Với tổng chiều dài chính tuyến dự kiến khoảng 1.541km, tổng mức đầu tư khoảng 33 tỷ USD sở hữu quy mô chưa từng có tại Việt Nam, dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc – Nam được chính các doanh nghiệp Việt thừa nhận là “cơ hội trăm năm”. Tuy nhiên, để chớp được cơ hội này, lại là thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần phải rất bền gan vững chí để vượt qua.

Tại Hội nghị lần thứ mười vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350km/giờ) trên trục Bắc - Nam. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, ngày 13/11/2024 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án này. Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, tuyến đường sắt bắt đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm) đi qua địa phận 20 tỉnh, thành, chiều dài tuyến khoảng 1.541km. Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.

Về công nghệ, đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán, tàu hàng sử dụng động lực tập trung; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao trên thế giới.

doanh nghiep viet voi du an duong sat cao toc bac  nam de khong bo lo co hoi tram nam hinh 1

Đề xuất lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm tàu đạt tốc độ thiết kế 350km/h. Chính phủ đề xuất bố trí 23 ga hành khách, dự kiến mỗi vị trí ga quy hoạch không gian phát triển từ 200-500ha, 5 ga hàng hóa, quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5ha. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD).

Thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc Nam, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, hành lang Bắc - Nam là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, có vai trò, ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kết nối các hành lang Đông - Tây, các cực tăng trưởng để tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Việc phát triển giao thông theo trục Bắc - Nam giúp kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng và các hành lang kinh tế của khu vực và thế giới.

Ngoài ra, việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn, gia tăng phương tiện cá nhân gây nên ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở các đô thị lớn, đang gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Với ý nghĩa lớn lao, với quy mô chưa từng có tiền lệ như thế, việc tham gia dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam trên hết là vinh dự lớn của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. Tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao - cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức ngày 19/11, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, đã đánh giá đường sắt tốc độ cao là “cuộc cách mạng, thay da đổi thịt đối với các nhà thầu xây dựng”. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nhận định, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ mang đến cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về công nghệ và kỹ thuật. Tập đoàn Đèo Cả đã sớm triển khai chiến lược cụ thể để sẵn sàng tham gia dự án, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên biệt và phát triển các giải pháp công nghệ nội địa hóa. Ông Văn Hồng Tuân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 cho biết, doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị nguồn lực về nhân sự, thiết bị và các điều kiện cần thiết khác. “Mong rằng cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, qua đó nâng tầm năng lực và vị thế của mình”, ông Tuân bày tỏ. Còn PGS.TS Trần Chủng (Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam) thì nhấn mạnh: Việc tham gia dự án sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt hiểu, tiến tới tiếp nhận, làm chủ, phát triển công nghệ trong tương lai.

Cơ hội là rất lớn, là “trăm năm có một”,  nhưng như nhận định của Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, dự án cũng đặt ra nhiều thách thức về công nghệ và kỹ thuật. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, đánh giá dự án đường sắt tốc độ cao không quá khó về mặt công nghệ xây dựng hạ tầng nhưng quy mô rất lớn, tuy nhiên, để xây dựng tuyến đường sắt đạt tốc độ 350 km/h, các nhà thầu Việt Nam sẽ phải đối mặt với những yêu cầu kỹ thuật vô cùng khắt khe và đòi hỏi ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, vượt xa so với các dự án giao thông thông thường. “Các nhà thầu trong nước cần ý thức đây là một trận địa công nghệ mới, phải học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng” - ông Hiệp nói.

Còn theo ông Đào Ngọc Vinh, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT TEDI, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đòi hỏi chính xác tuyệt đối, vì thế, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật vô cùng phức tạp và khắt khe hơn nhiều so với đường bộ, những yêu cầu khác biệt về thiết kế hạ tầng, đòi hỏi các nhà thiết kế và thi công phải có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế. “Cả đường sắt tốc độ cao và đường bộ cao tốc đều có kết cấu hạ tầng nền đường, cầu, hầm. Chỉ riêng về tốc độ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là 350km/h còn đường bộ là 120km/h đã là sự khác biệt lớn. Tốc độ này là yếu tố hết sức quan trọng, liên quan tới quy định kĩ thuật kết cấu hạ tầng” - ông Vinh chia sẻ

doanh nghiep viet voi du an duong sat cao toc bac  nam de khong bo lo co hoi tram nam hinh 2

Ở một góc nhìn khác, thách thức lớn khác, với nhiều doanh nghiệp, chuyên gia còn là câu chuyện cần hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù. “Quan trọng nhất là phải có chiến lược triển khai việc này, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước. Cơ chế chính sách là rất cần thiết. Dự án này không thể thành công, triển khai đúng tiến độ, trơn tru nếu thiếu cơ chế chính sách đặc thù”- Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu bày tỏ quan điểm. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nói thêm, cái này khó vì chưa có tiền lệ. Việc xác định bao nhiêu nhóm cơ chế chính sách hay cơ chế chính sách như thế nào... vẫn là thách thức. Tại cuộc Toạ đàm ngày 19/11, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thì cho rằng: “Đường sắt tốc độ cao là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện năng lực, nhưng cần sự đồng lòng và liên kết chặt chẽ. Việc xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp tự tin đầu tư công nghệ và nhân lực.”

Về hành lang pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, hiện nay, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang trình đang có 19 nhóm cơ chế đặc thù, đặc biệt bao gồm nhiều cơ chế đã áp dụng với các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Để dự án đạt hiệu quả, việc hoàn thiện hành lang pháp lý và ban hành tiêu chuẩn quốc gia là rất quan trọng. Các cơ chế đặc thù đã áp dụng trong các dự án đường bộ cao tốc cần được rà soát, điều chỉnh để phù hợp với thực tế, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng và cấp phép mỏ vật liệu. Điều này sẽ giúp giảm thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tự tin đầu tư công nghệ và nhân lực. Đối với các dự án có quy mô lớn, ông Nguyễn Quang Huy đề xuất ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước có năng lực quản trị, đã có những sản phẩm cụ thể tổ chức dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác và ưu tiên đối với các doanh nghiệp địa phương nơi có dự án đi qua. 

Như lẽ thường, cơ hội luôn đi kèm với thách thức, áp lực. Nhưng, như ngạn ngữ cũng có câu, áp lực tạo ra kim cương. Vấn đề quan trọng nhất hẳn vẫn là có quyết tâm để vượt qua những áp lực thách thức ấy hay không.

Trở lại với dự án tuyến đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam, như nhấn mạnh của Thủ tướng: Chỉ bàn làm, không bàn lùi, với các doanh nghiệp Việt tham gia dự án, điều quan trọng nhất lúc này ắt hẳn nên là tâm thế “phải chiến thắng trên trận địa công nghệ xây dựng mới”, là “cùng bàn, cùng làm, cùng thụ hưởng”, là chớp cho được “cơ hội trăm năm”. Năm xưa, trong chiến tranh, gian khổ ác liệt, hạn chế cả về sức người sức của, lại trong bom đạn cận kề, quân dân ta vẫn mở thành công tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, thì nay, trong hoà bình, trong vận hội, tâm thế, khí thế phát triển mới của đất nước, trong sự tiến bộ vượt bậc của ngành xây dựng Việt, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về một ngày tuyến đường sắt cao tốc trục Bắc - Nam sẽ trở thành hiện thực, tạo bước đột phá, mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.