Bài học lớn của thanh niên
Lần đầu chúng tôi được gặp ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Bí thư Thành đoàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn TPHCM, là tại một tọa đàm về lý tưởng sống của thanh niên. Ông Phạm Chánh Trực nguyên là Bí thư Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành đoàn TPHCM) - cũng là Bí thư Đoàn TNCS đầu tiên của TPHCM sau giải phóng năm 1975. Vì lẽ đó, dù trải qua công tác trên nhiều lĩnh vực, ông vẫn luôn quan tâm đến thanh niên thành phố và dành nhiều tâm huyết cho thế hệ trẻ. Cuối giờ, ông nán lại để ký tặng cuốn sách “Sống là cống hiến” mà ông vừa ra mắt. Từng nét chữ ông tỉ mỉ, chăm chút ở đầu trang sách, như một lời gửi gắm đến các bạn trẻ thông điệp về khát khao cống hiến cho Tổ quốc vào những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.
Lần thứ hai, chúng tôi gặp ông tại tọa đàm “Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên”, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng. Người cán bộ lão thành tóc đã bạc trắng, đến Trường Đoàn Lý Tự Trọng từ rất sớm để dâng hương tưởng niệm, trên tay cầm bài viết gợi mở cho thế hệ trẻ về bản chất “con đường cách mạng” mà anh Lý Tự Trọng đã khẳng định, rằng: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác!”. Bản chất con đường cách mạng ấy, theo ông Phạm Chánh Trực, là con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch ra cho các dân tộc bị áp bức, bóc lột và toàn thể loài người. Lý Tự Trọng đã thấm đẫm tư tưởng Mác - Lênin và lý tưởng cộng sản thông qua sự dìu dắt huấn luyện trực tiếp của Bác Hồ, với những bài học chủ nghĩa Mác - Lênin mà Bác Hồ viết và biên dịch. Bản chất “con đường cách mạng” đó còn là những trải nghiệm thực tế của Lý Tự Trọng trong cuộc sống của dân nghèo, trong lao động làm thuê của công nhân bị bóc lột áp bức hàng ngày. Bản chất “con đường cách mạng” cũng là tinh thần quốc tế vô sản mà Lý Tự Trọng đã trực tiếp thể hiện khi tham gia khởi nghĩa Quảng Châu, Trung Quốc. Và bản chất “con đường cách mạng” còn là lời khẳng định “cách mạng bằng bạo lực”, mà chính Lý Tự Trọng đã trực tiếp cầm súng đánh địch, bảo vệ cuộc diễn thuyết của đồng chí mình tại Sài Gòn.
Từ tấm gương đồng chí Lý Tự Trọng, đã có biết bao thế hệ trẻ học tập, noi theo. Nhớ về Lý Tự Trọng - người cộng sản trẻ đầu tiên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ông Phạm Chánh Trực gửi gắm đến thế hệ trẻ TPHCM nói riêng, thế hệ trẻ cả nước nói chung về quyết tâm tiếp nối các anh, các chị, các chiến sĩ cộng sản anh hùng, xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển.
Tự hào màu áo đoàn viên
Chị Trần Thị Thanh Tâm (sinh năm 1992), Phó Bí thư Thường trực Quận đoàn quận 10 (TPHCM), đã bén duyên với màu áo của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh từ chính tình cảm của những người cán bộ Đoàn đã dành cho mình những ngày khốn khó.
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Củ Chi, chị Tâm sống với mẹ và bà ngoại từ nhỏ. Gia đình làm ruộng quanh năm không đủ ăn, ngoài giờ học, chị Tâm phụ giúp gia đình làm đồng áng và làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhớ lại những ngày đó, chị Tâm không khỏi xúc động: “Chiều tối sau khi tan học, mình tranh thủ đi nhặt đồ ăn thừa, rau củ người ta bỏ đi ở thùng rác chỗ chợ gần nhà để về nuôi heo. Cuộc sống nghèo khó thế nào, cơm không đủ ăn cũng không sợ, chỉ sợ một ngày vì cái nghèo mà phải gián đoạn việc học”.
Trước hoàn cảnh của cô gái nhỏ giàu nghị lực, mọi người hết sức sẻ chia. Chính quyền địa phương và các cán bộ xã đoàn, huyện đoàn đã kịp thời động viên, hỗ trợ, giúp sức cho chị và gia đình. “Từ nhỏ, mình có may mắn được nhận nhiều học bổng của các anh chị cán bộ Đoàn các cấp. Không chỉ riêng của xã đoàn, huyện đoàn, mình còn nhận được học bổng của các cơ sở đoàn bạn. Mình là một trong những trường hợp đầu tiên nhận được học bổng từ chương trình “Thắp sáng niềm tin” của Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực TPHCM”, chị Tâm tâm sự.
Trân quý tình cảm đó, chị Tâm tích cực tham gia hoạt động của Đoàn trường, trở thành người cán bộ Đoàn gương mẫu suốt thời gian học THPT, đại học, rồi về nhận công tác tại địa phương. Chị tự nhủ, bản thân thấu hiểu được các anh chị đi trước đã chăm chút, yêu thương, giúp đỡ để tiếp thêm động lực cho bản thân đến được với giảng đường đại học như thế nào, nên chị cũng sẽ tiếp bước, vừa tạo nguồn cán bộ Đoàn, vừa hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, được sinh ra và lớn lên ở miền đất giàu truyền thống cách mạng Củ Chi, gia đình thân nhân liệt sĩ, chị Tâm từ nhỏ đã được nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần yêu nước sâu sắc. Cũng bởi vậy, chị rất tâm huyết với công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho độ tuổi thiếu nhi.
Chia sẻ về gia đình, chị Tâm không giấu được niềm hạnh phúc. Chồng chị cũng là cán bộ Đoàn và cả hai quen nhau trong dịp đặc biệt: khi chị là Bí thư Đoàn phường mới, mời anh đến dự buổi gặp gỡ tri ân các anh chị từng làm Bí thư, Phó Bí thư Đoàn phường. Cả hai yêu nhau, gắn bó từ màu áo xanh của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đã cùng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
Là Phó Bí thư Thường trực Quận đoàn quận 10, chị Tâm tự hào về một thế hệ tiếp nối năng động, sáng tạo. Hướng đến kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, Quận đoàn quận 10 có nhiều hoạt động ý nghĩa như: tổ chức chương trình “Liên hoan người cộng sản trẻ”; chọn 110 đoàn viên ưu tú dâng hương tại các địa chỉ đỏ; trò chuyện cùng các cô chú cựu thanh niên xung phong, cựu tù chính trị...
Đồng thời, đề nghị các cấp bộ Đoàn kết hợp tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đền ơn đáp nghĩa; phát triển “Lớp đoàn viên kỷ niệm 110 năm Ngày sinh anh Lý Tự Trọng” và thực hiện các công trình thanh niên. Đặc biệt, ngày 20-10, Trung ương Đoàn sẽ phối hợp tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học “Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên” tại Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng.