kiệm năng lượng sẽ không đạt được vì người dùng nhiều điện chỉ phải trả mức thấp hơn nhiều so với bậc thang. Dù tiếp tục duy trì biểu giá bậc thang nhưng cần nới khoảng cách lũy tiến giữa các bậc, giá cao nhất cho bậc 3 không nên trên 3.000 đồng/kWh, đảm bảo mọi đối tượng... có điều kiện chi trả mà không chịu tác động quá lớn. Với người dùng ở mức trên 300kWh phải trả nhiều tiền hơn để đảm bảo sự công bằng, vừa tránh cho ngành điện không thua lỗ. Ông Ngô Đức Lâm (nguyên cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường, Bộ Công thương): Làm rõ căn cứ pháp lý tính biểu giá bán lẻ điện Theo quy định, giá bán lẻ điện bình quân là giá bán điện được xác định theo nguyên tắc tính tổng chi phí sản xuất, kinh doanh và mức lợi nhuận hợp lý. Có nghĩa là trong giá bán lẻ điện bình quân được phê duyệt đã bao gồm giá thành tất cả các khâu và lợi nhuận cho ngành điện. Vì vậy, nếu điện một giá mà cao hơn 1,4-1,5 lần so với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay, cần phải làm rõ căn cứ pháp lý. Phải chứng minh một giá đó được tính toán như thế nào, căn cứ pháp lý nào để đưa ra mức cao hơn 1,4 và 1,5 lần? Giá điện bình quân là 1.864 đồng/kWh, nhưng giá bán lẻ lên tới 2.700-2.900 đồng/kWh căn cứ vào đâu? Giá điện bình quân không phải là giá cố định mà hằng tháng, hằng năm có thay đổi. Trường hợp điện một giá ở mức đề xuất tăng như vậy phải làm rõ cơ sở làm thay đổi giá thành sản xuất, kinh doanh. Nếu không, việc đưa ra mức giá trên chỉ là chủ quan định giá chứ không phải do khách quan thị trường. |
NGỌC AN