Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia đề nghị như vậy khi cho rằng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) đối với người nộp thuế và người phụ thuộc đã quá lạc hậu so với chi phí sinh hoạt hiện nay của người dân, nhất là tại các đô thị lớn.
Mức giảm trừ gia cảnh chỉ dựa trên lạm phát là chưa hợp lý
Ngoài ra, việc điều chỉnh mức GTGC nên được xem xét thực hiện 2 năm một lần, thay vì chỉ xét mức độ bào mòn của lạm phát với thu nhập mà chưa quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người nộp thuế.
* ĐB Tạ Văn Hạ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):
Phải tăng ít nhất 50% mới phù hợp
Mức GTGC áp dụng từ năm 2020 chỉ phù hợp với mức lương cơ sở, tối thiểu vùng, chỉ số giá tiêu dùng của thời điểm đó.
Từ 1-7-2024, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh tăng 30% mức lương cơ sở, từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng.
Do đó, nếu không điều chỉnh mức GTGC là không hợp lý, ảnh hưởng tới đời sống của những người làm công ăn lương nằm trong diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Như tôi đã từng phân tích, cùng với việc tăng lương cơ sở, các cơ quan chức năng cần xem xét điều chỉnh mức GTGC.
Trong đó, mức lương cơ sở tăng 30%, ít nhất mức GTGC cũng cần điều chỉnh tăng lên 30%.
Trong bối cảnh nhiều chi phí sinh hoạt hằng ngày tăng lên cao, nhất là ở các thành phố lớn, thực tế cho thấy mức GTGC, trong đó có mức GTGC với người phụ thuộc quá thấp.
Do vậy, cần nên nghiên cứu điều chỉnh cộng thêm 20% để phù hợp với thực tế tiêu dùng, giá cả hàng hóa. Như vậy, mức GTGC cần điều chỉnh tăng lên 50% mới hợp lý, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
* PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế):
Nên xem xét 2 năm điều chỉnh lại một lần
Mức GTGC đang rất thấp so với mức chi tiêu bình quân của các gia đình ở Hà Nội, TP.HCM cũng như các thành phố lớn khác của cả nước.
Vì vậy đã đến lúc cần phải sửa đổi Luật Thuế TNCN, trong đó có mức GTGC.
Thời gian qua, từ việc mức GTGC thấp đến điều chỉnh thuế, chúng ta chỉ điều chỉnh dựa trên một tiêu chí là lạm phát.
Khi nào CPI vượt quá 20%, các cơ quan chức năng mới đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh sửa thuế này.
Như vậy, chúng ta chỉ xét mức độ bào mòn của lạm phát với thu nhập đến đâu chứ chưa tính đến chất lượng cuộc sống ngày càng cần được cải thiện. Điều này là không ổn.
Hơn nữa, việc lấy lạm phát của năm nay cộng với năm sau để dần dần tích lũy thành 20% cũng chưa hợp lý. Bởi mức lạm phát của năm nay dựa trên mặt bằng giá cả năm nay.
Và mức lạm phát trong năm sau lại dựa trên mức giá cả sang năm. Như vậy, việc cộng các mức lạm phát là không đồng mẫu số, không khoa học.
Ngoài ra, xét mức GTGC phải dựa trên thu nhập bình quân đầu người, chi tiêu bình quân, các yếu tố về an sinh xã hội cũng như các vấn đề khác có liên quan.
Trong thực tế, nhiều quốc gia cho phép làm chủ những khoản chi tiêu mà người đó đã sử dụng trong thực tế. Nếu như bất chợt người ta ốm đau, bệnh tật phải trừ cho người ta.
Hay người ta có con ốm mẹ đau, phải mua thuốc cũng phải tính. Cả chuyện học hành, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cũng được trừ.
Nhiều quốc gia thậm chí còn trừ cả tiền người đó đầu tư vào sản xuất kinh doanh...
Do vậy, cần sớm nghiên cứu điều chỉnh mức GTGC và không cần quy định ngưỡng CPI biến động trên 20% mà có thể đặt ra 2 năm xem xét, điều chỉnh lại một lần.
* ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương):
Nên đề xuất Quốc hội xem xét ngay ở kỳ họp thứ 8
Tôi đã từng nêu ý kiến đề xuất sớm điều chỉnh tăng mức GTGC cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc, bởi mức GTGC áp dụng từ năm 2020 tới nay không còn phù hợp.
Thực tế, mức GTGC áp dụng từ năm 2020 chỉ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, mức lương cơ sở, tối thiểu vùng, chỉ số giá tiêu dùng, thu nhập của thời điểm đó trong khi mức lương cơ sở đã tăng trong 4 năm qua.
Đặc biệt, từ 1-7-2024, mức lương cơ sở đã tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng và lương tối thiểu vùng cũng được điều chỉnh tăng.
Cùng với đó, rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian qua đều tăng giá, thậm chí có hàng hóa, dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập của người dân...
Do vậy, đến thời điểm hiện nay, khi GDP tăng, mức sống tăng, giá cả tăng... phải điều chỉnh mức GTGC là hoàn toàn phù hợp, cần sớm thực hiện để sát thực tế.
Ngoài ra, cần nghiên cứu quy định mức GTGC điều chỉnh phù hợp với mức lạm phát. Nếu không điều chỉnh hằng năm, có thể 2-3 năm điều chỉnh/lần.
Đồng thời, nên nghiên cứu để đưa tỉ lệ tăng mức trần hằng năm, ví dụ không quá 4% thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết hằng năm chứ không phải cứ đến lúc cần Chính phủ lại phải xin ý kiến. Như vậy mọi việc sẽ linh hoạt, phù hợp hơn.
Trong lúc nghiên cứu để có giải pháp tổng thể sửa Luật Thuế TNCN, ngay ở kỳ họp thứ 8 vào tháng 10, các cơ quan chức năng của Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội xem xét quyết định, cho điều chỉnh ngay mức GTGC.
Cần xem xét điều chỉnh sớm chứ không thể để mức GTGC lạc hậu như thế này đến năm 2025, ảnh hưởng lớn tới đời sống của người phải nộp thuế.
* ĐB Hoàng Văn Cường (ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách):
Mức giảm trừ không đủ trang trải cuộc sống
Thu nhập bình quân đầu người cả nước năm 2023 là hơn 4,96 triệu đồng/người/tháng nhưng mức tiêu dùng ở mỗi vùng là khác nhau.
Giữa các đô thị lớn với vùng sâu, vùng xa hoàn toàn khác nhau.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của COVID-19 nên những hoạt động về giá cả phải kìm lại không tăng lên như y tế, giáo dục, điện…
Nhưng đến nay đã phải điều chỉnh để đảm bảo hoạt động bình thường của xã hội.
Thêm vào đó, nếu như ở khu vực thành phố, chỉ với một đứa con đi học thôi, mức giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng là không đủ trang trải cho đứa trẻ đó. Vì thế, cần phải sớm xem xét điều chỉnh lại mức GTGC.
Hơn nữa, từ 1-7 vừa qua, mức lương cơ sở cho người lao động trong khu vực công đã được điều chỉnh tăng thêm 30%, đương nhiên thu nhập của nhiều người tăng lên, mức chi tiêu cũng phải tăng theo.
Nhưng phần thu nhập tăng lên đó sẽ phải chịu thuế TNCN, vô hình trung việc tăng lương sẽ giảm ý nghĩa.