Thương hiệu quốc gia có vai trò tiên phong, dẫn dắt
Qua chương trình, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu - được xem như là "chìa khóa" giúp gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị doanh nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững.
Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế chủ đạo. Doanh nghiệp đã chú trọng hơn cho xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế, vai trò tiên phong, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ; trong đó, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung cốt lõi.
Đặc biệt, với 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024 đều có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2023 đạt 2,4 triệu tỉ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước khoảng 150.000 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp đã bảo đảm công ăn việc làm cho trên 600.000 lao động và người dân, tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội.
Qua 20 năm, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tiếp tục tăng qua các năm. Từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp năm 2024. Điều này đóng góp xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Việt Nam lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, và là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019 - 2022.
Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỉ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023.
Kết quả đạt được cũng cho thấy trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, các doanh nghiệp Việt với khả năng sáng tạo của mình có thể tận dụng cơ hội này để vươn lên, đóng vai trò tích cực trong sự chuyển dịch toàn cầu.
Khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh, bền vững
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp cần không ngừng tập trung khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tiên phong trong cuộc cách mạng xanh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, tuân thủ quy định pháp luật; có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, tập trung đào tạo nguồn nhân lực...
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, để tiên phong và tham gia tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiếp tục đề xuất, tham mưu kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh cao trong khu vực, toàn cầu. Kiên quyết, kiên trì xóa bỏ cơ chế "xin - cho", cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ưu tiên các ngành, lĩnh vực mới nổi, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, hỗ trợ kết nối gắn với xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu.
Theo Thủ tướng, thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển xanh, sáng tạo và hùng mạnh trên bản đồ thế giới.