Từ sáng sớm 25-7, trong ngày Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều người dân dù biết hôm nay chưa đến lượt viếng vẫn đến nhà tang lễ từ sớm, mang theo cả đồ ăn, thức uống, sẵn sàng đợi đến đêm để viếng Tổng Bí thư.

Có mặt tại phố Nguyễn Công Trứ (đường dẫn vào Nhà tang lễ Quốc gia) từ sớm, ông Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) cho biết, ông là sinh viên Ngữ văn khóa 1, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1959), còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sinh viên Ngữ văn khóa 8.

Các cựu sinh viên của các lớp Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vẫn gặp mặt nhau, ôn lại kỷ niệm cũ, rất vui. “Lần dự họp lớp Ngữ văn khóa 8 tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam, anh Trọng phát biểu tâm tình rằng: nhiều thập kỷ đã qua nhưng tình bạn, tình đồng đội, tình đồng chí và tình thầy trò vẫn đầm ấm, trong sáng. Đây là điều quý nhất, mỗi chúng ta đã và sẽ mang theo suốt đời”, ông Sơn kể lại. Lúc đó, ông Sơn tặng Tổng Bí thư câu thơ chữ Hán - Việt sưu tầm được: “Thế gian vạn sự giai bào ảnh /Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình”. Đại ý, trên đời này mọi (sự) việc đều là bèo bọt, ảo ảnh/nghìn kiếp qua đi, chỉ có một thứ còn lại, đó là cái tình, tình đời, tình người. Tổng Bí thư nghe xong bình luận “câu thơ hay, rất trùng hợp với suy nghĩ và phong cách sống của em”.

Từng dạy học Tổng Bí thư, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết rất buồn khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, suốt đêm không ngủ được. “Thương một người suốt đời vì nước, vì dân. Sáng nay, các cựu sinh viên lớp Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi đến đây để kính viếng, tiễn biệt anh…”, ông Sơn chia sẻ.

ông sơn.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết rất buồn khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần

Bà Diệu Diệu Ngân, phật tử ở chùa Quán Sứ (Hà Nội) 66 tuổi kể, từ 5 giờ sáng, bà và một số phật tử đã có mặt ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để dự nghi lễ treo cờ rủ. “Chúng tôi ra sớm để dự lễ chào cờ, tưởng nhớ đến Bác Hồ, bác Giáp rồi lại ra đây để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 3 con người mà nhân dân nhất mực yêu kính”, bà Ngân chia sẻ.

n.jpg
Cô Diệu Diệu Ngân, phật tử ở chùa Quán Sứ (Hà Nội)

Ông Nguyễn Kim Trạch, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam), hiện trú tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), đến Nhà tang lễ Quốc gia từ 6 giờ sáng để cùng các bạn học đại học vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Chúng tôi theo dõi sức khỏe anh Trọng thường xuyên, bạn bè thường hỏi nhau về tình hình của anh. Tôi rất tiếc là cách đây vài năm, ban liên lạc lớp có kế hoạch tổ chức một chuyến về khu sơ tán Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi chúng tôi học 2-3 năm vào những năm kháng chiến khốc liệt nhất. Anh Trọng đã hứa sẽ tham gia nhưng rồi vì công việc và sức khỏe chưa cho phép, chúng tôi chưa thực hiện được", ông Trạch chia sẻ.

Theo ông Trạch, trước đó, Tổng Bí thư đã có lần cùng các bạn trong lớp trở lại khu sơ tán và tặng bà con nơi đó 1 chiếc tivi. "Anh Trọng nói rõ, đây là quà cá nhân của anh. Nếu tổ chức thêm được một lần như vậy, anh được trở về chốn xưa ôn lại những kỷ niệm cùng bạn bè thì "ý nghĩa biết mấy". Nghe tin anh từ trần, chúng tôi rất đau buồn, thương tiếc. Hôm nay, ban liên lạc lớp đã đăng ký để các bạn học vào viếng. Chúng tôi đến đây từ sớm để được nhìn anh lần cuối và tiễn anh”, ông Trạch bày tỏ.

treachj.jpg
Ông Nguyễn Kim Trạch

Chia sẻ những kỷ niệm thời cùng học tại Khoa Ngữ Văn, ông Trạch cho biết học cùng tổ nên rất hiểu cách học, cách suy nghĩ của Tổng Bí thư. "Anh em chúng tôi cũng đọc và hiểu giáo trình nhưng anh Trọng thì có cách học đặc biệt hơn. Anh đi tìm tác phẩm gốc đã trích dẫn các câu nói đó. Anh đọc bộ Tư bản của Các Mác rất dày trên thư viện. Rất hiếm sinh viên làm được như vậy!", ông Trạch cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hòa cũng là bạn học cùng lớp Ngữ văn khóa 8 Đại học Tổng hợp Hà Nội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại rất nhiều kỷ niệm trong lòng bạn bè. "Ấn tượng nhất trong tôi là lúc nào anh cũng chỉn chu trong công việc và học tập, hoàn thành xuất sắc tất cả mọi công việc được giao như lớp phó phụ trách lao động, đời sống, học tập, bí thư chi đoàn. Khi đi sơ tán ở Đại Từ (Thái Nguyên), anh đã năng nổ cùng các bạn xây dựng cơ sở phục vụ học tập và sinh hoạt cho lớp. Khi ở cương vị người lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước, anh vẫn là người chân tình, thân thiết, khiêm nhường. Khi đi họp lớp, anh vẫn là người bạn hòa đồng và anh luôn nói, khi chúng ta gặp nhau ở đây hãy bỏ hết các chức danh ở ngoài cửa, để chúng ta là những người bạn như ngày còn đi học", bà Hòa xúc động nói.

hòa.jpg
Bà Nguyễn Thị Hòa, bạn học cùng lớp Ngữ văn khóa 8 Đại học Tổng hợp Hà Nội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhiều bạn trẻ đến từ Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng… cũng có mặt từ sớm, bày tỏ những tình cảm sâu sắc đối với Tổng Bí thư, một con người cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho dân.

Sáng 25-7, quanh hồ Thiền Quang (Hà Nội) - kế bên ngôi nhà công vụ của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều người già ngồi bên nhau và chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ, tình cảm đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Đinh Xuân Lợi, năm nay 80 tuổi, công tác ở Tổng cục 2 nay đã nghỉ hưu, nhà ở số 59 Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội, chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo, một lão thành cách mạng sống rất giản dị, luôn gần gũi, được toàn dân yêu mến. Bác đã làm thay đổi bộ mặt của đất nước, đồng thời đã làm trong sạch đội ngũ của Đảng, giúp cho nhân dân ngày càng tin tưởng Đảng.

Sáng nay, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội (quê hương Tổng Bí thư) được tổ chức trang trọng. Trước giờ viếng của ban tổ chức, người dân, hàng xóm gia đình Tổng Bí thư đã tranh thủ vào viếng từ sáng.

người dân thôn Lại Đà vào viếng TBT.jpg
Người dân thôn Lại Đà vào viếng Tổng Bí thư

Cách cổng làng Lại Đà khoảng hơn 1km, ban tổ chức đã bố trí xe điện để chở người già, trẻ em, người tàn tật có thể di chuyển vào hội trường thôn Lại Đà thắp nén hương thơm viếng Tổng Bí thư.

Phía sau cổng làng Lại Đà, ban tổ chức bố trí màn hình lớn truyền trực tiếp từ hội trường thôn để các tầng lớp nhân dân theo dõi.

Lớp bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trường Nguyễn Gia Thiều. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Lớp bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trường Nguyễn Gia Thiều. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Từ sáng sớm, dòng người xếp hàng kiểm tra an ninh để vào nhà văn hóa thôn mỗi lúc một đông. Hòa trong dòng người, bà Vương Thị Nhị, 80 tuổi, là bạn học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động kể: “Chúng tôi lớn lên cùng trang lứa với anh Nguyễn Phú Trọng. Nhà tôi ở xóm 4 thì anh Trọng ở xóm 1. Thời nhỏ, chúng tôi học cùng nhau năm lớp 4, lớn lên học cùng cấp 2. Khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần thì tất cả bạn bè đều thương tiếc, tôi mặc dù trong nội thành nhưng hôm nay muốn trở về quê hương để viếng bạn, thật sự rất xúc động", bà Nhị cho biết.

Di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Sáng nay, ông Vương Khắc Duy, bạn học cùng Trường Nguyễn Gia Thiều với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng các bạn đến nhà văn hóa thôn để viếng người bạn hiền lành, chân thành. Ông Duy kể: "Tôi nhớ vừa rồi, tình cờ tôi về thắp hương cho ông bà, có gặp anh Nguyễn Phú Trọng cũng về quê. Tôi có qua nhà anh ấy, tôi thấy anh Trọng đứng với 4-5 anh em chuyện trò. Tôi chạy đến ôm chầm lấy anh Trọng, anh Trọng kém tôi 5 tuổi, gặp nhau, hai anh em mừng mừng, tủi tủi vì lâu ngày chưa gặp. Trước kia học cùng nhau thì tôi làm lớp trưởng. Những năm còn nhỏ, chúng tôi để tóc chỏm, mặc áo nâu, chân trần đi học. Tình cảm anh em chúng tôi là như thế”.

Các tầng lớp nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Các tầng lớp nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Lan ở Hội phụ nữ thôn Lại Đà, thành viên ban phục vụ lễ tang tại quê nhà của Tổng Bí thư xúc động cho biết, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự mất mát rất lớn lao của đất nước ta, dân tộc ta và Đảng ta. Thật tự hào khi quê hương Lại Đà có người con ưu tú như ông. "Nhân dân trong xã, trong thôn chúng tôi, ai cũng kính trọng, mến yêu, tự hào về Tổng Bí thư. Những đóng góp của Tổng Bí thư với đất nước là vô cùng to lớn. Ông không chỉ là một người cộng sản chân chính, một người lãnh đạo rất gần gũi tình cảm với bà con nhân dân mà còn là một vị lãnh đạo rất quyết liệt trong công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng", bà Lan chia sẻ.

bà Lam.jpg
Bà Nguyễn Thị Lan

Cũng có mặt từ rất sớm để tham gia phục vụ tại tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Lại Đà, bạn trẻ Chu Nguyễn Uyên Thương (sinh viên năm thứ 3, Học viện Hành chính Quốc gia) cho biết đến Lại Đà từ lúc 5 giờ sáng, thấy mọi người đã xếp hàng rất đông để vào viếng Tổng Bí thư.

thương.jpg
Bạn Chu Nguyễn Uyên Thương

"Em vô cùng xúc động về tình cảm mà bà con địa phương và nhân dân khắp nơi dành cho Tổng Bí thư. Chúng em sẽ phải cố gắng thật nhiều hơn nữa trong học tập và cuộc sống để làm sao xứng đáng được với những công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Thương cho biết.

Hiện nay, người dân thập phương đang tiếp tục đổ về thôn Lại Đà, xã Đông Hội để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.