Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”, và Người coi “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”.

Mặt trận văn hóa nghệ thuật

Mặt trận văn hóa nghệ thuật (VHNT) thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình theo phương thức riêng và đặc thù. Nó phải đáp ứng tốt nhất các nhu cầu nhân đạo hóa bản chất con người, giải phóng khả năng sáng tạo của con người và nâng cao giá trị tinh thần của con người về phía cái đúng, cái tốt và cái đẹp.

Mặt trận VHNT phải liên hệ với các chuyển động sôi sục ngoài đời sống, phải “cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế, mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy…

C6A.jpg
Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Coi VHNT là một mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý trước hết đến chủ thể đặc thù của mặt trận, đó là nghệ sĩ. Trong tư tưởng của Người, để thống nhất với việc hình thành con người mới, mặt trận nghệ thuật phải làm xuất hiện người nghệ sĩ kiểu mới.

Theo Bác, nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, người có lập trường vững, tư tưởng đúng, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết. Cùng hướng tới giá trị nhân văn cao cả của con người là cơ sở của mối quan hệ thống nhất rất cân bằng giữa nhân dân và nghệ sĩ, giữa tự do sáng tác với tự do của dân tộc.

Bác coi trọng xây dựng con người Việt Nam mới có sự phát triển song hành cả đạo đức lẫn tài năng. Ngay trong kháng chiến chống Pháp, Người đã chỉ thị cho Bộ Văn hóa mở các trường năng khiếu. Bác coi nghệ thuật là biểu hiện tập trung của các quan hệ thẩm mỹ giữa hiện thực cuộc sống và tâm hồn nghệ sĩ, coi các giá trị nghệ thuật là mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Các tác phẩm nghệ thuật phải: “Miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn những người, những việc ấy, bằng văn, bằng thơ, bằng vẽ và bằng các nghệ thuật khác…” (trong diễn văn bế mạc Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III của Bác Hồ, ngày 6-5-1962).

Một tác phẩm văn chương không phải cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy diễn đạt vừa đủ những điều đang nói, khi được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và xem là tác phẩm hay. Bác chỉ rõ: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và tươi vui. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích” (Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa văn nghệ, NXB Sự thật, Hà Nội, 1971).

Tư tưởng người nghệ sĩ

Cũng như văn hóa có cơ tầng dân tộc và tộc người, nghệ thuật biểu hiện tập trung của văn hóa phải mang đặc tính dân tộc. Theo Người, mỗi dân tộc phải chăm lo đặc tính dân tộc của mình trong nghệ thuật. Song, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có một chủ nghĩa dân tộc thuần túy trong nghệ thuật. Do tiếp biến, giao lưu văn hóa, mà nghệ thuật của mỗi dân tộc có nhiều thay đổi và mở rộng quan hệ với nghệ thuật thế giới, tuy nhiên, tiếp thu nhưng không bắt chước và không thể lấy nghệ thuật của dân tộc khác.

Với Bác, trong vấn đề tư tưởng nghệ thuật, tư tưởng quan trọng nhất là viết cho ai, viết cái gì, và viết để làm gì? Và câu trả lời dứt khoát: Nghệ thuật chân chính cốt để phục vụ nhân dân. Đó là mục đích của nghệ thuật cách mạng. Nhân dân là ổ ấp các tài năng nghệ thuật, là công chúng nghệ thuật và là nhân vật của nghệ thuật.

Từ lâu, trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam đã có hai dòng văn học nghệ thuật, dân gian và bác học. Tính nhân dân của nghệ thuật không phải chỉ ở trong nghệ thuật dân gian mà cả trong nghệ thuật bác học. Nghệ thuật nào phản ánh sâu sắc chân thật khát vọng của hàng triệu con người đang sáng tạo lịch sử thì nghệ thuật đó mang tính nhân dân sâu rộng.

Nét đặc sắc trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đối với Bác, độc lập là không lệ thuộc, phụ thuộc, bắt chước. Tự chủ là tự mình làm chủ suy nghĩ của mình, làm chủ bản thân và công việc, tự mình thấy trách nhiệm trước đất nước và dân tộc.

Sáng tạo là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ đã không còn phù hợp, tìm tòi, đề xuất những cái mới có thể trả lời được những câu hỏi mà cuộc sống đặt ra. Cái mới bao hàm những giá trị của cái cũ, nhưng lại vượt lên trên cái cũ, bổ sung những giá trị mới. Tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học lớn, quý giá đối với văn nghệ sĩ.