Mỗi năm học, cứ đến tháng 11, trong các ngôi trường từ lớn đến nhỏ, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng cao đến hải đảo… thầy và trò lại chộn rộn, tất bật với các hoạt động cắm hoa, thể thao, văn nghệ… để chào mừng ngày lễ nhà giáo lớn nhất trong năm: 20-11, một ngày mà chủ đề luôn được nhắc đến và tôn vinh, đó là "lòng biết ơn".
Chúng ta thường theo cách nghĩ "một chiều" rằng học sinh biết ơn thầy cô, vì thầy cô là người có công chăm sóc, dạy dỗ, dìu dắt các em, trang bị tri thức cho các em vào đời…
Mà đôi lúc chúng ta không để ý một điều, chính những lúc các em đang tất bật với các hoạt động sôi nổi đó để hướng về thầy cô, thì ở một góc nào đó của ngôi trường, ở một góc lớp học, hay trên góc một hành lang trường học, hoặc có khi là dưới ghế đá gần một cái cây nào đó trong sân trường đầy nắng… là những ánh mắt đang nhìn các em với nụ cười dịu dàng, chất phác nhưng cũng rất lặng lẽ… Đó là người thầy, người cô với tâm trạng biết ơn các em học sinh của mình ngoài kia khôn tả.
Chúng tôi biết ơn các em vì màu áo trắng các em đang mặc, biết ơn tà áo dài thướt tha như bay lượn trong sân trường. Màu áo ấy, nó không rực rỡ như sắc màu của cuộc sống, nhưng nó đầy tinh khôi, nó bao bọc một cái gì đó đẹp đẽ, mong manh, yếu đuối mà chúng tôi cứ sợ nó bị phai màu và hoen ố đi. Một màu áo mà khi nó còn trong sân trường này, chúng tôi phải ra sức bảo vệ nó.
Chúng tôi biết ơn những tiếng cười đùa, những tụm năm, tụm ba của các em dưới gốc cây phượng già để cùng chơi đá cầu, nhảy dây, học bài, rồi rượt đuổi nhau với những tiếng la chí chóe mà nghe muốn "bể cái đầu".
Chúng tôi biết ơn những trò tinh nghịch không thốt lên lời khi các em giấu mất cây thước của thầy dạy toán để thầy khỏi kẻ bảng, để hôm đó thầy không thể ra mấy đề toán khó, đủ cách câu giờ cho mau hết tiết, hay giấu mất cây "thiết bảng" của "bà cô chủ nhiệm" vừa già, vừa dữ.
Biết ơn cả những vẻ mặt cau có, quạu quọ của các em khi các em bị la rầy vì không thuộc bài lịch sử, không thuộc nổi một bài thơ, không nhớ nổi một châu lục của môn địa lý. Biết ơn cả những ánh mắt "đầy căm phẫn" của các em khi cả lớp bị phạt đứng hết tiết học vì ồn ào, vì bị chép phạt, vì giấu mất sổ đầu bài…
Biết ơn cả những trò quá khích của các em khi trét "mắt mèo" lên bàn giáo viên, xì luôn bánh xe, bẻ luôn ghi đông xe của ông thầy, bà cô nổi tiếng dữ nhất trường, hay giấu luôn cái dùi trống của thầy giám thị để thầy khỏi đánh trống hết giờ chơi, để "tụi mình" chơi lâu thêm chút nữa… hay cùng nhau "cúp cua" với đủ thứ lý do vô cùng "chính đáng", hoặc "biến hóa" ra đôi mắt đầy vẻ "vô tư" đến "tội nghiệp" khi cuỗm mất dĩa bánh dày đang để trên bàn thờ tổ nhân lễ giỗ tổ Hùng Vương khi thầy hiệu trưởng chưa kịp thắp nhang...
Biết ơn những tình yêu "duy nhất" mà các em dành cho thầy cô, như câu chất vấn vô tư của một cô bé lớp 6 với thầy dạy thể dục chỉ vì em thấy thầy "ôm" cô chủ nhiệm "thần tượng" của em trong một tiết mục múa của giáo viên nhân lễ hội truyền thống của trường: "Sao thầy dám ôm cô chủ nhiệm của con?!!!".
Các em biết đấy, đó là "chúng tôi" của thời mười ba, mười lăm, mười bảy tuổi… đầy hồn nhiên, vô tư, đầy các trò tinh nghịch và cũng đã nhiều lần làm cho thầy cô chúng tôi "trở tay không kịp".
Và giờ đây, chúng tôi biết ơn vì chính nơi các em, tuổi thơ chúng tôi ùa về, nhờ các em, chúng tôi sống với tuổi thơ của mình một lần nữa, nhất là với những thầy cô trải qua thời đất nước còn chiến tranh, thì mỗi ngày đến trường là đầy những nỗi lo toan, cứ sợ học trò của mình dậm phải bom mìn trên những con đường đất, trên những cánh đồng khi đến trường, sợ chúng nó ướt mất tập sách khi băng qua con suối, con sông chảy cuồn cuộn như thác đổ, ngồi học mà thầy trò hồi hộp vì tiếng máy bay chiến đấu bay rầm rầm ngay trên đầu…! Rồi hồi hộp khi mỗi ngày lên lớp điểm danh xem sĩ số còn đủ không, có "thiếu" đứa nào không?…
Đến những tháng ngày cuối năm học, mỗi khi đi ngang qua cổng trường - cái cổng sắt vô tri đó, chúng tôi thấy "ghét" nó vô cùng, bởi vì nó ngăn cách "tuổi thơ" và "tuổi đời", vì chúng tôi biết, chỉ còn vài ngày tháng ngắn ngủi thôi, học sinh của chúng tôi, màu áo trắng chúng tôi ra sức bảo vệ kia sẽ bay ra khỏi cánh cửa đó, để hòa vào sắc màu của cuộc sống không ít sóng gió, không ít cám dỗ có thể làm hoen ố đi màu trắng tinh khôi của mười hai năm đèn sách, nhưng cũng tràn đầy những cơ hội để trãi nghiệm, để trưởng thành…
Chúng tôi biết ơn tất cả các cảm xúc mà các em đã mang lại cho chúng tôi. Chính điều ấy đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả những vui buồn trong nghề nhà giáo, giúp chúng tôi dũng cảm vượt qua những cơn tê buốt ở chân vì đứng quá lâu, vượt qua những cơn buồn ngủ díp mắt, có khi mờ cả mắt vì chong đèn cả đêm chấm bài, soạn giáo án, vượt qua tất cả các áp lực của thanh tra, kiểm tra định kỳ, vượt qua những ganh ghét, đố kỵ của đồng nghiệp, vượt qua hàng chục cây số đồi núi, sông sâu để đến trường cho kịp giờ dạy, vượt qua những quy định, ràng buộc của ngành, của trường mà chúng tôi phải tuân theo vì những chuẩn mực của nghề nhà giáo, vượt qua cả những "luật lệ" mà xã hội quy định cho chúng tôi nữa…
Nhưng dù như thế, mỗi ngày khi đứng trên bục giảng nhìn vào đôi mắt trong veo cùng ý nghĩ "không biết hôm nay chúng lại định giở trò gì nữa đây" của các em, chúng tôi lại mỉm cười…
Vì tất cả những điều đó, tôi mong tất cả các em hãy sống, hãy học, hãy vui, hãy buồn, hãy khóc, rồi hãy cười thật tươi vì tuổi học trò của chúng ta, vì thời áo trắng của chúng ta, cái thời mà nếu qua rồi thì sẽ không bao giờ quay trở lại.