Ngày 22-11, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). 

Đề nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với máy lạnh

Về xe bán tải (xe pickup), đại biểu (ĐB) Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) và Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cùng một số ĐB khác chia sẻ quan điểm không nên tăng thuế với mặt hàng này, vì đây là sản phẩm chủ yếu được sử dụng ở nông thôn, phục vụ hoạt động nông nghiệp.

ĐB Phan Đức Hiếu đề nghị giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc ít nhất thời điểm áp dụng từ năm 2027 với lộ trình tăng là mỗi năm là 1/3 thuế suất dự kiến tăng đối với mặt hàng này.

Đề cập đến một số mặt hàng cụ thể, ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng, nước giải khát có đường tuy chưa phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì, nhưng lại là mặt hàng tác động rất lớn đến trẻ em.

“Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ xem tác động đến mức nào, thậm chí cả các mặt hàng khác như bánh kẹo, đồ ăn... để đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng”, ĐB Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh.

Về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều ý kiến tập trung vào các mặt hàng chịu thuế, đặc biệt là điều hòa nhiệt độ (máy lạnh). Các ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh, ĐB Nguyễn Minh Hoàng và ĐB Trương Trọng Nghĩa (cùng đoàn TPHCM) cho rằng, việc đưa điều hòa nhiệt độ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải có lý do thuyết phục và giải trình hợp lý.

54f87fa82d2f9671cf3e.jpg
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Theo các ĐB, điều hòa nhiệt độ không còn là mặt hàng xa xỉ mà đã trở thành nhu cầu thiết yếu, nhất là trong điều kiện khí hậu nóng bức.

Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tạo thêm gánh nặng tài chính cho người dân. Vì vậy, các ý kiến đề xuất loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ dưới 90.000 BTU (công suất làm lạnh của điều hòa).

Về thuế đối với xăng, ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) đồng tình với một số ý kiến rằng, chưa nên đưa xăng vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, mà cần cân nhắc lộ trình phù hợp để không gây xáo trộn lớn.

92e2665f14d9af87f6c8.jpg
ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Lý do hiện nay xăng là nhiên liệu thiết yếu, là nguồn năng lượng chính cho giao thông và sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nếu xăng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, giá xăng sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân, chi phí sản xuất, và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Ưu đãi thuế cho lĩnh vực văn hóa, báo chí

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh, văn hóa và báo chí là những lĩnh vực rất quan trọng, cần có chính sách thuế ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên, báo chí đang đối mặt với áp lực tài chính lớn do nguồn thu từ quảng cáo giảm mạnh, trong khi chi phí đầu tư cơ sở vật chất và chuyển đổi số tăng cao.

7ff929007e87c5d99c96.jpg
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TPHCM Hà Phước Thắng điều hành phiên thảo luận tại tổ TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC

Để hỗ trợ báo chí vượt qua khó khăn, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị, mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo chí nên được thống nhất ở mức 10% cho tất cả các hoạt động thu nhập, bao gồm cả báo in và các hoạt động khác liên quan của cơ quan báo chí.

bba059940913b24deb02.jpg
ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) thống nhất với ý kiến của ĐB Trần Hoàng Ngân rằng, mức thuế suất hiện đối với báo chí là 10% vẫn còn cao trong bối cảnh hiện nay và cho rằng phải giảm sâu hơn nữa. ĐB đề xuất cần giảm thuế suất đối với báo in xuống mức thấp hơn, khoảng 5% hoặc 0% để hỗ trợ các cơ quan báo chí.

21ec59a0cc2777792e36.jpg
ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Một vấn đề khác được nêu ra là việc áp dụng thuế đối với hoạt động cho thuê văn phòng tại các tòa nhà thuộc sở hữu của cơ quan báo chí.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) đề nghị, xem tất cả các hoạt động liên quan đến vận hành tòa nhà của các cơ quan báo chí, kể cả phần cho thuê, như một phần trong tổng thể hoạt động của báo chí. Từ đó, các hoạt động này cũng được hưởng ưu đãi thuế tương tự như hoạt động báo chí.

c53086c10b41b01fe950.jpg
ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên). Ảnh: QUANG PHÚC

Liên quan đến ý kiến giảm thuế và có chính sách thuế ưu đãi hơn cho các cơ quan báo chí, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng, để hỗ trợ báo chí thì không chỉ hỗ trợ chính sách thuế mà còn nhiều cách thức khác. ĐB Đỗ Chí Nghĩa rất mong là có những tính toán để có sự đồng bộ hơn nữa trong việc khuyến khích các cơ báo chí làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Gỡ khó cho các đơn vị sự nghiệp công lập

Đối với giáo dục đại học công lập, ĐB Vũ Hải Quân (TPHCM) đặt vấn đề: "Có nên coi giáo dục đại học là dịch vụ để áp thuế hay không?"

ĐB chỉ ra rằng, các trường đại học phi lợi nhuận tại nhiều quốc gia không chịu thuế, trong khi ở Việt Nam, các trường công lập phải nộp 2% thuế thu nhập doanh nghiệp từ học phí.

Việc thu thuế này tạo gánh nặng tài chính cho sinh viên và phụ huynh, đặc biệt trong bối cảnh các trường đang thực hiện tự chủ tài chính.

27c4177e3bf980a7d9e8.jpg
ĐB Vũ Hải Quân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Ngoài học phí, các hoạt động dịch vụ như căng tin cũng chịu áp lực từ các quy định thuế và yêu cầu nộp lợi nhuận về cơ quan chủ quản. Điều này làm giảm chất lượng phục vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh viên.

Từ phân tích trên, ĐB Vũ Hải Quân đề nghị trong lần sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sắp tới, cần cân nhắc kỹ lưỡng về vấn đề thu thuế đối với các hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học công lập.

31f135d8b85f03015a4e.jpg
ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) góp ý. Ảnh: QUANG PHÚC

Tương tự, ĐB Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh, cần gỡ vướng trong việc sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là trường học.

Các hoạt động như căng tin, bãi giữ xe phục vụ học sinh và giáo viên không nên bị coi là kinh doanh nhằm kiếm lợi nhuận và cần được miễn thuế để giảm gánh nặng tài chính.

Nhiều đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các trường học, gặp khó khăn trong việc sử dụng tài sản công để phục vụ các nhu cầu thiết yếu như căng tin, bãi giữ xe cho học sinh và giáo viên.

c4d836d20654bd0ae445.jpg
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Thị Diệu Thúy đề xuất cho phép các đơn vị sự nghiệp sử dụng tài sản công để phục vụ các nhu cầu thiết yếu (như căng tin, bãi giữ xe) mà không bị xem là kinh doanh tài sản công nhằm kiếm lợi nhuận.

ĐB cho rằng cần quy định miễn thuế hoặc áp dụng ưu đãi thuế cho các hoạt động phục vụ cộng đồng tại các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các trường học từ mầm non đến trung học phổ thông.

698e14d5f952420c1b43.jpg
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Hiện nay, một số đơn vị sự nghiệp đang thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao bởi cơ quan chủ quản, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nghề.

ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM) đề nghị cần bổ sung vào danh mục miễn thuế hoặc ưu đãi thuế cho các hoạt động đào tạo nghề, đặc biệt là dành cho các nhóm thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo.

5de2be02d38468da3195.jpg
ĐB Đỗ Đức Hiển (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp trong khu công nghệ thông tin tập trung, ĐB Trần Thị Diệu Thúy cho biết, hiện nay, Việt Nam đang tập trung thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển công nghệ thông tin.

Tại TPHCM, Khu Công nghệ Phần mềm Quang Trung là khu công nghệ thông tin tập trung hàng đầu. Tuy nhiên, khu này hiện đã hết công suất và cần mở rộng thêm để đáp ứng nhu cầu phát triển.

a83a6898401ffb41a20e-1.jpg
ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Thị Diệu Thúy đề nghị, bổ sung vào luật các quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trong các khu công nghệ thông tin tập trung. Đây là chính sách cần thiết để thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghệ cao, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số.

Tránh trục lợi, thất thoát nguồn thu

Trao đổi với các ĐB về 2 dự thảo luật trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, các đạo luật này phải đảm bảo công bằng, hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng cũng phải tránh tình trạng trục lợi, thất thoát nguồn thu.

Nhấn mạnh nguyên tắc “các quy định về thuế phải thể hiện trong luật thuế”, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định lưu ý, hiện có nhiều luật quy định về ngành nghề được ưu đãi thuế (tuy không nêu rõ mức thuế suất), cần rà soát kỹ để quy định rõ vào luật này.