'Người dành cả cuộc đời cho cây lúa, hạt gạo Việt Nam...'
Ngày 20.8, tại Câu lạc bộ hưu trí TP.Cần Thơ (P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều), rất đông người dân, học trò, nông dân đã có mặt để thắp hương tiễn biệt GS-TS Võ Tòng Xuân, một người thầy, nhà khoa học lỗi lạc, suốt đời cống hiến cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Theo ghi nhận PV Thanh Niên, từ sớm, lãnh đạo TP.Cần Thơ, tỉnh An Giang và Trường ĐH Cần Thơ đến viếng GS-TS Võ Tòng Xuân. Đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Cần Thơ do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu dẫn đoàn.
Cùng ngày, đoàn Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Hoàng Trung và lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Viện Lúa ĐBSCL đến viếng GS-TS Võ Tòng Xuân. Thay mặt Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Hoàng Trung ghi sổ tang: "GS Võ Tòng Xuân, người thầy và là nhà khoa học lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam, đã có nhiều đóng góp lớn và cống hiến trọn đời cho ngành nông nghiệp nước nhà".
'Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại, tự cao là thất bại, nhẫn nại là thành công'
Đặc biệt, hay tin GS-TS Võ Tòng Xuân qua đời, rất đông người dân, cán bộ, trí thức, sinh viên và nông dân đã có mặt sớm để viếng, bày tỏ lòng thương tiếc ông.
Túc trực bên linh cữu GS-TS Võ Tòng Xuân từ tối 19.8, ông Ngô Minh Giàu (61 tuổi), Giám đốc HTX nông nghiệp Năm Giàu (ấp Mỹ Lợi, xã Nhơn Mỹ, H.Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết, ông biết đến GS Xuân từ năm 2015 tại một hội thảo tổ chức ở xã Phong Hòa (H.Lai Vung, Đồng Tháp). Lúc đó, ông Giàu mới trồng thanh nhãn, đem trái nhãn giới thiệu tại hội thảo.
Năm 2016, GS Xuân tới nông trường tìm ông, rồi từ đó kết nối, quý mến nhau. Đến năm 2021, ông được GS Xuân hỗ trợ thành lập HTX. Nhờ đó, giúp ông và bà con nông dân nơi đây ngày một tốt hơn, diện tích trồng thanh nhãn cũng mở rộng hơn 12 ha.
"Tôi còn nhớ, khi đó ở hội thảo, có người đem thanh nhãn của tôi trồng đến mời thầy ăn. Thầy ăn xong nói ngon quá, thầy mới hỏi nhãn này của ai trồng thì họ cho số điện thoại của tôi. Khoảng 1 năm sau, thầy tìm đến tận vườn tìm tôi xem mô hình và kết nối hỗ trợ. Sau này, thầy đi nhiều điểm cũng rủ tôi đi theo để kết nối, mở rộng kết nối với những HTX khác. Nhờ những chuyến đi đó, đã hỗ trợ cho bà con địa phương từ cây giống, kỹ thuật giúp bà con ở địa phương có thu nhập tốt", ông Giàu kể, rồi bộc bạch: "Tôi nhớ như in lời thầy Xuân từng nói, cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại, tự cao là thất bại, nhẫn nại là thành công. Đó là 4 câu mà thầy nói với tôi, là kim chỉ nam để tôi làm nông nghiệp, tôi luôn khắc cốt ghi tâm".
Đối với ông Giàu, ấn tượng về GS Xuân trước hết là tấm lòng bao dung, rộng rãi, gần gũi luôn hết lòng, tận tụy với mọi người. Ông Giàu kể, cuối năm 2022, khi GS Xuân lâm bệnh nặng, ông dự định đi thăm nhưng bản thân ông lại đột ngột đổ bệnh. Đến khi GS-TS Võ Tòng Xuân xuất viện, về nhà, ông Giàu cũng hồi phục rồi tranh thủ đến tận nhà GS Xuân thăm ông. Gặp nhau trong tình cảnh đó, ai cũng xúc động, nghẹn ngào.
Một số hình ảnh cán bộ, đại diện các cơ quan, học trò và đông đảo người dân đến viếng GS-TS Võ Tòng Xuân:
GS-TS Võ Tòng Xuân sinh ra tại TP.Châu Đốc, An Giang; là giáo sư nông học từ năm 1981. Ông từng giữ các chức vụ: Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ; Đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX; Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội; thành viên Nhóm tư vấn của Thủ tướng (1993 - 1996); Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo; Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ…
GS-TS Võ Tòng Xuân được nhận nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Lao động hạng ba…; nhiều giải thưởng quốc tế như Huy chương "Hiệp sĩ nông nghiệp" của Pháp (1996); Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về "Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới"; huân chương Mặt trời mọc của Nhật Bản… Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng đặc biệt VinFuture (2023).