(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 17/8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập”. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì Hội nghị.
Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập”.
Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước ta thời gian qua, đời sống người dân nhanh chóng được nâng cao, sự gia tăng nhanh chóng dân số khiến nhu cầu sử dụng nước của người dân liên tục gia tăng. Trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn nước sạch và an toàn cho người dân ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc quản trị nước còn một số hạn chế, sự điều tiết, điều hòa hiệu quả nguồn nước từ nơi thừa sang nơi thiếu, hay việc tích trữ nước vào mùa mưa để phòng hạn hán còn là những vấn đề lớn cần được giải quyết. Tình trạng thất thoát nước, lãng phí nước trong sử dụng còn diễn ra ở nhiều nơi. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất sinh hoạt do áp lực từ điều kiện phát triển kinh tế; có nơi có nước nhưng không sử dụng được hoặc phải tăng cao chi phí để xử lý nước mới được sử dụng...
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà cho biết, trong tháng 7/2020, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức 2 đợt khảo sát về nội dung này tại 14 tỉnh, thành phố: Bắc Trung bộ; duyên hải Miền Trung; Nam Trung Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; Tây Bắc. Qua khảo sát, Đoàn công tác đã chỉ ra một số thách thức với an ninh nguồn nước, trong đó, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất. Ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt; nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế...
Khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân còn hạn chế. Hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thủy lợi chưa chưa đáp ứng yêu cầu. Lượng nước dồi dào nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo để tích nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, thất thoát nước lớn, trong thủy lợi khoảng 30%, trong cấp nước sinh hoạt 25,5%...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, quy hoạch và quản lý nhà nước là vấn đề quan trọng. Về cơ bản, hiện nay 5 lưu vực sông lớn đã chuẩn bị quy hoạch, các nhiệm vụ quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vấn đề điều tra tài nguyên nước, về cơ bản đã thiết lập hệ thống điều tra cơ bản và quan trắc trên các lưu vực sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả, sông Ba, Sê San, Serepok, Cửu Long, bước đầu giám sát được chất lượng và số lượng. Tuy nhiên, hệ thống quan trắc này còn thưa, chưa đáp ứng yêu cầu, cơ sở dữ liệu kết nối trên các lưu vực sông, các hồ đập thủy điện, thủy lợi chưa đầy đủ nên công tác dự báo liên quan đến chất lượng, trữ lượng tài nguyên nước còn nhiều hạn chế và khó khăn.
Nước ta có tới 3.500 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên, 13 lưu vực sông với diện tích lớn hơn 10.000 km2, trữ lượng nước mặt là khá lớn, khoảng 843 tỷ m3/năm nhưng phân bố không đều trong lãnh thổ. Hiện tổng lượng nước được khai thác, sử dụng là khoảng 80,6 tỷ m3/năm, chiếm chưa đầy 10% tổng lượng nước. Tuy nhiên, lượng nước này sử dụng chưa thực sự hợp lý và hiệu quả.
Một số thách thức đặt ra về quản lý và an ninh nguồn nước là: tình trạng mất cân đối nước cho sản xuất và sinh hoạt diễn ra khá thường xuyên theo không gian và thời gian. Vào mùa mưa thì thừa nước gây lũ cục bộ, lũ quét... Mùa khô thì nắng nóng, hạn hán, thiếu nước ngọt, nước mặn xâm nhập sâu trong đất liền…
Vân Thanh