TPHCM vừa phát động cao điểm 55 ngày đêm triển khai hiệu quả Sổ sức khỏe điện tử (SKĐT) trên ứng dụng VNeID. Hàng loạt bệnh viện đang nỗ lực phổ biến đến đông đảo người đến khám bệnh, tạo sự thuận lợi trong chăm sóc sức khỏe người dân. Dù vậy, bước đầu triển khai thực hiện vẫn có những khó khăn nhất định.
Đăng ký khám bệnh qua ứng dụng VNeID

Thời gian qua, chị Lê Bích Thảo (22 tuổi) sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) thay cho thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân 115. Chỉ sau vài giây quét mã QR, toàn bộ thông tin đều hiển thị trên hệ thống, không phải chờ nhân viên bệnh viện nhập liệu thủ công như trước.

S4c.jpg
Nhân viên Bệnh viện TP Thủ Đức hướng dẫn cách sử dụng Sổ sức khỏe điện tử cho người đến khám bệnh

Đến Bệnh viện Nhân dân 115 vào đầu tháng 11, chị Thảo càng bất ngờ hơn khi có thể dùng ứng dụng VNeID trong điện thoại để đăng ký, không cần xuất trình thêm giấy tờ nào khác. “Tôi vừa khám phá Sổ SKĐT tích hợp ở VNeID còn lưu thông tin khám chữa bệnh của tôi mấy năm trước, rất chi tiết và đầy đủ”, chị Lê Bích Thảo chia sẻ.

Sau khi được nhân viên y tế tư vấn, ông Phạm Anh Dũng (66 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) kiểm tra thông tin trên ứng dụng VNeID. Mục Sổ SKĐT hiển thị lịch sử khám huyết áp, tiểu đường, xương khớp, với kết quả xét nghiệm được mô tả chi tiết. “Tôi sẽ chuyển ngay sang cách đăng ký khám bệnh mới vì không cần mang thẻ BHYT hay giấy tờ hồ sơ cũ, thoát cảnh “tay xách nách mang”, ông Dũng nói.

Theo BS-CKII Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115, ngay từ năm 2023, bệnh viện đã triển khai đăng ký khám bệnh bằng thẻ CCCD. Từ tháng 9-2024, bệnh viện thí điểm Sổ SKĐT tích hợp trên ứng dụng VNeID (định danh mức 2), nâng cao hiệu quả chuyển đổi số y tế. Sau những khó khăn ban đầu, tỷ lệ người bệnh sử dụng CCCD và ứng dụng VNeID đăng ký khám bệnh đạt mức 99% nhờ sự kiên trì hướng dẫn và hỗ trợ của nhân viên y tế. Bệnh viện cũng đang tích hợp giấy chuyển tuyến và hẹn tái khám vào Sổ SKĐT.

Việc chuyển đổi này giúp tiết kiệm thời gian nhập liệu cho nhân viên y tế, giảm thủ tục cho người bệnh, tăng độ chính xác và không xảy ra tình trạng sử dụng thẻ BHYT của người khác. Về lâu dài, BS Nguyễn Thanh Hải kỳ vọng, khi dữ liệu y tế liên thông và người bệnh cho phép truy cập lịch sử khám bệnh, bác sĩ sẽ thuận lợi khi đánh giá tổng quan tình hình người bệnh. Xa hơn nữa, tiến tới khám bệnh không giấy tờ, người bệnh quản lý sức khỏe cá nhân qua điện thoại mọi lúc, mọi nơi.

Tại TPHCM, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Y học cổ truyền... đang tích cực triển khai Sổ SKĐT tích hợp trên ứng dụng VNeID. Tính đến tháng 11-2024, toàn thành phố có hơn 1 triệu Sổ SKĐT được tích hợp trên ứng dụng VNeID, hơn 58.000 giấy hẹn tái khám và hơn 5.000 giấy chuyển tuyến cũng được tích hợp. Nhiều người ví von, bước chuyển đổi này khá giống với thanh toán viện phí không tiền mặt vì thời gian đầu, người bệnh cảm thấy e dè. Tuy nhiên, sau đó, việc quẹt thẻ, quét mã QR đã phủ khắp các bệnh viện cũng như các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Tìm giải pháp gỡ vướng

Thuận tiện và khoa học, nhưng Sổ SKĐT trên ứng dụng VNeID vẫn chưa “chạm” được đến hầu hết người bệnh. Thực tế, người bệnh là người cao tuổi chiếm tỷ lệ không nhỏ ở các cơ sở khám chữa bệnh. Nhóm đối tượng này ít sử dụng điện thoại thông minh hoặc không mặn mà với công nghệ, quen phương thức truyền thống như dùng thẻ BHYT giấy, sổ khám bệnh giấy, đơn thuốc giấy…

Bà Trần Thùy Vân (68 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) lý giải, bà rất sợ bị lộ mật khẩu, thông tin cá nhân, hoặc bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng khi mở ứng dụng trên điện thoại. Vì thế, hành trang khi khám bệnh định kỳ của bà Vân là một túi ni lông đựng sổ khám bệnh, phim X-quang, phiếu xét nghiệm. Không ít lần bà bối rối vì tìm không ra giấy tờ cần thiết.

Nhìn nhận thực tế, PGS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng, việc tích hợp Sổ SKĐT trên ứng dụng VNeID nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người bệnh trẻ tuổi. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở người bệnh lớn tuổi, người bệnh ở vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận với công nghệ, người chưa cập nhật ứng dụng VNeID định danh mức 2, hoặc khi người bệnh không dùng điện thoại thông minh. Đáng lưu ý, trẻ em từ sơ sinh đến dưới 16 tuổi chưa được làm CCCD và cài đặt ứng dụng VNeID sẽ không thể liên thông thông tin để triển khai Sổ SKĐT. Đề nghị có giải pháp cho các vướng mắc nêu trên, cũng như triển khai Sổ SKĐT đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố vì rất đông người bệnh ở địa phương khác đến TPHCM khám, điều trị.

Trước tình hình trên, TPHCM phát động cao điểm 55 ngày đêm triển khai hiệu quả Sổ SKĐT trên ứng dụng VNeID tại các cơ sở khám chữa bệnh. PGS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhấn mạnh, Sổ SKĐT là công cụ hữu hiệu giúp quản lý sức khỏe người dân, là nền tảng để liên thông dữ liệu cơ sở y tế, xây dựng hệ sinh thái y tế số, phục vụ công tác chăm lo sức khỏe người dân. Do vậy, các bệnh viện phải ưu tiên nguồn lực cho công nghệ thông tin, tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế để hỗ trợ người dân, có các ý tưởng và giải pháp sáng tạo để phát huy tối đa hiệu quả của Sổ SKĐT.