Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu trưởng các ban quản lý dự án thuộc TPHCM ngay trong tuần đầu tháng 9 phải cập nhật lại kế hoạch, tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm và phải điều hành từng dự án, từng tháng, giao nhiệm vụ cho từng ban, từng tổ dự án và phải chịu trách nhiệm về việc này.

Sáng 4-9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp thường kỳ về kinh tế - xã hội tháng 8.

viber_image_2024-09-04_11-24-57-012.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Truy trách nhiệm người đứng đầu

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận định, tình hình kinh tế - xã hội TPHCM tháng 8 và 8 tháng của năm tiếp tục đà phục hồi tích cực. Theo đồng chí, đây là xu hướng cần tựa vào để phát huy trong tháng 9 và những tháng cuối năm, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cũng như các mục tiêu lớn của TPHCM.

Điểm lại một số chỉ tiêu tăng nổi bật, như chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng doanh thu tiêu dùng, xuất khẩu, thu ngân sách; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo… Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, đây là những kết quả ý nghĩa, TPHCM cần tập trung thêm nữa để giữ đà tăng trưởng đến cuối năm.

Bên cạnh những điểm tích cực, Chủ tịch UBND TPHCM cũng chỉ ra các hạn chế cần tháo gỡ ngay. Đó là giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục dẫn đầu danh mục các hạn chế. Đến cuối tháng 8 mới đạt 18,1%. Trong đó, 4 ban quản lý dự án thuộc thành phố quản lý cơ bản số vốn đầu tư công của TPHCM nhưng tỷ lệ giải ngân mới đạt 17,4% (thấp hơn bình quân cả thành phố).

viber_image_2024-09-04_11-24-56-924.jpg
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM dẫn lại cam kết giải ngân của các ban quản lý trong tuần cuối tháng 8. Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban giao thông) cam kết giải ngân 590 tỷ đồng, nhưng cuối tháng 8 chỉ giải ngân được 86 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (Ban hạ tầng) cam kết 111 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 31,6 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban dân dụng) cam kết là 153 tỷ đồng, giải ngân được 60 tỷ đồng. Ban quản lý Đường sắt Đô thị TPHCM (Ban đường sắt) cam kết 119 tỷ đồng nhưng giải ngân được 32 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các ban quản lý dự án cùng TP Thủ Đức phải kiểm điểm thật kỹ lại từng dự án, phải cập nhật kế hoạch và giữ cam kết hàng tháng. Đồng chí yêu cầu đến cuối năm phải giải ngân xoay quanh mục tiêu 95%, ban nào khó khăn thì từ 90% trở lên.

“Ngay trong tuần đầu tháng 9, các trưởng ban phải cập nhật lại kế hoạch, tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm và phải điều hành từng dự án, từng tháng, giao nhiệm vụ cho từng ban, từng tổ dự án và phải chịu trách nhiệm về việc này”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

viber_image_2024-09-04_11-29-59-430.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các chủ đầu tư kiểm điểm kỹ từng dự án. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phân tích thêm các hạn chế, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao; hấp thụ vốn còn thấp do các vướng mắc; sức mua thị trường dưới mức tiềm năng; TPHCM đang đối diện với dịch sởi. Đồng chí yêu cầu cần có giải pháp cụ thể cho từng vấn đề, như hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đầu tư công, thúc đẩy mua sắm công…

Từ đó, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương phải tập trung điều hành theo nhiệm vụ của tháng, quý và của năm. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh và yêu cầu chấn chỉnh công tác phối hợp giữa các sở ngành.

“Từng người đứng đầu phải rà soát lại xem còn nợ nhiệm vụ gì; nhiệm vụ gì khả năng khó hoàn thành cần phải tập trung; nhiệm vụ gì đang cản trở, làm chậm đi công việc chung của thành phố, của sở ngành khác. Tôi đề nghị phải rà soát từng việc và điều hành, phân công phải sát sao, giám sát cho được mốc thời gian, chất lượng công việc”, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu tập trung rà soát các nhiệm vụ tồn đọng kéo dài, phức tạp để đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, tập trung chuẩn bị các hồ sơ để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm về Đề án phát triển đường sắt đô thị TPHCM, Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và dự án Vành đai 4. Ngoài ra cần chuẩn bị các nội dung để trình HĐND TPHCM trong kỳ họp chuyên đề tháng 9 và triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Gỡ vướng giải phóng mặt bằng

Trước đó, thông tin về công tác giải ngân đầu tư công, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải cho biết, kết quả đạt được rất thấp. Đến 31-8, mới giải ngân 14.381 tỷ đồng, đạt 18,1%. Các chủ đầu tư được giao vốn lớn của TPHCM đều không đạt tiến độ mong muốn. Theo ông Hải, từ nay đến cuối năm còn 4 tháng, với nhiệm vụ giải ngân khoảng 60.000 tỷ đồng, tính trung bình mỗi tháng giải ngân 15.000 tỷ đồng là rất khó khăn.

viber_image_2024-09-04_11-24-57-159.jpg
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải thông tin tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cho biết, hết tháng 8, Ban giải ngân được 691 tỷ đồng, chiếm 8,2%. Ban đã được duyệt 12 dự án, phấn đấu cuối năm khởi công. Hiện ban đang tập trung cho dự án mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện khu vực cửa ngõ (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức), với tổng số vốn khoảng 1.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Lương Minh Phúc cho biết, Ban được giao vốn 12.380 tỷ đồng, đã giải ngân 2.150 tỷ đồng, đạt 20%. Từ nay đến cuối năm, số tiền cần giải ngân còn 9.930 tỷ đồng, trong đó khoảng 2.000 vốn giải phóng mặt bằng, 700 tỷ đồng cho các dự án khởi công mới, 300 tỷ đồng vốn ODA… Các khoản chi này dự kiến đều giải ngân vào quý 3, quý 4 và Ban vẫn quyết tâm giữ mục tiêu giải ngân trên 95%. Trong các giải pháp, Giám đốc Ban Giao thông cho biết đang tiếp tục đẩy nhanh nhóm xây lắp. Trong đó, dự án Vành đai 3 TPHCM (khoảng 3.000 tỷ đồng xây lắp) trong tuần này sẽ có gói cát đầu tiên từ miền Tây. Các dự án đều triển khai thi công 3 ca 4 kíp, cố gắng đảm bảo tiến độ.

viber_image_2024-09-04_11-24-57-247.jpg
Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Lương Minh Phúc báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Lương Minh Phúc kiến nghị các địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, cụ thể như quận Tân Bình (mặt bằng đường Trần Quốc Hoàn 390 tỷ đồng), quận 4 (dự án cầu đường Nguyễn Khoái hơn 700 tỷ đồng), huyện Bình Chánh (dự án mở rộng Quốc lộ 50)… Các mặt bằng này đều cần bàn giao trong tháng 9, nếu chậm hơn sẽ không kịp.

Cũng là một chủ đầu tư được giao vốn lớn trong năm nay, ông Bùi Thanh Tân - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho biết, Ban được giao hơn 12.400 tỷ đồng, trong đó 8.400 tỷ đồng là vốn giải phóng mặt bằng. Ban mới giải ngân được tổng cộng 920 tỷ đồng, đạt 7,4%. Số vốn giải phóng mặt bằng của Ban chủ yếu thuộc hai dự án nạo vét rạch Xuyên Tâm và dự án bờ bắc Kênh Đôi, hiện UBND TPHCM đang tập trung tháo gỡ vướng mắc.