Thu mủ cao-su tại vườn cây Công ty Cao-su Ea H'Leo. |
Mùa mưa Tây Nguyên cực kỳ tê buốt, nhưng màu xanh cao-su sát biên giới với Campuchia, Lào, vẫn làm người công nhân ấm lòng trong không khí lao động hăng hái, vui tươi thi đua khai thác "vàng trắng" trong những tháng cuối năm 2024 này. Họ phấn khởi nhiệt tình lao động vì giá mủ cao-su đang tăng kéo theo thu nhập tăng thêm làm cho cuộc sống khấm khá, no đủ.
Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam (VRG) từ lâu đã triển khai các dự án cao-su trên vùng đất ba-zan với phần lớn diện tích nằm ở vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới giáp hai nước bạn Lào và Campuchia không hề dễ dàng trong những năm tháng đầu tiên.
Cao-su xanh tốt bạt ngàn của Công ty Cao-su Chưmomray sát biên giới Campuchia. |
Nhu cầu mua cây giống cao su của người dân ở Tây Nguyên khá cao gần đây
Đến nay, VRG đã có 12 đơn vị thành viên đứng chân trên địa bàn các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng với tổng diện tích là 64.000ha làm cho Tây Nguyên trở thành vùng chuyên canh cao su lớn thứ hai cả nước.
Từ những vùng đất hoang sơ, các dự án cao-su đã hình thành các thôn, buôn, xã nông thôn mới, thị trấn, thị tứ dân cư đông đúc, trù phú, vui tươi. Có ai biết để đạt được điều đó thì một hành trình xây dựng và phát triển các công ty cao su trên đất Tây Nguyên phải hết sức vất vả, kỳ công. Từ đó đã giúp đổi thay đời sống nhiều hộ nghèo người dân tộc Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng và cả người Mường, Thái…
Giúp ổn định an ninh trật tự xã hội và phát triển nhanh kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên
Ngày xửa ngày xưa trên vùng đất đỏ Bazan hiện đầy vết tích của bom đạn chiến tranh, các buôn, làng người đồng bào dân tộc thiểu số còn hoang sơ, bọn Fulro vẫn lẩn khuất trong buôn, làng, rồi cả thứ bệnh sốt rét quái ác nữa. Nhưng không quản ngại khó khăn, khi ấy cán bộ, công nhân của đoàn vẫn bám trụ làm vườn ươm cao su, ươm cây giống cho mùa trồng trước mắt. Khá nhanh chóng, công ty đã hình thành những cánh rừng cao-su rộng lớn hơn 7.500ha cao-su trải dài trên 34 buôn, làng tạo sinh kế cho hàng nghìn người đồng bào dân tộc thiểu số vốn rất khó khăn kiếm cái ăn, cái mặc hàng ngày.
Sơ chế mủ cao-su tại Công ty Cao-su Chư Sê. |
Đến Công ty Cao-su Kon Tum là đơn vị có diện tích vườn cây lớn nhất ngành cao-su tại khu vực Tây Nguyên với gần 10.000ha, tạo công ăn việc làm cho 5.500 công nhân và hộ; trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá lớn là 3.943 người (chiếm 71,6% tổng số lao động).
Tổng Giám đốc Công ty Cao-su Kon Tum Nguyễn Hữu Lợi cho biết với đặc điểm hoạt động của công ty trải rộng trên 7 huyện, thành phố tỉnh Kon Tum, vườn cây đan xen khắp các buôn làng nên tạo việc làm thuận lợi cho người dân tại chỗ, phù hợp với phong tục tập quán của người dân địa phương. Diện tích cao mở rộng nhanh giúp người dân có việc làm và thu nhập ổn định khấm khá dần lên.
Đến nay nghề cao-su đã hiện rõ là một ngành nghề truyền thống bởi đã có nhiều thế hệ trong gia đình (ông bà, con, cháu) nối tiếp trồng cao su kiểu "cha truyền con nối" rất hiệu quả và tình cảm.
Công nhân Cao su Kon Tum trên vườn cây khai thác. Ảnh: Văn Vĩnh
Công đoạn chế biến mủ cao-su tại nhà máy Công ty Cao-su Kon Tum. |
Được biết, Cao-su Kon Tum có 12 năm liên tiếp là thành viên Câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn VRG. Sản lượng cao-su khai thác hằng năm đạt từ 10.000 đến 15.000 tấn, dẫn đầu các công ty thuộc Tập đoàn VRG tại khu vực Tây Nguyên.
Nhiều năm liền công ty vượt mức kế hoạch sản lượng khai thác, về đích trước thời gian từ 20-50 ngày. Thu nhập bình quân của người lao động trong 5 năm trở lại đây đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng, ở mức cao so với mặt bằng chung của tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, năm 2023 thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 9 triệu đồng/người/tháng.
Hai đơn vị là Công ty cao-su Chưmomray, Công ty cao-su Sa Thầy nằm trên địa phận tỉnh Kon Tum đã sớm triển khai những giải pháp căn cơ, chủ động lo chỗ ở cho công nhân tuyển dụng ở xa đến làm việc. Chính sách này giúp hình thành những khu dân cư trù phú chỉ dành riêng cho công nhân cao-su.
Các công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương quy hoạch 7 điểm dân cư dành cho công nhân ở nơi khác đến. Ngoài khu nhà tập thể công ty bố trí khi công nhân mới vào làm việc ở, công ty giới thiệu cho mỗi công nhân 1.000m2 đất để xây nhà riêng. “Để thu hút và giữ chân được công nhân, việc tuyên truyền chỉ là một phần, nếu không lo được thu nhập, chăm sóc sức khoẻ y tế, trường học và đặc biệt là có chỗ ở thì rất khó có người vào làm lâu dài với mình. Công nhân thường mong muốn có một căn nhà riêng cho mình”, ông Trần Xuân Thịnh khẳng định.
Lãnh đạo Công ty cao-su Chưmomray và cán bộ văn phòng Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam (VRG) (trái) thăm nhà ở công nhân |
Để tạo điều kiện, công ty còn có chính sách cho công nhân tạm ứng tiền 30-70 triệu đồng để xây dựng nhà. Trong 3 năm qua, chủ trương này tỏ rõ tính hiệu quả. Đến nay, công ty có hơn 400 công nhân từ nơi khác đến đã có nhà, có hộ khẩu. Nhiều công nhân đến trước, có thời gian gắn bó lâu dài với công ty, có nương rẫy trồng thêm cà-phê, sầu riêng. Đời sống khá giả, nhiều công nhân xây lên những căn nhà đẹp, khang trang từ 500 triệu đến cả tỷ đồng là chuyện bình thường, vui vẻ
Riêng dự án Công ty cao-su Sa Thầy nằm giáp biên giới Campuchia nên ngay từ khi triển khai chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang rừng trồng cao-su, công ty đã xác định việc phát triển cao-su nhằm tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế vừa là bảo đảm an ninh quốc phòng. Do đó, công ty chú trọng bảo đảm chăm lo đời sống, nhất là chỗ ở cho người lao động.
Công ty đã cấp đất cho mỗi người trung bình 1000m2 đất, trong đó có hơn 200m2 đất thổ cư để công nhân yên tâm trên vùng đất mới. Nhờ có thu nhập tốt, trung bình năm 2023 là 9,7 triệu đồng/người/tháng, hiện công nhân có mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng là khá cao ở nơi sinh hoạt này.
Đến dân cư công nhân của Công ty cao-su Sa Thầy, ai cũng trầm trồ nhìn căn nhà mới khang trang, hiện đại gia đình công nhân Hà Văn Cư (người Thái) làm việc ở Nông trường Bãi Lau vừa mới xây. Anh Cư sống ở đây cho biết, căn nhà này được xây dựng gần 1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí hai vợ chồng làm nụng gắn bó với cây cao su trong hơn 10 năm qua.
Vợ chồng người công nhân trước ngôi nhà mới có giá cả 1 tỷ đồng. |
Một gia đình công nhân hạnh phúc trong ngôi nhà khá đẹp và tươm tất. |
Không thể xa rời cây cao su sống tốt và nghĩa tình
Còn ở Công ty cao-su Ea H’leo đạt tổng doanh thu hơn 221 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch năm và cao hơn 28% so cùng kỳ năm 2023. Tổng lợi nhuận thực hiện 69,18 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch năm và cao hơn 61% so cùng kỳ năm 2023.
Bộ phận chế biến mủ cao-su xuất khẩu tại Công ty cao-su Ea H'Leo. |
Được biết, công nhân ngoài lương cao còn có chế độ chăm lo khác, theo tính toán công ty Ea H’Leo có 10 khoản chế độ khác nhau chăm lo cho đời sống công nhân. Vừa rồi, công ty cho 90 công nhân lao động xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ ra ngoài miền bắc du lịch. Công việc ở đây ổn định, lương tháng 8,4 triệu đồng. Nhờ đó, các gia đình công nhân được thay đổi cuộc sống nên họ chắc chắn gắn bó lâu dài công việc này.
Công nhân phấn khởi gắn bó lao động lâu dài tại Công ty cao-su Ea H'Leo. |
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững và hiệu quả đang trở thành xu hướng tất yếu.
“Với chính sách chăm lo cho lao động rất tốt nên công nhân đều yên tâm gắn bó với công việc lâu dài. Hiện có rất nhiều người muốn xin vào làm việc, nhưng công ty không còn chỗ tuyển mới”, ông Lê Anh Tuấn nói.
Trước cơ sở hạ tầng đầy đủ: điện, đường, trường, trạm và các dịch vụ thương mại, thông tin… rải rác khắp các buôn, làng trên ở Tây Nguyên đã minh chứng sự hiệu quả và ý nghĩa xã hội của các dự án cao-su trên mảnh đất Tây nguyên vốn trước đây gặp trăm bề khó khăn này.
Trên vạn công nhân cao su mà đa phần là người dân tộc thiểu số, đang phấn khởi lao động trong các công ty cao-su cảm thấy rất ấm lòng, hạnh phúc trong cuộc sống mới trên quê hương do chính mình xây dựng và bảo vệ.