Talkshow "Vị Việt trong phim Việt" diễn ra sáng 28-7 tại TP.HCM. Diễn giả là nhà báo Dương Thành Truyền, tác giả nhiều đầu sách và mới nhất là cuốn Tình ca tiếng nước ta (Nhà xuất bản Trẻ ấn hành).
Bàn về vấn đề lời thoại phim Việt, nhà báo Dương Thành Truyền trao đổi quan điểm cùng nhiều biên kịch, khán giả trẻ.
Quanh chuyện chửi thề trong phim Việt
Theo MC chương trình, nhiều biên kịch Việt than khi viết thoại phải đi giữa lằn ranh của ngôn ngữ "đời" và ngôn ngữ có thể qua cửa thẩm định để ra rạp. Họ thấy bị bó chặt, không được bung tỏa.
Một biên kịch trẻ lấy ví dụ anh từng viết kịch bản phim về giang hồ, nhân vật có chửi thề. Nhưng khi lên phim thì những câu thoại "dữ" bị cắt hết, thành ra phim như phim... đam mỹ, anh em giang hồ mà nói chuyện rất tình cảm.
Gần đây việc chửi thề trong phim không bị hạn chế như trước. Các bộ phim điện ảnh, truyền hình Việt Nam sử dụng nhiều câu chửi để thể hiện tính cách, sự phẫn nộ của nhân vật...
Những câu thoại này ít nhiều tạo nên sự bàn luận và cả tranh cãi gay gắt từ khán giả. Được chú ý nhất có lẽ là các phim chiếu rạp ăn khách có nhân vật chính là người dân lao động của đạo diễn Trấn Thành. Hầu như phim nào cũng có nhân vật chửi bới, chửi thề...
Nhà báo Dương Thành Truyền nêu quan điểm: "Chửi thề cũng được, nhưng chửi quá nhiều thì không nên. Nhân vật giang hồ cũng không thể chửi thề suốt cả phim".
Ông khuyên các biên kịch điều đầu tiên là phải hiểu văn hóa Việt. Ở Mỹ, người dân có thể chỉ trích tổng thống nhưng ở Thái Lan, xúc phạm hoàng gia có thể là tội hình sự.
Chửi thề trong hoàn cảnh nào đó là hợp lý, nhưng không phải phương tiện duy nhất để bộc lộ.
Ông lấy ví dụ Truyện Kiều là truyện về lầu xanh, đủ thứ dục vọng đê hèn.
Nhưng Nguyễn Du hay ở chỗ vượt qua hết, chứ Nguyễn Du mà cho Thúy Kiều chửi thề suốt ngày thì sẽ ra sao? Mã Giám Sinh, Tú Bà nữa.
Khi đủ tài, họ có thể trình bày những vấn đề gai góc nhất, nhạy cảm nhất, vì họ thực sự am hiểu nhân vật của mình và bối cảnh mà xung đột đang diễn ra.
Vì sao khán giả vẫn khó chịu với thoại phim Việt?
Từ hàng ghế khán giả, một bạn trẻ làm nghề huấn luyện giọng nói cho diễn viên lấy ví dụ về phim Tro tàn rực rỡ.
Khi nghe một nhân vật người miền Tây "rặt" trong phim nói những câu thoại có từ miền Bắc, chẳng hạn nói "đi ra đấy" trong khi người miền Tây sẽ nói "đi ra đó", "đi ra ngoải"..., khán giả này cảm thấy không thể nuốt trôi sạn.
Nhà báo Dương Thành Truyền lý giải vì sao khán giả còn khó chịu với thoại và giọng nói của diễn viên trong phim Việt: vì họ thấy nhân vật không phải như vậy.
Nhân vật là người thế nào, nghĩ thế nào thì phải nói như thế đó. Nhân vật không phải đối tượng để đạo diễn hay biên kịch ném vào một mớ ý đồ rao giảng. Nhân vật không thể nói theo phát âm của diễn viên mà hoàn toàn xa lạ với bản chất nhân vật đó.
Một bạn trẻ khác dẫn chứng lời thoại trong hai bộ phim Lật mặt 7: Một điều ước (Việt Nam) và Gia tài của ngoại (Thái Lan).
Trong nhóm bạn của bạn, có ý kiến cho rằng Lật mặt 7 có lời thoại khá kịch, bà mẹ cảm ơn con cháu khá nhiều cũng như luôn nói chuyện rất lịch sự. Còn bà ngoại trong Gia tài của ngoại ăn nói cộc cằn, hay mắng mỏ nhưng thực chất rất yêu thương con cháu.
Ý kiến này nhận xét thoại Gia tài của ngoại đời thường và gần gũi hơn vì giống các bà ngoại ngoài đời. Nhưng bạn khán giả vẫn băn khoăn về nhận xét này.
Nhà báo Dương Thành Truyền nhận định vấn đề là sự phù hợp. Lời thoại của nhân vật phải phù hợp với tính cách, bối cảnh, ánh mắt, biểu cảm... nhân vật. Khán giả phải tin rằng nhân vật thực sự nghĩ như vậy và nói ra.