Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện các nghị quyết, tránh tình trạng nghị quyết nói thì hay, nhưng khi thực hiện lại từ hy vọng trở thành thất vọng, là nhiệm vụ ưu tiên trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Những nghị quyết "cách mạng" và "thần tốc"

Ngày 20.9, phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: T.Ư Đảng thống nhất cao, trong giai đoạn mới cần tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

'Đừng để nghị quyết nói hay, thực hiện lại trở thành thất vọng'- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện các nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm để đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

ẢNH: TTXVN

Hơn 2 tháng sau, tại Hội nghị T.Ư khóa XIII hôm 25.11.2024, T.Ư Đảng đã thống nhất quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Trong phát biểu tại hội nghị quán triệt nghị quyết của T.Ư về sắp xếp, tinh gọn bộ máy ngay sau đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: không thể chậm trễ hơn được nữa".

Tinh thần "không thể chậm trễ hơn được nữa" này đã kích hoạt một cuộc "cách mạng thần tốc" tinh gọn bộ máy với sự quyết liệt của Ban Chỉ đạo T.Ư mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm. Chỉ trong khoảng 2 tháng cuối năm 2024, cả hệ thống chính trị đã chuyển động một cách khẩn trương và quyết liệt với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "T.Ư không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở" để thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tới Hội nghị T.Ư Đảng khóa XIII ngày 23 - 24.1 vừa qua, T.Ư đã thống nhất các phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy để triển khai và hoàn thành trong quý 1/2025.

Dù được khởi xướng từ năm 2017 với Nghị quyết 18 của T.Ư Đảng khóa XIII, nhưng chỉ tới cuối năm 2024, đầu năm 2025, mới là "điểm bùng phát" khiến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy mới có sự chuyển biến về chất.

Cùng với cuộc "cách mạng" về tinh gọn bộ máy, một nghị quyết khác cũng đã được thúc đẩy và triển khai một cách "thần tốc" không kém chính là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

'Đừng để nghị quyết nói hay, thực hiện lại trở thành thất vọng'- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hôm 13.1 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị

ẢNH: GIA HÂN

Ngày 2.9.2024, nhân 79 năm Quốc khánh, Tổng Bí thư có bài viết: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Trong đó, xác định chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.

Cũng chỉ hơn 2 tháng sau, Nghị quyết 57 được Bộ Chính trị được ban hành ngày 22.12.2024 với nhiều mục tiêu tham vọng về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; xác định là động lực quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Quan trọng hơn, Nghị quyết 57 cũng đưa ra những quan điểm, chủ trương, định hướng chính sách được đánh giá rất đột phá, coi đây như một nghị quyết "khoán 10" trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết 57 cũng quyết định thành lập Ban chỉ đạo T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.

Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo hôm 20.1 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nói bản thân ông "rất sốt ruột", muốn triển khai công việc nhanh để giải quyết những vấn đề nền tảng cho Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống. "Nếu chờ ăn Tết xong, cùng với triển khai tổng kết Nghị quyết 18 (về sắp xếp, tinh gọn bộ máy) thì chưa bắt tay vào việc gì cả", Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư cũng đồng thời nhấn mạnh tinh thần triển khai là "không chờ nhau", không để Ban Chỉ đạo chờ Chính phủ trình lên, hay là Chính phủ bảo chờ Ban Chỉ đạo có ý kiến... "Trên chờ dưới báo cáo đề xuất, dưới thì chờ trên chỉ đạo thế nào... thế là cứ để đấy. Với những vấn đề cụ thể, mang tính cấp bách thì phải tập trung xử lý ngay", Tổng Bí thư lưu ý.

Trong việc triển khai Nghị quyết 57, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, "cần thực chất, tránh hình thức".

Tránh tình trạng nghị quyết nói hay, nhưng đi vào chính sách, thể chế cụ thể thì rất khó, thành ra đang từ hy vọng trở thành thất vọng. Trải thảm đỏ mời nhưng bước chân vào thì giẫm phải đinh ở dưới, không đi được

'Đừng để nghị quyết nói hay, thực hiện lại trở thành thất vọng'- Ảnh 3.Tổng Bí thư Tô Lâm

Để thực hiện nghị quyết không còn "gay trăm bề"

Việc ban hành, triển khai chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy cả hệ thống chính trị cũng như đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nói trên là 2 minh chứng sinh động cho sự đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và triển khai các nghị quyết của Đảng thời gian qua.

Thực tế, tình trạng "nghị quyết thì thật là hay/Xem ra thực hiện còn gay trăm bề" đã tồn tại từ lâu. Đã không ít lần các nghị quyết của Đảng nhắc tới tình trạng ban hành nhiều văn bản nhưng chung chung, dàn trải, trùng lắp, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế. Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao.

Nhìn lại thời gian qua, PGS Nguyễn Trọng Phúc, thừa nhận, trước đây chúng ta ra nhiều nghị quyết, và nghị quyết thì thường nói dài và chỉ người nghiên cứu mới hiểu được thôi còn những người hoạt động thực tiễn thì rất khó hiểu. "Đổi mới cách ban hành, triển khai nghị quyết, chủ trương của Đảng là cần thiết", PGS Phúc nói.

'Đừng để nghị quyết nói hay, thực hiện lại trở thành thất vọng'- Ảnh 4.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

ẢNH: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới", đã nêu rõ yêu cầu, nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện; phải xác định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành.

Đồng thời, nghị quyết phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi; tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện nghị quyết của Đảng.

Việc quán triệt, thực hiện nghị quyết phải tạo ra sự tự nhận thức, tự thấm nhuần, nhất là những quan điểm, chủ trương, giải pháp mới.

Nhấn mạnh Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng, chính sách, PGS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, cho rằng trong giai đoạn phát triển của kỷ nguyên mới, cần đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng chiến lược, các định hướng chính sách của Đảng, đổi mới cách ra nghị quyết và đổi mới nội dung của nghị quyết.

Nội dung nghị quyết của Đảng cần tập trung vào những vấn đề cơ bản, lâu dài, giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước, xử lý những vấn đề cụ thể nhưng có ý nghĩa chính trị quan trọng, quan hệ với nhiều tầng lớp xã hội, những vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế.

Nội dung các nghị quyết của Đảng cần xác định rõ, cụ thể các quan điểm, các giải pháp lớn, nhằm tạo ra khung chính trị để các cơ quan nhà nước chủ động giải quyết các nhiệm vụ cụ thể. "Có như vậy, mới tránh được tình trạng các quyết định của các cơ quan nhà nước về thực chất là lặp lại nghị quyết của Đảng dưới một hình thức mới", ông Thông nêu.

PGS Lê Minh Thông cũng kiến nghị, để bảo đảm tính đúng đắn và phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, cần tích cực khoa học hóa, dân chủ hóa quy trình xây dựng chính sách, áp dụng nhiều hình thức lấy ý kiến của tầng lớp nhân dân đối với đường lối, chính sách của Đảng.

Qua đó phát huy trí tuệ của nhân dân, tiếp thu nguồn sáng tạo từ quần chúng, làm cho đường lối, chính sách không chỉ là sự kết tinh trí tuệ của Đảng, mà còn là kết tinh trí tuệ, kinh nghiệm và tình cảm của các tầng lớp nhân dân.