Dự án có chiều dài khoảng 306m, mục tiêu chính là ưu tiên không gian an toàn, thoải mái cho người đi bộ, đảm bảo thuận tiện giao thông trên đường Thái Văn Lung và các tuyến đường xung quanh.

Trưa 4-11, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì buổi làm việc với nhóm chuyên gia quy hoạch Nhật - Việt về Dự án thực hiện thí điểm cải thiện giao thông, cải tạo không gian đường phố trên đường Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1.

4-11. Bí thư làm việc với Nhật 1.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các chuyên gia. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đầu tư gần 41 tỷ đồng cải tạo không gian

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng cho biết, Dự án thực hiện thí điểm cải thiện giao thông, cải tạo không gian đường phố trên đường Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1 là công trình giao thông nhóm C, do UBND TPHCM đầu tư.

Dự án có chiều dài khoảng 306m (điểm đầu tuyến giao với đường Lý Tự Trọng đến cuối tuyến giao với đường Nguyễn Siêu).

Mục tiêu chính của dự án là ưu tiên không gian an toàn, thoải mái cho người đi bộ, đảm bảo thuận tiện giao thông trên đường Thái Văn Lung và các tuyến đường xung quanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho tuyến Thái Văn Lung.

Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án gần 41 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện phấn đấu khởi công trước 30-4-2025, hoàn thành trước ngày 2-9-2025.

4-11. Bí thư LV với Nhật 5.jpg
Quang cảnh buổi làm việc.

Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh báo cáo thêm, quận đã phối hợp Sở GTVT và các đơn vị liên quan triển khai tiến hành đầu tư hạng mục lắp đặt cổng chào, thùng rác, cây xanh, chiếu sáng và các hạng mục phụ trợ khác theo hình thức xã hội hóa (khoảng 5,6 tỷ đồng).

Cùng với đó, tổ chức vận động các cơ sở, hộ dân khu vực mặt tiền, hẻm đường Thái Văn Lung chủ động thực hiện cải tạo, chỉnh trang công trình nhà, văn phòng, lát đá đường hẻm để phù hợp với cảnh quan đô thị hiện đại chung của dự án.

4-11. Bí thư PV với Nhật 4.jpg
Kiến trúc sư Nhật Bản nêu ý kiến tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, kiến trúc sư Nhật Bản bày tỏ mong muốn Bí thư Thành ủy có chỉ đạo để sớm triển khai dự án này. Đồng thời, mong lãnh đạo thành phố, các đơn vị thực hiện quan tâm nghiên cứu đến các tuyến đường giao thông liên quan, bãi đỗ xe phù hợp để phù hợp mục tiêu thiết kế và giải quyết vấn đề giao thông xung quanh.

Kiến trúc sư Nhật Bản nhấn mạnh, cần phải tính toán việc bảo trì tuyến đường, vận hành quản lý sau khi hoàn thiện và giữ gìn kiến trúc của tuyến đường.

Giải quyết ít nhất 6 vấn đề lớn

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, Dự án thực hiện thí điểm cải thiện giao thông, cải tạo không gian đường phố trên đường Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1 nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị của TPHCM, để thành phố sớm trở thành thành phố văn minh - hiện đại – nghĩa tình; trở thành không gian xanh, không gian văn hóa của TPHCM.

Theo đồng chí, kế hoạch chỉnh trang đô thị của thành phố đã được triển khai từ lâu, song vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên kết quả chưa được như mong đợi. Đồng chí tin tưởng, với sự phối hợp cùng chuyên gia Nhật - Việt, với kinh nghiệm của nhóm chuyên gia, thành phố sẽ triển khai có hiệu quả dự án trên, từ đó làm cơ sở nhân rộng ra toàn thành phố.

4-11. Bí thư LV với Nhật 6.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc. 

Về phía TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định, từ khi triển khai dự án, các sở, ngành thành phố đã tập trung quyết liệt, thực hiện được nhiều phần việc. Thành phố cũng sẽ nhanh chóng cải thiện những nội dung còn chậm để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Thông tin thêm, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức lấy ý kiến người dân thụ hưởng và những người liên quan, phần lớn người dân rất đồng thuận với chủ trương trên.

Đồng thuận với ý kiến đề xuất của nhóm chuyên gia, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, TPHCM cũng tính toán việc bàn giao lại công trình sau hoàn thành để người dân tự quản và có giải pháp giám sát thường xuyên, đảm bảo vận hành, duy trì tuyến đường đúng với tinh thần, ý nghĩa của dự án.

4-11. Bí thư LV với Nhật 3.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tặng quà lưu niệm đến các chuyên gia. 

Bên cạnh đó, TPHCM cũng chỉ đạo, quán triệt kỹ lưỡng về công tác truyền thông. Trong đó, không chỉ truyền thông để người dân trên tuyến đường Thái Văn Lung đồng thuận với chủ trương trên mà người dân toàn thành phố cùng đồng thuận.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, mục đích của thành phố khi triển khai dự án là ít nhất giải quyết được 6 vấn đề lớn. Đó là giảm kẹt xe, cải thiện tình trạng giao thông hiện nay; tạo không gian xanh, thân thiện để người dân thụ hưởng; tăng cường an toàn cho người đi bộ và người tham gia giao thông; thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, thể hiện được nếp sống văn minh của người dân thành phố.

Quan trọng nhất là cải thiện môi trường sống và nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.

Thông tin thêm, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, TPHCM đang triển khai cuộc vận động lớn, lâu dài là xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh.

“Dự án trên đóng vai trò là bước thử nghiệm rất quan trọng để thành phố đánh giá hiệu quả, giá trị và các biện pháp cải thiện giao thông cũng như sắp xếp lại không gian đô thị của TPHCM trong thời gian tới”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, đồng chí lưu ý UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, bổ sung các yếu tố về mặt kỹ thuật, tính toán các tuyến đường có liên quan; chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục chặt chẽ, đúng quy định, quy trình.

Đồng chí khẳng định, thành phố sẵn sàng bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện dự án và có giải pháp để huy động sự tham gia của người dân trong duy trì hiệu quả của dự án sau hoàn thành.

4-11. Bí thư LV với Nhật 2.jpg
Các đại biểu tham dự buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa quan trọng đối với TPHCM và cả nước, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, cũng là thời điểm đánh dấu chặng đường quan trọng trong hợp tác Việt - Nhật, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ, nỗ lực cao nhất để hoàn thành dự án đảm bảo có chất lượng vào năm 2025.