Ngày 3-8, Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội (gọi tắt là Hội đồng) tổ chức phiên họp thứ 5, để đánh giá kết quả 1 năm thực hiện nghị quyết và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
z5694427015298_5ea4f93627d12265e1b6796b483722e8.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhiều chính sách đi vào cuộc sống

Qua 1 năm thực hiện Nghị quyết 98, TPHCM đã đạt được một số kết quả nổi bật. Trong đó có các kết quả thông qua cơ chế phân cấp, phân quyền trong 5 lĩnh vực gồm: quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; tổ chức bộ máy của chính quyền; quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

TPHCM đã phân cấp một số nội dung giúp công việc vận hành nhanh hơn so với trước đây. Tuy nhiên Hội đồng đánh giá, đây mới chỉ là giai đoạn thí điểm; việc rút ngắn quy trình, tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế mới mang lại kết quả bước đầu và cần thời gian vận hành thông suốt, hiệu quả hơn.

z5694427127136_9165fc1d31862ad99b6b812586836be5.jpg
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong lĩnh vực quản lý đầu tư, chính sách đầu tiên đi vào cuộc sống là bố trí vốn đầu tư công cho chương trình giảm nghèo. Năm 2023, TPHCM đã giải ngân 2.796 tỷ đồng; năm 2024, giải ngân 998 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo. Tổng cộng có gần 52.000 lượt khách hàng vay vốn. Bên cạnh đó, thành phố đã bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC (Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội.

TPHCM cũng đã quy định hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ; mức chi thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể được bố trí với mức chi tối đa là 3 triệu đồng/biên chế có mặt/tháng. UBND TPHCM đánh giá việc bổ sung đối tượng được hưởng chính sách tăng thu nhập đã tạo động lực to lớn hơn nữa đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của thành phố.

Giải bài toán phát triển hạ tầng

Tại phiên họp, các chuyên gia tập trung thảo luận, phân tích kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách mới trong thời gian qua và bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

z5694427157815_252ab563830a594cf956496aef6c5fbb.jpg
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trương Minh Huy Vũ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo các chuyên gia, dù TPHCM đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách chưa được khai thác hoặc triển khai chậm. Trong đó, có những chính sách như cơ chế phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD), đầu tư các dự án VH-TT theo phương thức đối tác công – tư (PPP) và kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội đô theo hợp đồng BT, BOT.

Phân tích nguyên nhân các dự án BT, BOT lĩnh vực giao thông ở TPHCM chưa thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, TS Vũ Anh Tuấn (thành viên Hội đồng) nhận định do việc phân chia rủi ro giữa nhà đầu tư và chính quyền chưa rõ ràng nên nhà đầu tư còn e ngại.

Do đó, chuyên gia kiến nghị cần có cơ chế phân chia rủi ro, cùng với đó là phát triển mạng lưới giao thông trên cao để tách giao thông đường dài khỏi giao thông đô thị. “Khoảng cách giữa các quận, huyện của TPHCM là khá xa, nhu cầu giao thông rất lớn, người dân sẵn sàng trả phí để lưu thông trên những tuyến đường trên cao để tránh kẹt xe”, TS Vũ Anh Tuấn phân tích và đề nghị TPHCM cần đẩy nhanh phát triển giao thông trên cao.

z5694495165305_1dec8a22606c19609532df54e93bef42.jpg
TS Vũ Anh Tuấn thảo luận tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Võ Trí Hảo (thành viên Hội đồng) đánh giá sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 98, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn những cơ chế, chính sách chưa đi vào cuộc sống, cần có chính sách vượt trội để thu hút nhà đầu tư, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đối với cơ chế phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD), TS Võ Trí Hảo cho rằng nếu thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng như trước đây thì khó đạt được tiến độ. Bởi chi trả đền bù hoàn toàn bằng tiền mặt trong thời điểm thu hồi mặt bằng chưa hẳn người dân đã đồng thuận bởi tỷ lệ lạm phát, trượt giá. Vì vậy, để tạo sự đồng thuận, chuyên gia kiến nghị nên áp dụng cơ chế như cổ phần hóa, cần chi trả bằng tiền mặt kèm lợi ích khi giá bất động sản thay đổi theo thời gian. Như vậy khả năng người dân đồng thuận sẽ cao hơn.

z5694674827050_7ff1159fe2d43fecb064816e9cc33470.jpg
GS-TS Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Góp ý thêm về phát triển TOD, KTS Ngô Viết Nam Sơn (thành viên Hội đồng) nhấn mạnh cần phải đổi mới về tư duy, cách tổ chức thực hiện và đổi mới về pháp lý. Phân tích kỹ hơn, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, điều cốt lõi là cần tính toán cân bằng lợi ích cho tất cả những người liên quan về vấn đề tài chính, nhất là trong khâu thu hồi mặt bằng. Đồng thời, phải tạo được nguồn thu tạo thêm cho ngân sách, không phụ thuộc vào Trung ương mà thành phố phải tự chủ thông qua việc khai thác quỹ đất.

Về tổ chức, dưới sự lãnh đạo của UBND TPHCM, tất cả các sở ngành phải được phân công nhiệm vụ, trách nhiệm, thời gian rõ ràng để hoàn thành từng công việc. Còn về pháp lý cũng cần nghiên cứu đề xuất cơ chế rõ ràng hơn, chẳng hạn việc đấu giá thu hồi đất như thế nào đến nay vẫn chưa rõ ràng.

z5694427025822_8fe6f3fd96a5b1eeaddcac902c375426.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan kết luận phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị Hội đồng tiếp tục nghiên cứu sâu, tư vấn cho TPHCM các giải pháp cụ thể thực hiện các nội dung mới, khó trong Nghị quyết 98 như: phát triển TOD, phát triển thị trường carbon, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, thực hiện các dự án BOT nội đô…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhận định trong lĩnh vực quản lý đầu tư, Nghị quyết 98 đặt ra mục tiêu xã hội hóa trong huy động nguồn lực, nhưng thực tế quá trình triển khai đến nay chưa thu hút được nhà đầu tư tham gia các dự án. Đồng chí đề nghị cần tìm phương án tối ưu. Như phát triển TOD, cần thực hiện song song giữa phát triển giao thông công cộng với phát triển đô thị. Đồng chí yêu cầu Sở GTVT, Sở QH-KT tham mưu UBND TPHCM đề án phát triển TOD và các trọng tâm, giải pháp, thứ tự triển khai.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Hội đồng, các sở, ban, ngành thành phố tiếp tục nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư các dự án PPP trong lĩnh vực VH-TT; thu hút nhà đầu tư chiến lược. Cùng với đó là các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, quản lý đô thị và tài nguyên…

Theo Hội đồng, từ thực hiện Nghị quyết 98 TPHCM đang tạo ra khung pháp lý để xây dựng nền công vụ địa phương hiệu quả hiệu lực và dư địa chính sách huy động nguồn lực để phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Kết quả đã đạt được sau 1 năm đã mở ra triển vọng giải quyết 2 điểm nghẽn cố hữu là thể chế và hạ tầng đô thị đối với TPHCM.

Hội đồng đề nghị Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 TPHCM quan tâm tiếp tục rà soát văn bản, quy định khi vận hành theo Nghị quyết 98 còn vướng quy trình thủ tục. Cần tích hợp Nghị định 84 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM (Nghị định 84) theo từng vấn đề, lĩnh vực thành “cẩm nang hướng dẫn” để các sở ngành tham khảo, tham chiếu quy trình, làm kim chỉ nam thực hiện, nhất là các lĩnh vực xây dựng, thu hút đầu tư, tài nguyên, môi trường, huy động vốn....

Đồng thời, tiếp tục có những xử lý theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị về xử lý các tồn đọng kéo dài thời gian qua. Vận dụng Nghị quyết 98 để giải quyết dứt điểm những dự án, vấn đề tồn đọng nhiều năm, kể cả đang vướng về pháp lý.

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng đề xuất chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh áp thuế tối thiểu toàn cầu (nghiên cứu các chính sách ưu đãi thay thuế tối thiểu). Ví dụ như trong xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, gắn với việc xây dựng cầu Bình Khánh, xây dựng khu phi thuế quan (FTA).

Ngoài ra cần gắn Nghị quyết 98 với hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô và vị trí vai trò của thành phố; gắn với việc tổ chức các đô thị trực thuộc thành phố trong quá trình đô thị hóa 5 huyện ngoại thành hiện nay.