Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc TW quyết liệt thực hiện sắp xếp đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi lãnh đạo, quản lý để bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.
Ngày 5/12, ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương kiêm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã ký ban hành Công văn số 22-CV/BCĐ về triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18.
Công văn số 22-CV/BCĐ gửi các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương nêu rõ:
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 56-NQ/TW, ngày 25/11/2024, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai tổng kết Nghị quyết 18 và cơ bản thống nhất một số nội dung định hướng, gợi ý của Bộ Chính trị để các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về thời gian tổ chức Hội nghị Trung ương (dự kiến giữa tháng 2/2025) và kỳ họp Quốc hội bất thường (dự kiến cuối tháng 2/2025); để bảo đảm thời gian tiến hành tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngay việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy với các nhiệm vụ cụ thể sau:
Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt thực hiện sắp xếp đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi lãnh đạo, quản lý để bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, phù hợp tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương (thực hiện ngay từ tháng 12/2024).
Rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi lãnh đạo, quản lý theo các nội dung gợi ý, định hướng của Bộ Chính trị.
Nghiên cứu xây dựng đề án kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh, các đảng bộ khối cấp tỉnh; thành lập đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh (đồng thời, lập đảng bộ/chi bộ hội đồng nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trực thuộc đảng ủy cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh); đảng bộ chính quyền cấp tỉnh; nhân sự tham gia ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư các đảng ủy (chi bộ) ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức hiện nay có đảng đoàn, ban cán sự đảng theo thẩm quyền:
Lập Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy, hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, các hội quần chúng cấp tỉnh do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Đảng ủy cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh gồm: Ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy. Đồng chí phó bí thư thường trực cấp ủy cấp tỉnh làm bí thư, 1 đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh làm phó bí thư, có thể bố trí 01 đồng chí Phó Bí thư đảng ủy chuyên trách; đồng chí chủ tịch hội đồng nhân dân chuyên trách (những nơi bố trí chủ tịch hội đồng nhân dân kiêm nhiệm thì phó chủ tịch thường trực hội đồng nhân dân), trưởng các ban đảng cấp tỉnh, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tham gia ban thường vụ đảng ủy; Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của đảng ủy cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh; ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh dự kiến có 4 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan cấp ủy cấp tỉnh, gồm: Ban tổ chức, cơ quan Ủy ban kiểm tra, ban tuyên giáo- dân vận, văn phòng.
Đảng bộ (chi bộ) Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh (hiện nay có đảng đoàn), gồm: ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy (chi ủy), bí thư, phó bí thư. Bí thư đảng ủy (chi bộ) là đồng chí bí thư (chủ tịch) của các tổ chức nêu trên; một đồng chí phó bí thư (phó chủ tịch) là phó bí thư đảng ủy (chi bộ); các đồng chí phó bí thư (phó chủ tịch) và đồng chí trưởng ban (phòng) có nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức, cán bộ của các tổ chức nêu trên tham gia ban thường vụ, ban chấp hành.
Đảng bộ (chi bộ) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm: ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy (chi ủy), bí thư, phó bí thư. Bí thư đảng ủy (chi bộ) là đồng chí chủ tịch hội đồng nhân dân chuyên trách (những nơi bố trí chủ tịch hội đồng nhân dân kiêm nhiệm thì phó chủ tịch thường trực hội đồng nhân dân); một đồng chí phó chủ tịch là phó bí thư đảng ủy (chi bộ); các đồng chí trưởng các ban và chánh văn phòng của hội đồng nhân dân tham gia ban thường vụ, ban chấp hành.
Đảng bộ tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm: ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy, bí thư, phó bí thư. Bí thư đảng ủy là đồng chí chánh án (viện trưởng); một đồng chí phó chánh án (phó viện trưởng) là phó bí thư đảng ủy; các đồng chí phó chánh án (phó viện trưởng) và đồng chí trưởng phòng có nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức, cán bộ của các tổ chức nêu trên tham gia ban thường vụ, ban chấp hành.
Ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh cho chủ trương trước khi cấp ủy trực thuộc chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư các đảng ủy (chi bộ) ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức nêu trên.
Ban Bí thư quy định đảng ủy (chi bộ) thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ (chi bộ) và của đảng đoàn, ban cán sự đảng các tổ chức nêu trên hiện nay.
Lập Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, một số doanh nghiệp Nhà nước (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp) (các doanh nghiệp còn lại chuyển về trực thuộc cấp ủy cấp huyện). Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh ngoài các chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự đảng như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cấp ủy trực thuộc; dự kiến đề xuất chuyển một số nhiệm vụ công tác đảng vụ của đảng ủy chính quyền cấp tỉnh về đảng ủy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (cấp cơ sở), một số nhiệm vụ sẽ do ban đảng cấp ủy cấp tỉnh thực hiện.
Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh gồm ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy. Đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm bí thư; 01 đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh làm phó bí thư, có thể bố trí 1 đồng chí phó bí thư đảng ủy chuyên trách; các đồng chí phó chủ tịch và một số thành viên ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham gia ban thường vụ đảng ủy; Ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy chính quyền cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Ban Bí thư quy định ban thường vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng ủy ban nhân dân cấp tỉnh hiện nay.
Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh dự kiến có 4 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, gồm: Ban tổ chức, cơ quan Ủy ban kiểm tra, ban tuyên giáo - dân vận, văn phòng (riêng Đảng bộ quân sự và đảng bộ công an, đảng bộ biên phòng cấp tỉnh trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh giữ nguyên như hiện nay).
Thực hiện sáp nhập, giải thể kết thúc nhiệm vụ một số ban chỉ đạo của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, đảng ủy khối cấp huyện (nếu có); cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo các quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của địa phương bảo đảm có kết quả cụ thể, hiệu quả rõ rệt.
Rà soát bổ sung, sửa đổi các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; sắp xếp, bố trí, điều chuyển nhân sự và chuẩn bị tốt các điều kiện để tiến hành đại hội đảng bộ các cấp.
Những nội dung sau khi có nghị quyết (kết luận) của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư:
Thực hiện sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện theo các quy định của Đảng. Tiếp tục rà soát bổ sung, sửa đổi các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; sắp xếp, bố trí, điều chuyển nhân sự… bảo đảm các điều kiện tiến hành đại hội đảng bộ các cấp.
Ban hành quyết định kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh, các đảng bộ khối cấp tỉnh; thành lập các đảng bộ sau khi có chủ trương của Trung ương; chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư các đảng ủy: Đảng ủy cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp và Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Ban hành các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác và quy chế làm việc của đảng uỷ cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh và đảng ủy chính quyền cấp tỉnh sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định.
Tổ chức thực hiện
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, trực tiếp là người đứng đầu tập trung chỉ đạo, khẩn trương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ tỉnh, thành ủy đến cơ sở sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay, không để gián đoạn công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và xã hội.
Phân công cụ thể trách nhiệm triển khai xây dựng các nhiệm vụ về sắp xếp, giải thể, sáp nhập cơ quan, đơn vị theo đúng kế hoạch, tiến độ; định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ, đề án về Ban Chỉ đạo (qua Ban Tổ chức Trung ương) trước 15 giờ thứ 6 hằng tuần.
Ngoài những nhiệm vụ nêu trên, căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo có thể bổ sung, điều chỉnh một số nhiệm vụ và thời gian thực hiện cho phù hợp./.