Thời gian qua, thông tin về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh xuất hiện liên tục. Ngày 11-9, Cục Thuế tỉnh Bình Định ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty CP Hàng không Việt (Bamboo Airways). Lý do là công ty này đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Giải trình sau đó, công ty này cho biết, đã trải qua giai đoạn 2022-2023 cực kỳ khó khăn, khủng hoảng. Tháng 10-2023, ông Lương Hoài Nam được bổ nhiệm Tổng Giám đốc, thực hiện tái cấu trúc toàn diện. Đến nay, tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp đã có bước chuyển biến rõ rệt, tuy nhiên vẫn còn những khoản nghĩa vụ thuế mà công ty “chưa có điều kiện để hoàn thành”.
Chia sẻ với báo chí sau khi có quyết định tạm hoãn xuất cảnh, ông Lương Hoài Nam nói, việc không được xuất cảnh sẽ gây khó cho ông trong các hoạt động vực dậy doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn để có tiền đóng thuế cho địa phương.
Ngoài trường hợp do khó khăn tài chính điển hình như trên, thực tế có những trường hợp mà nguyên nhân xuất phát từ ý thức của người nộp thuế. Một luật sư tại TPHCM cho biết, có những doanh nghiệp ý thức chưa tốt về giải quyết nợ thuế. Có doanh nghiệp nhỏ nợ thuế hơn 17 triệu đồng, đã được cơ quan thuế nhắc, nhưng vẫn… chưa muốn nộp, tới khi cần đi nước ngoài mới vội vàng nộp thuế cùng tiền phạt chậm nộp để được xuất cảnh!
Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 14-8, cơ quan thuế đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, với số tiền thuế nợ là 30.388 tỷ đồng, trong đó có 10.829 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ là 6.894 tỷ đồng. Kết quả thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã thu được 1.341 tỷ đồng của 2.116 người nộp thuế. Đáng chú ý, ngành thuế đã thu được nợ thuế của 650 người nộp thuế đang bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền thuế nợ là 46,7 tỷ đồng.
Trước tình hình nợ thuế vẫn ở mức cao trên toàn quốc, ngày 23-9, Tổng cục Thuế tiếp tục có Công văn 4216, yêu cầu các cục thuế địa phương đẩy mạnh các biện pháp quản lý, thu hồi nợ thuế. Trong đó, thực hiện áp dụng tạm hoãn xuất cảnh theo quy định đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ quá hạn thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế, nhất là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Thêm kênh thông tin cảnh báo
Trước nhiều ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan thuế, lãnh đạo ngành thuế cho biết, việc tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, nhất là đối với cá nhân là người đại diện doanh nghiệp có nợ thuế được quy định tại Luật Quản lý thuế và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Về quan điểm của ngành thuế, đối tượng nợ thuế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ thuế. Tạm hoãn xuất cảnh cũng chỉ là một trong những biện pháp thu hồi nợ thuế.
“Nếu chúng tôi thấy có thể áp dụng các biện pháp khác thì không nhất thiết áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Thấy có nguy cơ cao thất thu thuế, biện pháp này mới thực hiện để đảm bảo lợi ích của ngân sách”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nói.
Trong Công văn 4216, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương phải ban hành thông báo tiền thuế nợ cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử qua tài khoản giao dịch thuế điện tử (etax). Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử, nhưng có đăng ký địa chỉ email thì cơ quan thuế hỗ trợ gửi thông báo qua email và qua ứng dụng etaxmobile. Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ quá 60 ngày, công chức thuế phải thường xuyên liên hệ với người nộp thuế để nhắc nhở về việc nộp tiền thuế nợ và thông báo cho người nộp thuế biết về việc sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi có khoản nợ quá 90 ngày. Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp bị cưỡng chế: cơ quan thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định.
Trước sự truy thu ráo riết của ngành thuế, thời gian qua xuất hiện một số trường hợp vẫn không nhận được thông báo và hoàn toàn bất ngờ khi bị cấm xuất cảnh. Theo các chuyên gia, với doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế dù cơ quan thuế đã áp dụng đủ các biện pháp quy định thì tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa thể nộp thuế mà có thiện chí thì nên tìm giải pháp hỗ trợ. Ngành thuế nên công khai trên trang web và cập nhật liên tục danh sách bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế để những người nợ thuế xử lý kịp thời, đây cũng là cư xử sòng phẳng, có trách nhiệm.
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Quản lý thuế. Đáng chú ý, dự thảo luật đưa ra quy định cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Như vậy, đối tượng có thể bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ mở rộng. Hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế.