Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục cơ cấu, xử lý nợ xấu và hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp phục hồi sau dịchCovid-19.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng
ẢNH TIÊU PHONG
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Ngân hàng T.Ư lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025, diễn ra sáng nay, 17.8, tại Hà Nội, Thống đốc Lê Minh Hưng, Bí thư Ban cán sự Đảng Ngân hàng nhà nước (NHNN), đánh giá 5 năm qua, ngành ngân hàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những kết quả nổi bật gồm thể chế pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Điều hành chính sách tiền tệ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định; cơ cấu tín dụng chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng hiệu quả, chất lượng cùng với mặt bằng lãi suất cho vay giảm đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
“Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng lên gần gấp 3 lần so với năm 2015 góp phần nâng cao tín nhiệm, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. NHNN có thể kiểm soát tỷ giá, chống đô la hóa trong nền kinh tế…”, ông Hưng khẳng định.
Đặc biệt, theo Thống đốc, trong bối cảnh toàn xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, sự triển khai kịp thời, đúng hướng và đồng bộ các chính sách đã góp phần phục hồi kinh tế đất nước, đưa Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng dương.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, người đứng đầu NHNN đánh giá tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, dịch chuyển… là những thách thức rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Ngân hàng T.Ư lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ẢNH TIÊU PHONG |
Theo ông Hưng, những yếu tố trên đòi hỏi ngành ngân hàng cần phải có những giải pháp phù hợp, thích ứng kịp thời. Vì vậy, cần tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng theo mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi giai đoạn hiện nay và sau dịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng,...
Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển ngân hàng số. Thúc đẩy phát triển “ngân hàng xanh”; tăng tỉ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon.
Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi trước tác động của dịch Covid-19, các ngân hàng cần thực hiện đồng bộ các công cụ, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất…
“Hệ thống tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời vốn với lãi suất hợp lý phục vụ sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng”, Thống đốc yêu cầu.