Sáng 12/10, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024), Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chủ trì phối hợp với UBND huyện Củ Chi và Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố (HUBA) cùng các hội, câu lạc bộ doanh nghiệp, doanh nhân... tổ chức dâng hương tại Nhà tưởng niệm cố Thủ tướng Phan Văn Khải ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Ông là thủ tướng đầu tiên của Việt Nam được đào tạo bài bản chuyên sâu về điều hành kinh tế vĩ mô.
Ngay khi còn công tác ở TP.HCM, ông cùng các cán bộ trong Thành ủy, UBND Thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, gỡ khó cho doanh nhân, doanh nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Khi là Phó thủ tướng, ông đã nỗ lực vận động Bộ Chính trị có cái nhìn khác về kinh tế tư nhân. Trong vai trò Thủ tướng, ông thúc đẩy soạn thảo Luật Doanh nghiệp để trình Quốc hội cho ý kiến thông qua vào năm 1999 và sửa đổi năm 2005, giúp “cởi trói” rất nhiều cho khối doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, ông ký nhiều quyết định, xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.
Năm 2004, trên cơ sở khởi xướng của Báo Doanh Nhân Sài Gòn, tiền thân của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải khi đó đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, hằng năm lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Đây được xem là dấu mốc lịch sử, khẳng định vai trò, vị trí của doanh nhân trong xã hội Việt Nam.
Vào dâng hương Cố Thủ tướng, Nhà báo Trần Hoàng - Tổng Biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chia sẻ, cố Thủ tướng Phan Văn Khải khi ấy đã nhận thấy rõ mối quan hệ hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của cộng đồng doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Cố Thủ tướng đã phá vỡ rào cản giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp vì sự nghiệp chung của đất nước và nhân dân. Chính tư tưởng này đã tạo nên những cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, góp phần tạo nên Luật Doanh nghiệp để từ đó trở thành khung pháp lý quan trọng đưa khu vực kinh tế tư nhân bước ra ánh sáng.
"Hôm nay, đứng trước anh linh Chú Sáu Khải, chúng cháu mong được Chú ghi nhận những tấm lòng này để chúng cháu có thêm nguồn động lực về tinh thần mà nỗ lực làm việc, sản xuất kinh doanh, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Qua đó góp phần xây dựng TP.HCM và đất nước ngày càng giàu đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu theo như ý nguyện của Bác Hồ kính yêu", ông Trần Hoàng thay lời các doanh nhân trong phút mặc niệm Cố Thủ tướng.
Hình ảnh đoàn doanh nhân TP.HCM dâng hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Phan Văn Khải:
Ông Nguyễn Vinh Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh Nghiệp TP.HCM (HUBA), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 3 cho biết, lúc sinh thời, Cố Thủ tướng là nhà lãnh đạo tài ba, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, là người luôn ủng hộ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tôn vinh vai trò của doanh nhân.
"Nhân một dịp đặc biệt, hướng về anh linh của Chú Sáu Khải, doanh nhân TP.HCM nói riêng và doanh nhân Việt Nam nói chung xin hứa sẽ noi gương, cố gắng đoàn kết, phấn đấu phát triển sản xuất kinh doanh, nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế Thành phố, xây dựng đất nước Việt Nam ngày một phát triển hùng cường", ông Huy nói.
Tham gia dâng hương cùng đoàn doanh nhân, bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho rằng, mảnh "đất thép thành đồng" và người dân Củ Chi luôn cảm thấy tự hào, yêu thương, trìu mến khi nhắc về Cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Dù Chú Sáu Khải đã đi xa nhưng trong tâm khảm những người dân huyện Củ Chi mãi không thể quên hình ảnh, tấm lòng và trí tuệ của ông. Nhân dịp này, các doanh nhân đã nhớ đến và tri ấn Cố Thủ Tướng, dây là một hoạt động hết sức ý nghĩa.
Bà Thanh Hiền cũng gửi lời chúc tới các doanh nhân, mong doanh nghiệp TP.HCM nói riêng và cả nước sẽ phát triển ngày càng thịnh vượng hơn nữa, chung tay góp sức cho sự phát triển chung của xã hội.
Dịp này, trong khuôn khổ buổi lễ tưởng niệm cố Thủ tướng Phan Văn Khải, Ban tổ chức và các doanh nhân cũng đã trao 100 suất học bổng và quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Củ Chi.
Sinh thời, Cố Thủ tướng là người đã thành lập ra quỹ khuyến học của huyện Củ Chi, cũng như của xã Tân Thông Hội. Cá nhân ông và sau này là gia đình thường xuyên hỗ trợ, đóng góp nhằm phát triển quỹ khuyến học. Tiếp nối truyền thống đó, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với HUBA đã thực hiện hoạt động này trong nhiều năm gần đây với mong muốn góp phần khuyến khích và tạo điều kiện học tập cho thế hệ trẻ tại địa phương.
Sự hỗ trợ này không chỉ giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp. Ban tổ chức hy vọng, qua mỗi năm, quỹ khuyến học càng được lan tỏa, trở thành động lực mạnh mẽ giúp thế hệ trẻ tự tin tiến bước vào tương lai.
Ngoài các suất học bổng bằng hiện kim và quà được trao, ngay trong khuôn khổ Chương trình, nhiều doanh nhân, mạnh thường quân cũng đã đóng góp trực tiếp hiện kim vào Quỹ khuyến học của Huyện, nhằm chung sức với địa phương trong công tác chăm lo cho các em học sinh đến trường.
Đáp lại tình cảm đó, ông Đoàn Công Thuận - Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Củ Chi cũng đã trao Thư cảm ơn tới Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và các doanh nhân, mạnh thường quân.
Hình ảnh Ban tổ chức và các doanh nhân trao học bổng cho các cháu học sinh:
Các hoạt động trên đều nằm trong chuỗi các sự kiện Gặp gỡ tháng 10 - Tháng Doanh nhân được tổ chức hàng năm, do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn khởi xướng, kết hợp với các doanh nhân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài TP.HCM thực hiện. Hoạt động nhằm tạo động lực, nâng cao nhận thức của doanh nhân về vai trò của mình trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước, làm tốt công tác xã hội góp phần chăm lo, hỗ trợ người nghèo, người yếu thế.