Chiều 28-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Đề xuất miễn thuế đến hết năm 2025
Đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7%, cần có thêm các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dự báo về tình hình kinh tế thế giới, ĐB Trần Hoàng Ngân đặc biệt nhấn mạnh tác động từ chính sách bảo hộ thương mại mạnh mẽ của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Chính sách "Nước Mỹ là trên hết" chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trước những thách thức đó, ĐB Trần Hoàng Ngân nhận định rằng, tiêu dùng trong nước sẽ trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2025. Điều này đòi hỏi các chính sách cần tập trung vào việc kích thích sức mua và tiêu thụ nội địa.
Đồng thời, rút kinh nghiệm từ năm 2023-2024, khi chính sách giảm thuế GTGT được triển khai trong thời hạn 6 tháng và sau đó phải xin ý kiến Quốc hội để gia hạn.
Do vậy, lần này, ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất việc giảm thuế GTGT 2% nên được áp dụng từ ngày 1-1-2025 đến hết ngày 31-12-2025, nhằm đảm bảo tính ổn định và hiệu quả của chính sách.
Dù đồng tình với giảm thuế GTGT, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói rằng không nên giảm lắt nhắt 6 tháng thế này. Bởi theo ĐB, Chính phủ có đảm bảo sau 6 tháng sẽ không trình Quốc hội giảm thuế GTGT 2% thêm?
ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị rà soát để không phải trình nhiều lần và đề xuất Chính phủ rà soát thêm vì sao có doanh nghiệp được giảm thuế GTGT, có doanh nghiệp không được, để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp, ngành hàng.
ĐB Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) góp ý, giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2025 cần phải có phương án dự phòng để cân đối hài hòa về ngân sách trong triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì năm 2025 là năm có rất nhiều các dự án lớn và đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia cần ngân sách rất lớn.
ĐB Nguyễn Trúc Sơn đề nghị, Chính phủ cũng nên quan tâm và Quốc hội cũng nên để ý trong quá trình thu ngân sách và chi ngân sách đảm bảo cân đối hài hòa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Giải trình một số ý kiến, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhìn nhận, việc đánh giá tác động của chính sách giảm thuế GTGT đến doanh nghiệp vẫn còn chưa được thực hiện đầy đủ và kịp thời.
Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu, GDP có xu hướng tăng lên khi thực hiện chính sách này, và thu ngân sách Nhà nước trong thời gian vừa qua cũng đã có những bước tăng trưởng đáng kể, chứng tỏ các chính sách điều hành kinh tế đã mang lại hiệu quả tích cực.
Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra nếu giảm thuế GTGT, các địa phương cần chủ động và tích cực trong việc tăng thu ngân sách từ các nguồn khác để đảm bảo dự toán đã được giao, bởi việc giảm thuế không đồng nghĩa với việc giảm chỉ tiêu dự toán ngân sách.
Việc giảm thuế, theo ước tính, sẽ làm ngân sách Nhà nước giảm khoảng 26.000 tỷ đồng trong vòng 6 tháng. Vì thế, cần sự nỗ lực lớn từ các bộ, ngành và địa phương để đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Theo Phó Thủ tướng, chính sách giảm thuế GTGT sẽ được áp dụng trong thời gian 6 tháng, nhằm tạo khoảng thời gian để đánh giá và dự phòng các biến động kinh tế có thể xảy ra.
Phó Thủ tướng lưu ý, các thách thức có thể đến từ những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nếu các thị trường này tăng thuế nhập khẩu, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn.
Phó Thủ tướng thấy buồn khi bàn về chuyện giảm thuế. Bởi vì quan trọng nhất là làm thế nào để doanh nghiệp chúng ta ngày một giàu lên, ngày một mạnh lên và hăng hái hơn khi đóng góp vào ngân sách để chúng ta không bội chi ngân sách nữa, không phải đi vay nước ngoài nữa. Đấy mới là mục tiêu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào giảm thuế, bởi thuế chỉ là một trong rất nhiều giải pháp. Để thực sự tháo gỡ khó khăn, cần tập trung vào cải cách cơ chế chính sách, cải thiện thủ tục đầu tư, giải quyết các vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về đất đai, gói tín dụng, thị trường, nguồn nhân lực và công nghệ.
Giảm thuế động viên doanh nghiệp
Phó Thủ tướng cũng dẫn chứng thuế GTGT ở một số quốc gia để so sánh, khẳng định mức thuế GTGT hiện tại ở Việt Nam thuộc nhóm thấp trên thế giới.
Đồng thời, đưa ra ví dụ về các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Israel với mức thuế 17%, hay các nước châu Âu dao động từ 20% đến 25%. “Như vậy, mức thuế của Việt Nam chỉ bằng một nửa so với nhiều nước trên thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
“Thuế chỉ là một phần rất nhỏ”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, song đây là động lực khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn.
Cụ thể, việc giảm thuế 26.000 tỷ đồng, nếu chia đều cho 1 triệu doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp chỉ nhận được khoảng 30 triệu đồng - con số không thực sự lớn.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là chính sách này mang tính động viên, giúp các doanh nghiệp cảm thấy được đồng hành và hỗ trợ, từ đó vững tin hơn trong việc duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh.