Tại tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) được Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 23-9, Chính phủ đề xuất bổ sung một số đối tượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế. Đơn cử, dự án đầu tư tại khu kinh tế ở địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm (giảm một nửa thuế suất so với hiện hành).
Cơ quan báo điện tử, truyền hình, phát thanh có thể được hưởng thuế suất ưu đãi 15% (giảm 5% so với hiện nay). Riêng báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật, ươm tạo, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo dự kiến được giảm 3% thuế thu nhập doanh nghiệp, về 17% trong 10 năm.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi với doanh nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghệ hỗ trợ để khắc phục vướng mắc; đề xuất bổ sung áp dụng thuế suất ưu đãi cho các dự án thuộc đối tượng ưu đãi đặc biệt theo Luật Đầu tư 2020, để đảm bảo thống nhất về pháp luật.
Liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nhận định, dự thảo luật cần làm rõ thêm các tiêu chí để doanh nghiệp được hưởng về ưu đãi thuế. “Chính phủ cần làm rõ cơ sở đề xuất các nội dung sửa đổi thể hiện trong dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật”, ông nói.
Về điều kiện và mức độ hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt, cơ quan thẩm tra lưu ý, dự thảo luật còn thiếu quy định về điều kiện thời gian giải ngân đối với số vốn 20.000 tỷ đồng còn lại của các dự án “đại bàng” và 2.000 tỷ đồng của các trung tâm nghiên cứu phát triển. Để tránh khoảng trống trong pháp luật và tạo cơ sở cho việc thực hiện hậu kiểm của cơ quan thuế, đề nghị cần cân nhắc bổ sung nội dung quy định rõ về thời gian giải ngân đối với số vốn còn lại của các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt này.
“Sau này, khi tình hình kinh tế - xã hội thay đổi thì quy định ngưỡng này còn phù hợp không? Tại sao không đưa ra nguyên tắc mà lại quy định số cụ thể?”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thắc mắc. Đồng tình với cơ quan thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng phân tích, trong bối cảnh sửa đổi tổng thể các luật thuế, cần có nguyên tắc về việc luật quy định chi tiết đến mức nào, Chính phủ có thẩm quyền đến đâu. Nếu cứ luật hóa các quy định trong nghị định, thông tư thì luật thì sẽ rất sớm lạc hậu.
Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Bày tỏ phân vân về cách tính thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cần đánh giá kỹ hơn. “Chẳng hạn, tại sao quy định chi phí đối với nông sản xuất khẩu lại là 30% mà không phải mức khác, căn cứ vào đâu? Tương tự với khoản trích khấu hao đối với tài sản cố định. Đặc biệt, các thủ tục hành chính để doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng ưu đãi cần phải rất đơn giản và phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Đề cập đến thuế suất doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng các cơ quan báo chí hiện rất khó khăn, nên áp dụng mức thuế suất ưu đãi chung 10% cho tất cả các loại hình báo chí.