“Báo chí giải pháp hay báo chí xây dựng, báo chí truyền cảm hứng… thực chất là hành trình tìm lại những giá trị đích thực, giá trị cốt lõi của mình. Chúng tôi hy vọng Diễn đàn Tổng biên tập 2024 sẽ góp tiếng nói quan trọng để làm rõ hơn câu chuyện này. Chúng tôi tin là hàng trăm các đại biểu tham dự chương trình sẽ chung sức với chúng tôi để cùng nhau tìm ra những giải pháp, mô hình hiệu quả nhất trong triển khai báo chí giải pháp tại Việt Nam…” – Nhà báo Trần Lan Anh - Phó Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Tổng biên tập 2024, Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận khẳng định trong cuộc trò chuyện trước thềm sự kiện.
+ Diễn đàn Tổng biên tập do Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo Báo Nhà báo & Công luận thực hiện đã đi qua 5 mùa thành công. Được biết, năm 2024, Ban tổ chức đã đặt ra một chủ đề “nóng” mà giới báo chí cả nước đang rất quan tâm, đó là câu chuyện về báo chí giải pháp. Thưa bà, xuất phát từ đâu mà thời điểm này, báo chí giải pháp lại trở thành “tâm điểm” trong cuộc thảo luận của lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí và hàng trăm Tổng biên tập trong cả nước?
- Trước hết phải nói rằng, các chủ đề của Diễn đàn Tổng biên tập đặt ra nhiều năm nay luôn phải là các vấn đề mang tầm chiến lược, định hướng, phù hợp với dòng chảy của thời cuộc, của Báo chí Cách mạng Việt Nam và chạm tới những câu chuyện mà các cơ quan báo chí đã và đang thực sự quan tâm, cần lời giải thoả đáng. Trên tinh thần đó, “Báo chí Giải pháp – Hướng đi cho báo chí truyền thống?” được chúng tôi lựa chọn và hứa hẹn sẽ mang đến những thảo luận thú vị cho mùa Diễn đàn Tổng Biên tập 2024, hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam vào 2025.
Thực tế, đây không phải khái niệm mới, xa lạ mà giá trị cốt lõi của báo chí chính là câu chuyện của kiến tạo và giải pháp. Không có giải pháp thì một bài báo sẽ không có giá trị gì cả. Có được thông tin trong thời điểm đó nhưng nếu không đưa ra được những giải pháp, không có quan điểm, góc nhìn thì bài báo đó, câu chuyện đó sẽ nhanh lẫn với rất nhiều các tờ báo khác... Đặc biệt, trong bối cảnh các luồng thông tin ngày càng phong phú, đa chiều như hiện nay, việc đề ra giải pháp cần kíp trở thành trách nhiệm của báo chí và nghĩa vụ của người làm báo chúng ta. Làm tốt điều này, báo chí mới làm tròn sứ mệnh với quốc gia, dân tộc, đồng thời, đó cũng là con đường để báo chí sinh tồn và lớn mạnh trong thời đại số.
Tất nhiên, báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp đã được đặt ra từ lâu nhưng để “định danh” như một “lối thoát”, một con đường để sinh tồn và lớn mạnh… thì có thể nói rất cần phải có những Diễn đàn, hội thảo mà ở đó có tiếng nói, có câu chuyện của các lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí cùng nhìn nhận, đánh giá và cùng hành động. Ban tổ chức Diễn đàn Tổng biên tập quyết định thực hiện chủ đề này cũng là vì những lẽ đó. Ngoài những mục tiêu cho hành trình phát triển gắn với sứ mệnh trăm năm của Báo chí Cách mạng Việt Nam thì chúng tôi cũng hy vọng các cơ quan báo chí cùng triển khai mạnh mẽ báo chí giải pháp trong bối cảnh này sẽ giúp công chúng vượt qua ám ảnh của tin tức tiêu cực…
+ Ám ảnh của tin tức tiêu cực, cụ thể là sao, thưa bà?
- Không giống nhiều nền báo chí khác, báo chí Việt Nam - ngay từ những bước đi đầu tiên, đã được định danh là “Báo chí cách mạng”, với sứ mệnh “phụng sự Nhân dân”. Tôi muốn nhấn mạnh thêm điều ấy để khẳng định việc phụng sự bạn đọc là mục tiêu quan trọng của báo chí. Nhưng báo chí, từ sứ mệnh ban đầu là đấu tranh, phản ánh tiêu cực và góp phần nhân lên những điều tích cực, mang đến cái nhìn nhân văn về cuộc sống, đi đến tận cùng của vấn đề với mục tiêu xây dựng, lại có đôi lúc trở thành “nỗi ám ảnh” của bạn đọc khi thông tin tiêu cực nhiều hơn tích cực, thiếu tính định hướng. Tôi nhớ là có thời điểm, dường như báo chí bị cuốn hút bởi những thông tin tiêu cực. Liều lượng thông tin tiêu cực quá nhiều tạo nên bức tranh xã hội không tươi sáng, chưa phản ánh đúng và toàn diện thực tế cuộc sống. Thậm chí nhiều cơ quan báo chí còn đưa lượt truy cập (view) thành một chỉ tiêu quan trọng đối với phóng viên, là tiêu chuẩn để đánh giá năng lực của người làm báo. Và từ thực tế này, báo chí giải pháp đã ra đời.
Dẫu biết rằng, trong cuộc sống hằng ngày, cái xấu và cái ác vẫn luôn tìm mọi cách len lỏi và gây những tác động tiêu cực khiến không ít người dân cảm thấy hoang mang, sợ hãi. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, với những chỉ đạo sát sao từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, đã và đang có rất nhiều cơ quan báo chí quan tâm tới các chuyên mục, những bài viết ca ngợi những điều tử tế, thắp lên những ngọn lửa tích cực, tươi sáng trong lòng dân. Những việc làm này tuy nhỏ, nhưng có sức lan tỏa rất lớn tới cộng đồng cũng là những thước đo sự đón nhận của độc giả chính xác nhất. Tôi nhớ Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh rằng: “Chúng ta cần một nền báo chí thúc đẩy xã hội cùng suy nghĩ để mang lại giải pháp chứ không chỉ là một lực lượng báo chí chỉ biết đưa tin và bình phẩm không mang tính xây dựng. Báo chí bình phẩm thì người dân cũng sẽ bình phẩm, báo chí giải pháp thì người dân cũng sẽ tìm giải pháp”.
Sự thật không dễ tìm…
+ Nền báo chí thúc đẩy xã hội cùng suy nghĩ để mang lại giải pháp… thực sự là mục tiêu lớn nhưng đòi hỏi người làm báo phải đi đến “ngọn nguồn” vấn đề, tìm kiếm sự thật, kiếm tìm lời giải trong cuộc sống, thưa bà?
- Đúng vậy. Tôi cho rằng, đi tìm sự thật là mục đích tối thượng của người làm báo. Vấn đề là sự thật không dễ tìm và nó đòi hỏi nhà báo phải có những kỹ năng đặc biệt, phải biết dừng lại, đào sâu phân tích, tìm hiểu trước khi vội chạy theo những thị hiếu nhất thời… Rõ ràng, để “giữ chân” độc giả, để cạnh tranh được với truyền thông xã hội, báo chí phải chứng minh rõ lợi thế “cơ quan thông tin chính thống”, cung cấp cho độc giả những nội dung có hàm lượng thông tin đem đến tri thức, sự hiểu biết cho người đọc, mang tính công bằng, đa nguồn, xác thực và báo chí giải pháp là một trong những chìa khoá giúp các cơ quan báo chí làm được điều đó. Đặc biệt, triển khai báo chí giải pháp như thế nào cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện nhân lực, vật lực của mỗi toà soạn là vấn đề đang được nhiều cơ quan báo chí quan tâm. Các nhà báo, các tờ báo, những nhà lãnh đạo, quản lý báo chí đã đến lúc phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về vấn đề này, có chương trình hành động về vấn đề này, để khẳng định uy tín, tăng niềm tin của xã hội vào những người làm nghề báo.
+ Uy tín và niềm tin của xã hội thực sự là động lực rất lớn, đặc biệt là khi chúng ta đang hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Vậy từ câu chuyện của báo chí giải pháp được thảo luận tại Diễn đàn Tổng biên tập 2024, bà kỳ vọng điều gì về những chuyển biến tích cực của báo chí thời gian tới, thưa Phó Tổng biên tập?
- Với hai phiên thảo luận, chúng tôi hy vọng Diễn đàn sẽ giúp chỉ rõ phần nào vai trò, sự cần thiết của việc triển khai xu hướng báo chí giải pháp tại các toà soạn tại Việt Nam. Thách thức hay khó khăn mà các toà soạn đang gặp phải cũng được thẳng thắn nhìn nhận, từ đó tìm ra cách triển khai báo chí giải pháp phù hợp từ góc độ nguồn tài chính, nguồn tin, nhân lực, công nghệ…
Qua Diễn đàn lần này, Ban tổ chức mong rằng, mỗi người làm báo đều có thể nhìn thấy rõ, với Báo chí Cách mạng Việt Nam, lối đi ngay dưới chân mình, tờ báo nào cũng có thị trường ngách để chúng ta có thể phát triển. Báo chí giải pháp hay báo chí xây dựng, báo chí truyền cảm hứng… thực chất là hành trình tìm lại những giá trị đích thực, giá trị cốt lõi của mình.
Chúng tôi hy vọng Diễn đàn Tổng biên tập sẽ góp tiếng nói quan trọng để làm rõ hơn câu chuyện này. Chúng tôi tin là hàng trăm các đại biểu tham dự chương trình sẽ chung sức với chúng tôi để cùng nhau tìm ra những giải pháp, mô hình hiệu quả nhất trong triển khai báo chí giải pháp tại Việt Nam.
Tất cả những đề xuất, kiến nghị của các lãnh đạo báo chí sẽ được Báo Nhà báo & Công luận tổng hợp gửi tới Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin & Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương… với mong muốn góp phần tạo nên những việc đổi mới trong cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với báo chí, thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan ngôn luận Hội Nhà báo Việt Nam, Diễn đàn của giới báo chí cả nước.
+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn bà!